Sau khi Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo dành cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhiều giáo viên cho rằng với đề này, học sinh có thể lấy điểm trung bình nhưng khó có điểm tuyệt đối.
Chiều 14-5, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo dành cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của các môn thi: toán, văn, tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân), tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và 6 ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp và Trung).
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi tham khảo là tài liệu căn bản nhất để các trường dựa vào đó ôn tập cho học sinh của mình. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo,(TTO) đã ghi nhận ý kiến của các giáo viên về các mẫu tham khảo này.
Cô Trương Thị Tuyết Anh(giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Đức Trí, TP.HCM):
Môn tiếng Anh có sự phân hóa rất rõ ràng
“Đề thi có nhiều từ vựng hơi lạ. Thí sinh sẽ mất rất nhiều thời gian vào phần bài đọc – dù chủ đề của nó đều nằm trong chương trình.
50 câu hỏi trong đề thi là 50 kiến thức ngôn ngữ khác nhau nên thí sinh không dễ dàng giải quyết hết trong vòng 60 phút, kể cả học sinh khá.
Tôi cho rằng đề tham khảo môn tiếng Anh có sự phân hóa rất rõ ràng, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi 2 trong 1. Thí sinh sẽ rất chật vật về thời gian vì nội dung đề hơi dài, học sinh trung bình cũng sẽ khó kiếm điểm 5”.
Cô Lê Thị Lý(tổ trưởng tổ GDCD Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM):
Môn GDCD học sinh khá có thể làm được khoảng 65-70%
Về cơ bản đề môn giáo dục công dân (GDCD) đảm bảo kiến thức cơ bản, các câu hỏi ngoài đều vận dụng kiến thức trong sách để giải quyết; chia theo bốn phần và sắp xếp theo thứ tự nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Với đề này học sinh khá có thể làm được khoảng 65-70%.
Một số câu hay, sát thực tế nhưng yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết để giải thích như câu 92 và mang tính thời sự như câu 94 “Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông làm nơi buôn bán hàng rong là vi phạm pháp luật…”.
Tuy nhiên, đề còn lỗi kỹ thuật trắc nghiệm như câu 108, từ “không” trong câu hỏi “Anh B không vi phạm quyền nào…” phải tô đậm để thí sinh không bị nhầm lẫn câu hỏi. Một số câu hơi rối vì nhiều dữ kiện mà tên riêng lại viết tắt như câu 119: ông A, con là T, quen H, thuê D đánh H. Hay câu 120 có chị Y, anh K, anh X, công ty Z… Khi đọc xong, học sinh rất rối, khó nhận diện và khó phân biệt.
Thầy Hà Xuân Nhâm(Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Đề toán khó hơn đề minh họa đã công bố
Đề toán về cấu trúc và mức độ đảm bảo yêu cầu đặt ra trước đó, có tính phân hóa cao.
Đề toán có 17 câu hình/tổng số 50 câu, chiếm 34%. Như vậy phân bổ giữa hình và đại là hợp lý. Trong 30 câu đầu đều là những câu thuộc mức độ tương đối dễ. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản, thuộc công thức là có thể làm được.
Tuy nhiên, ngay ở 30 câu này cũng đã có những câu đòi hỏi học sinh phải hiểu kỹ kiến thức mới làm được. 20 câu tiếp theo, mức độ khó tăng dần. 5 câu sau cùng, học sinh phải giỏi thực sự và có tốc độ làm bài tốt thì mới có thể hoàn thành hết.
So với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó thì đề thử nghiệm khó hơn. Nhưng với đề thi này, học sinh trung bình, khá nếu nắm vững kiến thức cơ bản thì có thể đạt điểm 5-6.
Cô Đặng Nguyệt Anh(Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam):
“Lo ngại với câu nghị luận xã hội 200 chữ”
Đề này đáp ứng đúng yêu cầu chủ yếu đánh giá năng lực học sinh. Những em nào chỉ chăm học thuộc bài văn mẫu mà năng lực học văn không tốt, trước đó không chú ý luyện kỹ năng trả lời câu hỏi dưới dạng trình bày ngắn gọn, viết đoạn văn câu nghị luận xã hội đủ ý chính và dùng cách nén câu để không quá số chữ cho phép viết… thì sẽ rất khó đạt được 7 điểm trở lên. Đề chọn được ngữ liệu hay, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Tuy vậy, để hoàn thành bài làm trong 120 phút, học sinh phải rất khẩn trương, không thể dành nhiều thời gian để lập dàn ý ra nháp hoặc viết đoạn văn ra nháp rồi mới chép lại vào giấy thi cho thật chỉn chu, sạch sẽ (mà không nháp thì bài sẽ khó mà đủ ý và không tránh được sự gạch xóa).
Thêm nữa, điều tôi lo ngại nhất là yêu cầu viết đoạn câu nghị luận xã hội chỉ 200 chữ (chứ không phải 200 từ) sẽ dần tạo thói quen nói, viết ngắn nhưng không sâu sắc, không có dẫn chứng minh họa hoặc không lật lại vấn đề và nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, toàn diện. Điều này rất không nên. Làm sao chỉ với 200 chữ mà học sinh có thể vừa nêu vấn đề, vừa giải thích, nêu biểu hiện, vừa bình luận, nêu dẫn chứng rồi đề xuất giải pháp được?
Theo tôi, với học sinh THPT, dạng đề này cần dành cho các em 150 phút làm bài. Trong 4 câu hỏi phần đọc – hiểu, cần có 1 câu hỏi về kiến thức tiếng Việt. Đoạn văn câu nghị luận xã hội nên tăng thành khoảng 300 chữ.
Thầy Nguyễn Quang Minh(tổ trưởng tổ sinh, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM):
Thí sinh sẽ rất khó kiếm điểm 10 môn Sinh
“So với đề thi mẫu Bộ GD-ĐT đã công bố đầu năm học thì đề thi tham khảo có phần khó hơn. Nhưng nếu so sánh với đề thi môn sinh những năm trước thì đề này lại dễ hơn.
Chỉ có điều, tôi có cảm giác đề thi môn sinh này là dành cho thí sinh thi ban B. Bởi 60% câu hỏi thuộc dạng cơ bản nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bài và biết suy luận mới làm được.
Tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn vì môn sinh năm nay nằm trong tổ hợp khoa học tự nhiên, thí sinh chỉ cần thoát điểm 1 là được công nhận tốt nghiệp THPT rồi.
Đây là đề thi phân hóa đến từng 0,5 điểm, thí sinh sẽ rất khó kiếm điểm 10 vì đề thi đòi hỏi sự nhanh nhạy cùng kỹ năng tính toán thuần thục. Nếu không, các em sẽ làm không kịp thời gian.
Tôi cũng lưu ý các em học sinh nên đọc kỹ đề vì có một số câu hỏi rất dễ nhầm lẫn: ngay đáp án đầu tiên sẽ là đáp án đúng nhưng câu hỏi không yêu cầu thí sinh tìm đáp án đúng mà yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi có bao nhiêu đáp án đúng hoặc bao nhiêu đáp án sai”.
Đề thi thử nghiệm môn hóa có 4 câu bài tập thuộc dạng khó, 2 câu lý thuyết thuộc dạng khó, còn lại là những câu dễ. Với đề thi này sẽ có nhiều thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên. Với mục tiêu 2 trong 1 thì tôi cho rằng đề thi này đạt được mục tiêu 1: dùng để xét tốt nghiệp, còn mục tiêu 2 khó đạt được vì độ phân hóa chưa rõ lắm” – Thầy Phan Trọng Quý(giáo viên môn hóa, Trường Trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM) |