Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo về mức học phí dự kiến cho năm học 2017 – 2018. Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, nhà trường phải công khai đề án tuyển sinh, trong đó nêu rõ mức học phí dự kiến với thí sinh trước khi thí sinh đăng ký. Thế nhưng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã công khai không rõ ràng, và khi thí sinh đã đăng ký, nhà trường “làm sốc” thông báo học phí cao chót vót.
Ngày 14.7, trên trang thông tin điện tử của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xuất hiện thông báo do PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, ký về mức học phí dự kiến cho năm học 2017 – 2018.
Theo thông báo này, việc tăng học phí dự kiến sẽ thực hiện 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 tính từ tháng 9 đến hết tháng 12.2017, học phí sẽ có sự phân biệt giữa sinh viên (SV) có hộ khẩu TP.HCM với các địa phương khác. Cụ thể, SV có hộ khẩu tại TP.HCM sẽ đóng học phí theo mức dành cho trường ĐH chưa tự chủ tài chính toàn phần là 1.070.000 đồng/SV/tháng (tính trung bình 10,7 triệu đồng/năm học 10 tháng). SV các địa phương khác theo học tại trường dự kiến mức thu cao hơn là 2,2 triệu đồng/tháng (khoảng 22 triệu đồng/năm 10 tháng).
Học phí dự kiến ở giai đoạn 2 (từ tháng 1.2018 trở đi) sẽ tăng mạnh và chỉ có một mức chung cho SV cả nước. Đó là khi được UBND TP.HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm trường tự chủ tài chính toàn phần. Học phí sẽ khác nhau tùy ngành đào tạo, trong đó cao nhất là 4 ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược sĩ ĐH, cử nhân khúc xạ với 4,4 triệu đồng/tháng. Ngành cử nhân xét nghiệm y học thu 3,6 triệu đồng/tháng, cử nhân y tế công cộng 2,5 triệu đồng/tháng. Các ngành cử nhân điều dưỡng (hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học), cử nhân kỹ thuật y học thu 3 triệu đồng/tháng.
Nếu mức học phí mới được áp dụng, năm 2018 mỗi SV theo học tại trường sẽ đóng từ 25 – 44 triệu đồng/năm học. So với mức học phí đang được TP.HCM cấp bù kinh phí đào tạo hiện nay (khoảng 9 triệu đồng/năm), mức này tăng lên tới 2,7 đến 4,8 lần tùy ngành. Thông tin mới này thực sự gây “sốc” cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay.
Mức tăng học phí dự kiến này nếu so với hệ thống các trường y công lập, có sự khác biệt khá lớn. Theo Nghị định 86/2015, mức trần học phí với các chương trình đào tạo đại trà tại các cơ sở công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, trong năm học 2017 – 2018 nhóm ngành y dược, SV phải đóng học phí là 1.070.000 đồng/tháng (10,7 triệu đồng/năm học).
Ngay với các trường ĐH đã được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, mức thu học phí cho năm học 2017 – 2018 cũng chỉ ở mức trên dưới 17 triệu đồng/năm cho các ngành ngoài y dược.
Như vậy, học phí Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nếu thực hiện sẽ ngang bằng với nhóm trường ngoài công lập, cao hơn các trường hiện đang thí điểm tự chủ tài chính và hơn nhiều lần so với trường chưa thực hiện tự chủ.
Ngay khi thông tin này được thông báo đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Một phụ huynh cho rằng mức học phí này không khác với trường ngoài công lập. Với mức học phí này, SV ngoại tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ khó theo học chương trình đào tạo bác sĩ trong 6 năm.
Có ý kiến cho rằng thông tin này đáng ra phải được công bố sớm hơn để thí sinh và gia đình có sự chuẩn bị. Dù thời điểm này thí sinh vẫn còn cơ hội điều chỉnh nguyện vọng nhưng sẽ là sự thay đổi khó khăn về mặt tâm lý nếu phải chuyển nguyện vọng khác.
Hơn nữa, theo điều 3 Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017, đề án tuyển sinh các trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin quan trọng. Ở mục 2.10 của đề án, trường phải nêu rõ mức học phí dự kiến với SV chính quy, lộ trình tăng học phí từng năm nếu có. Quy chế cũng nêu rõ tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia.
Điều đáng nói, tháng 3.2017 (thời điểm trước khi thí sinh đăng ký dự thi), trường này công bố đề án tuyển sinh trên web của Bộ GD-ĐT, nhưng thông tin về học phí không đúng với quy chế. Thay vì phải nêu rõ mức học phí dự kiến thì mục này chỉ vỏn vẹn một câu: “Nhà trường sẽ công bố trên website sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính”.
Theo một lãnh đạo UBND TP.HCM, Thường trực UBND TP chưa phê duyệt mức học phí cụ thể, nhưng do thời gian chuẩn bị bước vào năm học quá gấp nên TP cho trường công bố mức dự kiến. Sau khi Thường trực UBND TP thông qua sẽ có mức học phí chính thức. |
Theo: (Giáo dục /TNO)