Điểm cao và chuyện lạm phát thiên tài

Cô bạn tôi có con học tiểu học ở một ngôi trường nổi tiếng với cánh cổng từng bị phụ huynh xô đổ. Kết thúc năm cuối cấp, điểm tổng kết của con là 8,5, không đủ để tiếp tục học THCS của ngôi trường này.

Cô bạn tôi không phàn nàn gì về việc con mình bị rớt lại phía sau những đứa trẻ có điểm số cao hơn. Đứa bé được 8,5 điểm. Đó là điểm số đủ để xếp loại học sinh giỏi. Song, giỏi là chưa đủ cho đứa bé tiếp tục tồn tại trong môi trường quen thuộc của nó. Để không rơi vào mặc cảm của một kẻ thua cuộc, nó cần phải đạt những điểm số tuyệt đối.

Đạt điểm số tuyệt đối khó hay dễ? Sẽ là rất khó cho những đứa trẻ như đứa bé 8,5 điểm kia, những đứa bé đến lớp, cố gắng tiếp thu bài giảng nhưng vẫn hồn nhiên sống như một đứa trẻ, có những niềm vui của tuổi thơ. Nhưng chắc chắn có một yếu tố nào đó khiến việc đạt điểm số tuyệt đối không hề khó khăn. Bởi hồi cuối năm học 2016, trường Lương Thế Vinh (HN) có 4000 hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6, trong đó có ¼ hồ sơ đạt điểm tuyệt đối cả hai môn Toán, và Tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 của TP.HCM (Ảnh: Đỗ Quang Đức)

Câu chuyện điểm cao không chỉ phổ biến ở học bạ của học sinh tiểu học. Việc có quá nhiều điểm số tuyệt đối có thể đáng mừng vì số lượng học sinh xuất chúng cho thấy chất lượng giáo dục đã có những bước tiến vượt bậc, cũng có thể đáng lo vì nó phản ánh chương trình học phổ thông đang được xây dựng phải chăng quá thấp so với khả năng của học trò?

Nhưng rất có thể, những điểm số tuyệt đối đó chẳng có ý nghĩa gì vì chỉ đơn giản là sự lạm phát. Tuy nhiên, cho dù số lượng điểm cao phản ánh bất cứ khía cạnh nào thì việc có quá nhiều điểm cao cũng tạo nên một thứ ảo giác có hại cho chính những đứa trẻ, và phụ huynh của chúng.

Với kết quả học tập không tỳ vết, với những điểm số tuyệt đối, một thế hệ con trẻ đang bị cuốn vào một cuộc đua vô tiền khoáng hậu mà chỉ điểm số là quan trọng, mọi thứ kỹ năng sống khác, có hay không không còn quan trọng nữa.

Với sự phổ cập điểm cao trên diện rộng, bất cứ sơ sảy nào của đứa trẻ cũng sẽ trở thành bi kịch khi nó bị tụt lại trong một cộng đồng tuyệt đối hoàn hảo.

Và cuối cùng, khi mà chưa lạm phát điểm cao thì đất nước này cũng đã lạm phát tiến sĩ rồi. Giờ đây, với một thế hệ người Việt dễ dàng đạt điểm số tuyệt đối mỗi kỳ thi, chúng ta sẽ có một đất nước lạm phát thiên tài. Làm người bình thường sẽ vô cùng khó khăn!

Theo: Phạm Trung Tuyến (TuanVietNam)

Bài liên quan

Cha mẹ ơi! Con không là thiên tài.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Các bậc phụ huynh thường lo lắng khi thấy con trẻ có những biểu hiện mình không vừa ý nên vội vàng khiển trách khi chưa đánh giá đúng sự viêc. Có thể lý do chỉ là vì cha mẹ muốn trở thành một bậc phụ huynh lý tưởng, “người” đã nuôi dạy thành công nên những “thiên tài”, cố gắng gò ép trẻ phải nổ lực tuân theo những nguyên tắc khô cứng từ rất sớm để trở thành “thần đồng”, những vĩ nhân của tương lai.  

Đừng ép trẻ thành thiên tài!

Hiện nay, có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 - 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán... Đó là một sự 'cưỡng bức'’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc.

Thiên hướng. Tìm hiểu năng lực và thiên hướng của con.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Trong thực tế cuộc sống: mỗi người đều có những tố chất riêng, không ai hoàn toàn giống nhau. Nên con trẻ có năng khiếu về mặt này và chập chạp về mặt khác cũng là chuyện bình thường. Nhưng chúng ta lại thường đánh giá các em chỉ theo một cách thức là kết quả học tập ở nhà trường. Điều này có thể làm mai một khả năng thiên bẩm của con em. Sau đây là một số gợi ý về thiên hướng của con trẻ để phụ huynh có thể tìm hiểu.

Cùng chuyên mục