Đề thi thiếu đột phá!

Được trông đợi sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ nhưng đề thi môn ngữ văn và môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 lại khá an toàn, thiếu đột phá

Thí sinh sau khi môn thi toán chiều 22-6 Ảnh: Hoàng Triều

Ngày 22-6, 866.000 thí sinh (TS) cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 với môn ngữ văn (tự luận) và toán (trắc nghiệm). Điều đặc biệt được quan tâm trong kỳ thi năm nay đó là đề thi. Theo ghi nhận, ở các điểm thi, TS khá vui vẻ, hồ hởi với đề thi cả 2 môn trong ngày thi đầu tiên được đánh giá là vừa sức.

Không thể hiện rõ sự phân hóa học sinh

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TP HCM), nhận xét cái hay của đề thi năm nay là đánh giá cao phần đọc – hiểu và phần nghị luận xã hội. Với dạng ra đề này sẽ khuyến khích văn hóa đọc cho học sinh. Một khi đề thi khuyến khích thói quen đọc sách thì cả giáo viên và TS sẽ hình thành thói quen cập nhật những cuốn sách mới. Cái hay nữa của đề thi năm nay là từ ngữ liệu hay, mới, đề thi hướng người viết suy nghĩ về những vấn đề tích cực, nhân văn của cuộc sống.

Thế nhưng, theo giáo viên này, hạn chế lớn nhất của đề thi năm nay là vẫn nằm ở mức an toàn. Cô Minh Ngọc cho rằng có cảm giác những người ra đề không dám có sự đột phá, thậm chí không hay bằng những đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố trước đây. Chính vì thế, đề thi không thể hiện rõ sự phân hóa học sinh giữa các mức độ khá, giỏi và xuất sắc.

Đồng tình với ý kiến này, thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), cho biết đề văn vừa sức, bảo đảm yêu cầu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, phần phân hóa chưa thực sự rõ ràng. Theo thầy Đức Anh, đề đã có những đổi mới, đó là ở phần đọc hiểu không phải là về tiếng Việt mà là đọc và hiểu đoạn văn để trả lời những câu hỏi liên quan. Phần câu hỏi về sự thấu cảm cũng khá hay.

Trước một số ý kiến đề thi thiếu đổi mới, cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho rằng với một đề thi tốt nghiệp, đừng biến đề trở thành dạng mà chỉ những ai chịu đi luyện thi mới làm được. “Suy cho cùng, cái mà chúng ta cần làm là đừng để những đứa trẻ chỉ đọc sách, viết văn khi các em cần đi thi. Nghĩa là văn học trong nhà trường phải thực sự trở thành nguồn cảm hứng cho trẻ, để trẻ sống nhân văn hơn qua nghệ thuật ngôn từ” – cô An nhấn mạnh.

Nhiều câu ở mức cơ bản

Thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên toán của tuyensinh247.com, nhận xét tuy môn toán có 24 đề khác nhau nhưng trong mỗi đề, 30 câu đầu tiên là những câu hết sức cơ bản, khá dễ dàng để làm nhanh. Từ 31 đến 44 là những câu ở mức độ khá, cần có sự suy nghĩ và cân nhắc. Từ 45 đến 50 là những câu vận dụng cao với độ khó lớn dùng để phân loại giữa học sinh thật xuất sắc. Theo thầy Chí, vẫn có sự trùng lặp câu hỏi giữa các đề nhưng chỉ chiếm số ít. Với đề thi này, các câu sử dụng máy tính cầm tay đã được hạn chế đáng kể, thường chỉ xuất hiện ở những câu khá dễ.

Thầy Nguyễn Ngọc Thu, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM), cũng nhận định đề thi chỉ có khoảng 2 câu khó. TS học lực khá có thể đạt 7 điểm vì vẫn phải loay hoay với vài câu. Đề thi này sẽ ít có điểm 10 nên vẫn đạt được mục tiêu phân loại TS để xét tuyển ĐH.

Theo ThS Ngô Thanh Sơn, Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), đề thi môn toán (mã đề 110) nằm hoàn toàn trong chương trình 12, nhìn chung dễ hơn đề minh họa lần 3 mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó. Đề bắt đầu bằng 10 câu rất dễ, chủ yếu ở mức tái hiện kiến thức. Học sinh gần như nhìn vào là có thể chọn đáp án ngay hoặc nếu có tính toán thì chỉ cần một bước rất nhẹ nhàng là có thể ra được đáp số. Nhìn chung, đề thi đạt mức phân hóa tốt. “Tuy nhiên, liệu có công bằng cho các TS khi các mã đề khác nhau hay không? Vì khi xem qua mã đề thi khác, tôi nhận thấy có sự khó – dễ khác nhau trong các câu hỏi” – thầy Sơn băn khoăn.

Theo: (Giáo dục /NLDO)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục