Tờ Christian Science Monitor (Mỹ) vừa có loạt bài hỏi ý kiến những người dưới 30 tuổi, có mục tiêu và hoạt động tạo ảnh hưởng lớn với xã hội xung quanh, để biết về quan điểm của họ trong nỗ lực cải thiện để thế giới tốt đẹp hơn.
Điểm chung? – Hãy đền đáp xã hội nhiều hơn vì những gì mình đang có.
Thị trưởng tuổi 22
Ngày càng có nhiều người trẻ nghĩ họ phải đi nơi nào đó rừng rú, xa xôi hoặc phải có mặt ở chốn phồn hoa đô hội thì mới có điều kiện “tạo khác biệt”, nhưng Alex Morse tin là người trẻ có thể thay đổi được thế giới một cách lớn lao nếu nghĩ nhiều đến việc họ có thể bù đắp, đóng góp gì cho ngay nơi mình sinh sống. Alex có cơ hội để bắt đầu thực hiện quan điểm của mình từ ngày 3-1-2012, khi anh đảm nhiệm công việc thị trưởng Holyoke, bang Massachusett (Mỹ). Đây chính là quê nhà của Alex và anh đã trở thành một trong những người đứng đầu khu vực trẻ nhất của nước Mỹ.
Tốt nghiệp Đại học Brown tháng 5-2011, ngay từ năm 1 đại học Alex đã tỏ rõ quan điểm muốn về phục vụ quê hương và tranh chức thị trưởng. Anh đã có ba năm làm việc ở tòa thị chính tại Providence, R.I. Holyoke, nơi có khoảng 40.000 dân, kinh tế khó khăn, tội phạm nhiều và các trường học kém chất lượng. Anh đánh bại một chính trị gia kỳ cựu địa phương để vào vị trí lãnh đạo này. “Quan trọng nhất với con người là không bao giờ quên mình từ đâu đến và có thể làm gì để đáp đền nơi đó”.
Làm thì mới biết sẽ đến đâu
Chỉ với 150 giáo viên mà có thể tạo ảnh hưởng ở quốc gia 1,4 tỉ dân dường như là điều khó, nhưng Andrea Pasinetti, nhà sáng lập tổ chức Teach for China, nghĩ rằng mọi thứ đều cần phải làm thì mới biết sẽ đến đâu.
Năm nay 25 tuổi, Pasinetti, sinh ở Los Angeles và lớn lên ở New York (Mỹ), đã cùng các bạn học cũ là Rachel Wasser và Hu Tingting bắt đầu kết nối 20 giáo viên ở tỉnh Vân Nam vào năm 2009. Năm 2010 họ có 60 giáo viên và năm 2011 là 150. Mục tiêu của tổ chức là quy tụ được 1.000 giáo viên vào năm 2016. Teach for China vừa nhận giải thưởng hằng năm của tạp chí Newsweek là “Tổ chức phi lợi nhuận có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc”.
Lấy cảm hứng từ Teach for America, tổ chức này cũng hoạt động theo hướng đưa những sinh viên đại học ưu tú nhất về dạy ở những vùng sâu, vùng xa để những nơi này không còn tình trạng thiếu giáo viên lành nghề và học sinh không còn chịu nền giáo dục hạng 2 nữa. Teach for China thu hút các sinh viên hàng đầu của các trường đại học tốt nhất Trung Quốc.
Hầu hết các bạn tình nguyện đi dạy hai năm đầu đều là con đầu lòng trong gia đình tốt nghiệp đại học, nên Pasinetti thuyết phục các phụ huynh là con cái họ không phải chọn lựa nghề nghiệp sai lầm. Nhưng Pasinetti lại không bao giờ cần thuyết phục những sinh viên mới ra trường: “Họ đều nói muốn đền đáp lại xã hội”.
Cuộc đời cần có người dẫn đường
Năm nay 28 tuổi, đạo diễn của bộ phim Like crazy từng đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Sudance cho rằng ai cũng có thể thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn. Drake Doremus tin rằng mỗi người cần tìm cho mình một người dẫn dắt, hướng dẫn, cố vấn về tinh thần. “Tôi rất may mắn có được những người đi trước, tư vấn cho mình và họ đã tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Bây giờ tôi đang cố gắng đền đáp lại cuộc đời và làm những điều tương tự cho người khác” – Doremus nói.
Khi còn là sinh viên ở Viện Phim Mỹ (AFI), Doremus nhận thấy “mỗi tác phẩm điện ảnh mang đầy dấu ấn cá nhân chứ không phải thứ được làm ra để có thể phù hợp với tất cả, và điều đó đã gợi cảm hứng cho anh có tiếng nói riêng của mình. Hiện Doremus tham gia chương trình hướng dẫn của AFI để giúp các nhà làm phim trẻ. Anh cảm thấy đây là công việc quan trọng vì “những bộ phim đã thay đổi cuộc sống của tôi và có khả năng thay đổi thế giới”.
Theo: Những người trẻ làm chủ cuộc sống (Nhịp sống trẻ/TTO)