Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT QP năm 2017, nhiều học sinh lớp 12 ở TP.HCM đã tiến hành làm bài thử.
Thầy Trương Minh Đức, giáo viên bộ môn ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) nhận định: “So với hai đề thi thử trước đó, tôi đánh giá đề môn ngữ văn lần này là tương đối khó. Bản thân tôi khi làm thử cũng hơi lúng túng một chút”.
Theo thầy Đức, thứ nhất, câu hỏi phần đọc hiểu không dễ lấy điểm vì giữa các câu hỏi có nhiều mắt xích với nhau, các ý hỏi liên quan với nhau và không rõ ràng để học sinh có thể trả lời chính xác. Các em học sinh ở mức trung bình sẽ dễ lầm lẫn, tưởng câu hỏi dễ trả lời và sẽ xảy ra tình trạng trả lời lệch hướng, chung chung, lặp ý.
Cụ thể, câu 2 và câu 3, câu 4 đều hỏi về đam mê và trải nghiệm nhưng theo hướng khác nhau. Nếu câu 2, học sinh không đọc kỹ câu hỏi và văn bản sẽ rất dễ trả lời chung chung theo cảm nhận của mình rồi lặp ý với câu 3, câu 4 và cả câu nghị luận xã hội (2 điểm).
“Đặc biệt là câu 4, tôi nghĩ câu này hay nhưng quá sức với học sinh bình thường, nó đòi hỏi người làm phải có cá tính và sự trải nghiệm mới có thể đưa ra một câu trả lời hay, còn không sẽ chung chung và nhàn nhạt” – thầy Đức nói.
Thứ hai, đề nghị luận văn học dạng so sánh này hay hơn dạng đề phân tích một tách phẩm hay một nhân vật. Tuy nhiên, với dạng đề tổng hợp kiến thức này, học sinh khó lấy điểm cao.
Thầy Đức cũng nhắn nhủ: “Lời khuyên của tôi là các em nên học thuộc thơ và dẫn chứng vì trong đề không cho văn bản; bên cạnh đó, các em phải nắm chắc được kiến thức cơ bản về hệ thống luận điểm, xử lý thông tin yêu cầu của đề thi và sử dụng hệ thống luận điểm, kết hợp với nhau để tạo nên một luận chứng chặt chẽ, hợp lý”.
Môn vật lý: kiến thức nằm trọn trong chương trìnhlớp 12
Sau khi tham khảo đề thi môn vật lý, Trần Thị Loan (tổ trưởng chuyên môn tổ Lý trường THPT Phú Nhuận (Q. Phú Nhuận) cho biết: Đề đáp ứng được 2 tiêu chí của kỳ thi THPT QG: vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ.
Kiến thức nằm trọn trong chương trình vật lý lớp 12. Đề có tính phân hóa đủ các mức độ “nhận biết-thông hiểu – vận dụng thấp-vận dụng cao” được sắp xếp từ dễ đến khó. Học sinh muốn đạt điểm trung bình khá dễ, đạt 6-7 điểm không khó nhưng để đạt điểm cao thì không dễ dàng. Các câu khó rơi tập trung vào phần điện xoay chiều và sóng cơ.
Khoảng 20 câu lí thuyết và 20 câu bài tập (tỉ lệ 50/50), trong đó 16 câu đầu chủ yếu là lý thuyết và một vài câu bài tập ở mức độ nhận biết- thông hiểu; từ câu 17 đến câu 36 chủ yếu là bài tập vận dụng cơ bản đến hơi khó; các bài tập từ câu 37 đến câu 40 khá khó. Tóm lại: mức cơ bản (khoảng 60%), mức trung bình đến hơi khó (khoảng 30%), mức khó (khoảng 10%).
Đề không quá khó nhưng nặng phần tính toán nên các em phải thường xuyên luyện tập đa dạng bài tập để tìm tòi các phương pháp giải nhanh.
Môn Địa: đề hơi dài
Qua tham khảo đề thử nghiệm lần 3, thầy Phạm Phước Hiền, giáo viên môn địa lý, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP.HCM) nhận xét:
“Đề thi tham khảo môn địa lý lần này bám sát chương trình SGK và có tính phân hóa cao. Bên cạnh những câu dễ, kiến thức cơ bản và đọc hiểu atlat, đề có những câu hỏi hóc búa đòi hỏi các em phải chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp và tìm hiểu thêm các kiến thức thực tế. Tôi đánh giá đề thi hơi dài, các em khá giỏi chỉ có thể làm được 85-95%”.
N, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TPHCM, cho biết: “Em hơi sốc khi đọc đề thi môn Tiếng Anh vì đề thi quá dài lại nhiều từ vựng mới. Nhất là phần bài đọc, chủ đề nói về động vật có nguy cơ tuyệt chủng cũng không gần gũi lắm với học sinh lứa tuổi phổ thông. Vả lại, chủ đề này không phải bạn học sinh nào cũng quan tâm. Đã vậy, nội dung đề thi lại có nhiều từ vựng mà chúng em chưa được học trong chương trình.
Nhìn chung, với đề thi này thì em đoán sẽ có nhiều bạn làm bài không kịp thời gian. Em nghĩ là Bộ GD-ĐT nên xem lại độ dài của đề”.
“Em đăng ký thi tổ hợp KHTN và sau khi xem đề thì em đã xác định: môn Sinh sẽ cố gắng đạt 2 điểm, tránh bị điểm liệt. Thực sự thì đề Sinh qúa khó đối với những thí sinh Ban A như em. Thường đề thi nào cũng phải có những câu cơ bản để thí sinh kiếm điểm và được công nhận tốt nghiệp. Đối với em, những câu cơ bản trong đề thi môn Sinh cũng không dễ, tức là phải suy nghĩ chút xíu, tính toán chút xíu rồi mới chọn đáp án đúng được; không như đề Toán: câu cơ bản nhìn vào là làm được ngay” – N.H, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, chia sẻ.
“Sau khi làm thử đề thi thử nghiệm, em cảm thấy tự tin hơn với môn Hóa khá nhiều” – Ngọc Điệp – học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM cho biết. Điệp đã làm bài thi thử môn Hóa đúng trong 50 phút và giải quyết được tất cả các câu hỏi: “Em thấy cũng có một số câu hỏi khó nhưng không nhiều lắm. Điều đáng nói là đề thi có từ 25 -30 câu thuộc dạng cơ bản, tụi em dễ dàng làm được. Với đề thi này thì em tự tin với 7 điểm” – Điệp cho biết.
Theo: (Giáo dục/TTO)