Đề thi tuyển sinh 2013 sẽ như thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: về đề thi tuyển sinh năm 2013 sẽ không quá khó

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 được xã hội đánh giá tốt, có tính phân loại cao, đặc biệt một số đề thi được đánh giá là hay, ra đề theo hướng mở (môn ngữ văn), gắn liền với đời sống chính trị – xã hội của đất nước (môn địa lý). Năm nay, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo ban đề thi ra đề theo hướng này. Đề thi không chỉ đánh giá về kiến thức, kỹ năng mà còn đạt được yêu cầu kiểm tra năng lực nhận thức và tính sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi về đề thi ĐH, CĐ năm 2013
Thứ trưởng Bùi Văn Ga mong muốn mọi người đóng góp ý kiến về phương án xây dựng điểm sàn, có thể áp dụng ngay cho mùa tuyển sinh 2013

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học, không có giới hạn kiến thức ôn tập. Đề thi năm 2013 không ra quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không ra vào những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải.

* Đã có thời gian dư luận cho rằng đề thi nhiều khi chưa sát chương trình do người ra đề chủ yếu là các giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại các trường ĐH. Sự tham gia của giáo viên phổ thông vào việc ra đề thi có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đúng là có những năm do tổ ra đề một số môn thi hầu như chỉ có các thầy cô giảng dạy bậc ĐH nên bị phàn nàn là khó.

Tuy nhiên, gần đây Bộ GD-ĐT đã có điều chỉnh hợp lý cơ cấu ban đề thi theo hướng có giảng viên ĐH, có giáo viên THPT, có giáo viên đại diện các khu vực, vùng miền… trên phạm vi cả nước. Năm 2013, ở các môn thi, giáo viên phổ thông sẽ chiếm đa số so với giảng viên ĐH. Sự tham gia của giáo viên THPT trong soạn thảo và phản biện đề thi là rất quan trọng, để đề thi bám sát chương trình, phù hợp với thời gian làm bài quy định cho từng môn thi và nhất là phù hợp với chất lượng thực tế của giáo dục trung học. Song với đề thi có tính chất tuyển lựa, cần đến sự phân loại rõ ràng thì sự tham gia của giảng viên ĐH cũng hết sức cần thiết nhằm đánh giá năng lực cần có khi vào học ĐH.

* Với cách ra đề theo hướng từng bước đổi mới, thứ trưởng có thể dành lời khuyên gì cho thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi ĐH, CĐ?

– Trong một số đề thi có những câu ra theo hướng mở, nhưng chủ trương của Bộ GD-ĐT cũng không bắt thí sinh phải tổng hợp, vận dụng quá nhiều kiến thức cho mỗi câu hỏi. Có thể có những câu hỏi học sinh đọc qua có cảm giác hơi bất ngờ, nhưng đó chắc chắn chỉ là nội dung vận dụng từ kiến thức các em đã học.

Thời gian từ nay đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ còn khá dài, nên các em học sinh cần xác định phần kiến thức nào của mình còn yếu, còn thiếu thì tập trung bổ sung, củng cố, hoàn thiện, tránh ôn tập lan man, học tủ, học lệch, chạy theo các loại sách tham khảo, các lò luyện thi. Các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, động viên để các em có được tâm lý thoải mái, có sức khỏe tốt bước vào kỳ thi, tránh gây cho các em áp lực căng thẳng không cần thiết

Theo TTO

Cùng chuyên mục