Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: chương trình lớp 12

(Hiếu học) Một trong những yêu cầu căn bản được Bộ GD&ĐT quy định là Đề thi ĐH, CĐ 2011 chủ yếu ở chương trình lớp 12, không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học.

Thí sinh thi ĐH, CĐ năm 2010. (Ảnh: gdtd.vn)

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.

Đề thi ĐH, CĐ có nhiều câu để kiểm tra bao quát và bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn), chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Thống nhất các ký hiệu, thuật ngữ theo quy định hiện hành.

Cùng với nội dung phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót, đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.

Đề thi cũng sẽ không ra vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, các trường, ngành không thuộc diện năng khiếu sẽ gồm các khối thi: Khối A thi các môn: Toán, Vật lí, Hoá học; Khối B thi các môn: Toán, Sinh học, Hoá học; Khối C thi các môn: Văn, Lịch sử, Địa lí; Khối D thi các môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức và Tiếng Nhật.

Các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ thi theo phương pháp trắc nghiệm. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút.

Các trường, ngành năng khiếu sẽ gồm các khối thi: Khối N thi các môn: Văn, Kiến thức âm nhạc, Năng khiếu âm nhạc; Khối H thi các môn: Văn, Hội hoạ, Bố cục; Khối M thi các môn: Văn, Toán, Đọc, kể diễn cảm và hát; Khối T thi các môn: Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT; Khối V thi các môn: Toán, Vật lí, Vẽ mỹ thuật; Khối S thi các môn: Văn, 2 môn Năng khiếu điện ảnh; Khối R thi các môn: Văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí; Khối K thi các môn: Toán, Vật lí, Kỹ thuật nghề.

Quy định của Bộ về chấm thi, điểm thi

Bộ GD&DT cũng cho hay, sẽ có phổ điểm kết quả hợp lý, tạo khả năng phân loại cao đối với thí sinh. Về thi trắc nghiệm, xây dựng ngân hàng câu hỏi đủ lớn, nâng cao chất lượng đề thi, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với thực tiễn.

Theo quy định của Bộ về chấm thi, thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Đối với các môn thi theo phương pháp tự luận, cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm.

Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10. Việc tính hệ số do máy tính thực hiện; Chỉ các môn năng khiếu và ngoại ngữ mới nhân hệ số. Trong Giấy chứng nhận kết quả thi, chỉ ghi điểm môn thi chưa nhân hệ số. Khi thông báo điểm trúng tuyển (tổng điểm 3 môn thi), phải nói rõ môn nào nhân hệ số và hệ số mấy.

Khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.

Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng Ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.

Các đợt thi tuyển sinh năm 2011

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2010 là 514.500 sinh viên. Như vậy, với mức tăng 6,5%, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2011 sẽ khoảng 548.000, tăng thêm gần 33.500 so với năm 2010. Kỳ thi tuyển sinh 2011 sẽ có ba đợt thi gồm hai đợt thi ĐH và một đợt thi dành riêng cho các trường CĐ.

Thí sinh dự thi tại trường ĐH, CĐ (có tổ chức thi) nào, nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho trường đó qua hệ thống thu nhận hồ sơ của các sở GD-ĐT. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ theo hệ thống của sở GD-ĐT, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường theo đúng thời hạn quy định. Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào, nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do sở GD-ĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12. Riêng thí sinh có nguyện vọng (NV) 1 học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH, đồng thời nộp thêm một bản photocopy mặt trước của phiếu ĐKDT số 1.

* Đợt 1: Ngày 4 và 5-7-2011 thi ĐH khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn toán, lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến ngày 7-7-2011.

* Đợt 2: Ngày 9 và 10-7-2011 thi ĐH khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi văn theo đề thi khối C; khối M thi văn, toán theo đề thi khối D; khối T thi sinh, toán theo đề thi khối B; khối R thi văn, sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 13-7.

* Đợt 3: Dành riêng cho các trường CĐ tổ chức thi, thi trong hai ngày 15 và 16-7-2011 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22-7).

Nguồn: (GD&ĐT)

Bài liên quan

Cấu trúc đề thi 2011: Không thay đổi

Theo công bố mới nhất của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi trong các kỳ thi quốc gia năm 2011 về cơ bản không thay đổi so với năm trước. Cục cũng không ban hành cấu trúc đề thi các môn. 

Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2011

(Hiếu học) Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Trong đó, sẽ có 50% điểm số dành cho yêu cầu thông hiểu và vận dụng kiến thức. 

Kỹ năng, phương pháp làm bài thi

(hieuhoc_hieuhoc.com) Phương pháp làm bài và đạt điểm cao là một kỹ năng có được nhờ rèn luyện. Thiếu kiến thức về kỹ năng này, một thí sinh học lực khá giỏi cũng có thể phải nhận điểm số kém cỏi. Sau đây là tóm lược phương pháp căn bản để làm một bài thi tự luận hoặc trắc nghiệm.  

Cách làm bài thi trắc nghiệm

(hieuhoc_hieuhoc.com)Trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm, nhiều học sinh do thiếu kinh nghiệm nên không đạt điểm cao khi làm bài thi trắc nghiệm. Giới thiệu với các bạn một vài kinh nghiệm về cách làm bài thi trắc nghiệm. 

Cùng chuyên mục