Trưa 3-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm học 2017-2018. Dù đã dự đoán điểm chuẩn sẽ giảm nhưng nhiều người không khỏi bất ngờ khi có trường giảm đến… 12,5 điểm.
Và một bất ngờ nữa là năm nay các trường vùng ven, ngoại thành điểm chuẩn vào lớp 10 lại tăng.
Giảm đến… 12,5 điểm
Theo kết quả công bố, trong số năm trường “top” đầu của TP.HCM chỉ có Trường THPT Bùi Thị Xuân giữ vững điểm chuẩn như năm trước với 37,75 điểm.
Bốn trường còn lại đều giảm điểm chuẩn. Trường giảm nhiều nhất là Trường Nguyễn Thị Minh Khai (giảm 2,75 điểm, còn 36,75).
Kế đó, Trường Gia Định giảm 1,5 điểm, còn 37,5; Trường Nguyễn Thượng Hiền giảm 1,25 điểm, xuống 40; và Trường trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM giảm 1 điểm, còn 39,25.
“Xét về mặt bằng chung, đề thi môn văn và ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tương đương năm trước. Tuy nhiên, đề thi toán lại khó hơn, phổ điểm môn toán cũng thấp hơn. Như vậy, điểm chuẩn giảm mạnh và giảm đều ở đa số các trường cũng là điều dễ hiểu” – phó hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3 phân tích.
Ở khu vực nội thành, hầu hết các trường THPT khác đều giảm điểm chuẩn như: Trưng Vương, Lương Thế Vinh, Marie Curie, Hùng Vương, Trần Khai Nguyên, Mạc Đĩnh Chi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Công Trứ, Phú Nhuận…
Tuy nhiên, điều đáng nói là có những trường giảm điểm chuẩn đến mức gây “sốc” cho cả học sinh và giáo viên trong trường. Đó là Trường THPT Nguyễn Trãi – ngôi trường luôn giữ vị trí số 1 trên địa bàn Q.4 từ nhiều năm nay. Năm trước, điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường là 27,5 thì năm nay chỉ còn 15 điểm (cho cả nguyện vọng 1, 2, 3), giảm đến 12,5 điểm.
Và như vậy, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã vươn lên vị trí số 1 trên địa bàn Q.4 với điểm chuẩn 25,25 điểm. Điểm này cũng giảm 1,5 so với năm trước.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở dĩ năm nay Trường Nguyễn Trãi giảm điểm chuẩn nhiều vì những năm trước, số học sinh ở Q.7, huyện Nhà Bè thường dự thi vào trường.
Năm nay, chất lượng giảng dạy ở Q.7, huyện Nhà Bè đã khá hơn, phụ huynh tin tưởng vào các trường THPT trên địa bàn mình sinh sống nên cho con em dự thi ngay tại địa phương. “Từ đó, số lượng thí sinh dự thi vào Trường Nguyễn Trãi giảm xuống” – ông Đạt nói.
Trường ngoại thành tăng điểm chuẩn
Trong bối cảnh như trên, điều bất ngờ nữa trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay là một số trường thuộc “top” giữa và “top” dưới ở nội thành, một số trường ở vùng ven và ngoại thành lại tăng điểm chuẩn.
Cụ thể như Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2), điểm chuẩn năm nay 27 điểm trong khi năm trước chỉ có 24,75, tăng 2,25 điểm. Trường Võ Văn Kiệt (Q.8) tăng 2 điểm. Trường Long Trường (Q.9) tăng 1,5 điểm. Trường Nguyễn Văn Tăng (Q.9) tăng 2 điểm. Trường Sương Nguyệt Anh (Q.10) tăng 3,25 điểm. Trường Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) tăng 0,5 điểm…
Thậm chí, tất cả các trường THPT trên địa bàn huyện Củ Chi năm nay đều tăng điểm chuẩn như Trường Quang Trung, An Nhơn Tây, Trung Phú, Trung Lập, Phú Hòa, Tân Thông Hội đều tăng từ 0,75 đến 1,75 điểm. Ở huyện Nhà Bè cũng vậy. Ba trường THPT trên địa bàn huyện năm nay đều tăng điểm chuẩn như: Trường Long Thới, Phước Kiển, Dương Văn Dương đều tăng điểm chuẩn từ 3,25 đến 3,5 điểm.
Rớt lớp 10 công lập không có nghĩa là con đường học tập của học sinh đã hết. Còn rất nhiều hình thức học tập khác để các em chọn lựa như các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường THPT dân lập, tư thục…” |
Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT(phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Về “hiện tượng” này, ông Đạt cho rằng: “Các trường THPT ở vùng ven, ngoại thành tăng điểm chuẩn là vì chất lượng giáo dục ở bậc THCS và THPT đã có phần khởi sắc, tiến bộ hơn khá nhiều”.
Bên cạnh đó, một đặc điểm cũng cần nhắc tới trong mùa thi năm nay là những trường mới thành lập nhưng có cơ sở vật chất tốt nên ngay năm đầu tiên tuyển sinh nhưng điểm chuẩn cũng rất khả quan. Như Trường THPT Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) 25,75 điểm; Trường Phạm Phú Thứ (Q.6) 21,25 điểm.
Ngoài ra, ba trường THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập cũng có điểm chuẩn khá vững: Trường Lê Quý Đôn chỉ giảm 0,5 điểm; Trường Nguyễn Du chỉ giảm 1 điểm; riêng Trường Nguyễn Hiền (Q.11) tăng 2,5 điểm so với điểm chuẩn năm trước.
Nhiều hình thức học tập cho học sinh lựa chọn
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có gần 8.000 thí sinh rớt khỏi lớp 10 công lập. Sau khi có điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, các quận huyện sẽ tổ chức họp tất cả những phụ huynh có con em thi rớt lớp 10 công lập để tư vấn cụ thể, giúp học sinh chọn một con đường học vấn phù hợp hơn với khả năng của mình.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Rớt lớp 10 không có nghĩa là con đường học tập của học sinh đã hết. Còn rất nhiều hình thức học tập khác để các em chọn lựa như: các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường THPT dân lập, tư thục.
Hiện nay, các trường trung cấp chuyên nghiệp đã và đang có nhiều chế độ ưu ái dành cho học viên như miễn giảm học phí cho học sinh vừa mới tốt nghiệp THCS; sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, học viên được học liên thông lên CĐ và ĐH để nâng cao trình độ…
Mặt khác, các trường trung cấp chuyên nghiệp cũng tiếp tục đổi mới trang thiết bị, nội dung và phương pháp đào tạo, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế (với Singapore, Úc, Hàn Quốc, Đức…) để chuyển giao giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến nhằm thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu và tiêu chí của doanh nghiệp”.
Thời gian nhận hồ sơ Các trường THPT công lập nhận hồ sơ nhập học của học sinh từ ngày 4 đến 20-7. Hồ sơ nhập học gồm: đơn dự tuyển vào lớp 10, phiếu báo điểm thi, học bạ THCS, giấy xác nhận tốt nghiệp THCS (tạm thời), giấy khai sinh. |
Hơn 10.000 học sinh không thi lớp 10 công lập Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay có hơn 10.000 học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng không đăng ký dự thi. Các em đã có sự chọn lựa ngay từ đầu để đi học trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường THPT dân lập, tư thục. |
Theo: (Giáo dục /TTO)