Tôi sắp sửa đi du học. Tuy đã chuẩn bị xong đồ mang theo, tôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm. Nhờ tư vấn giúp tôi một số bước chuẩn bị cần thiết?
– Chào bạn. Đối với vấn đề bạn hỏi, chúng tôi đã liên lạc với bạn Phạm Thủy Tiên, hiện đang theo học thạc sĩ nghiên cứu châu Âu tại ĐH Maastricht (theo học bổng UM High Potential). Theo như Thủy Tiên chia sẻ, trung bình mỗi du học sinh thường chỉ được đem theo 30–40 kg hành lý.
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có được hành trang du học gọn nhẹ và hợp lý:
Quần áo
Đa số các bạn chuẩn bị đi du học đều mua khá nhiều quần áo, với tâm lý “tiết kiệm” vì cho rằng mua quần áo ở nhà rẻ hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm truyền lại từ các du học sinh cho thấy quần áo lại là thứ nên ít đem theo nhất.
Ở các nước thường có hai mùa hạ giá lớn mỗi năm: mùa đông và mùa hè. Lúc này giá cả các mặt hàng, đặc biệt là quần áo, giảm mạnh, bạn hoàn toàn có thể mua quần áo mới, chất lượng tốt, hợp thời trang và phù hợp với thời tiết nơi bạn theo học, đặc biệt với quần áo dành cho mùa đông. Vì thế, tốt nhất bạn chỉ nên đem theo quần áo (không nhất thiết phải mua mới) cần thiết và đủ mặc cho 1-2 tháng đầu.
Thuốc men
Đây là một trong những thứ không thể thiếu trong hành lý du học. Không giống như ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Mỹ và các nước châu Âu, bạn chỉ được mua thuốc chữa bệnh nếu có toa thuốc của bác sĩ và thường phải mất ít nhất một tuần mới có thể đặt lịch hẹn khám.
Do đó, bạn nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc cảm sốt thông thường để khi cần có thể dùng ngay. Bên cạnh đó, nên đem theo các loại thuốc đặc trị như đau bao tử, viêm xoang nếu bạn đã biết rõ bệnh của mình.
Nhu yếu phẩm
Ngoài những đồ dùng tối thiểu phải sử dụng hằng ngày như bàn chải đánh răng, khăn mặt, sữa tắm, những vật dụng khác bạn không nhất thiết phải mua từ Việt Nam. Mẫu mã hàng hóa đa dạng với giá tiền phù hợp sẽ cho bạn nhiều lựa chọn mua sắm ở nước mà bạn theo học.
Tuy nhiên, nên đem theo kéo và tôngđơ cắt tóc (đối với các bạn nam) vì giá cắt tóc ở nước ngoài rất đắt (nhiều bạn nam thường tranh thủ dịp hè về Việt Nam cắt đầu đinh hoặc cạo trọc để tiết kiệm khoản tiền này).
Giấy tờ
Bạn nên chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm bản sao các loại giấy tờ cần thiết như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, văn bằng chứng chỉ, bảng điểm… có công chứng, phòng khi cần thiết. Đặc biệt, bạn nên đem theo nhiều hình thẻ (cỡ 3×4 và cỡ passport) vì chụp hình thẻ ở một số nước, như các nước phương Tây, không rẻ và bạn thường phải tự chụp bằng máy tự động nên có thể không đẹp.
Thức ăn
“Những chỗ trống trong vali nên được lấp đầy bằng đồ ăn Việt Nam” là kinh nghiệm mà giới du học sinh truyền đạt lại. Thời gian đầu khi bạn chưa quen với thức ăn bản địa, đồ ăn đem theo từ Việt Nam, đặc biệt là mì gói, sẽ là “cứu tinh” của bạn. Dù các nước đều có siêu thị châu Á, nhưng đa số đều bán thực phẩm Trung Quốc, ít đồ Việt Nam, gia vị Việt (bột nêm, gia vị phở, bò kho…) vì thế lại càng hiếm, nếu có thì mùi vị cũng không đậm đà. Do đó với những bạn dự định tự nấu ăn thì đừng quên đem theo nồi cơm điện và gia vị.
Những vật dụng khác
Đầu chuyển điện nhất thiết phải có trong vali đi du học của bạn, vì ổ cắm điện ở các nước rất khác nhau. Bạn có thể tìm mua loại đầu chuyển đa năng, dùng được cho mọi loại ổ cắm, rất tiện dụng và có thể đem theo khi đi du lịch ở các nước.
Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị các loại đĩa cài windows và phần mềm máy tính phòng khi laptop của bạn gặp trục trặc; một số quà lưu niệm đơn giản (bookmark, bưu thiếp…); túi ngủ (nếu bạn dự định đi du lịch nhiều); hình ảnh của gia đình, người thân và bạn bè (sẽ rất hữu ích trong thời gian đầu xa nhà, chúng sẽ khiến bạn cảm giác như có gia đình và bạn bè bên cạnh).
Đối với các bạn đi học ở những nước sử dụng xe đạp rộng rãi như Hà Lan, nên đem theo một bộ vá xe đơn giản, vì công vá và sửa xe ở những nước này khá đắt đỏ.
Cuối cùng, thứ quan trọng nhất mà bạn không thể thiếu trong hành trang du học là tâm lý sẵn sàng để sống tự lập một cách đúng nghĩa nhất, vì bạn sẽ phải tự lo liệu cuộc sống của mình, từ việc học đến những việc nhỏ nhặt như mua gạo, nước mắm, muối.
Nguồn: tuổi trẻ