Để sinh viên KH&CN tìm việc thành công

Để có được việc làm, cần hiểu rõ nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, qua đó chuẩn bị thật tốt kiến thức và kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đó là những gì sinh viên các ngành KH&CN rút ra từ tọa đàm “Nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên KH&CN” do tạp chí Tia Sáng phối hợp tổ chức cùng các giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học KH&CN Hà Nội, Đại học KHTN (ĐHQGHN)… và một số doanh nghiệp về công nghệ.

Các sinh viên KH&CN băn khoăn về định hướng nghề nghiệp. Ảnh: Thu Quỳnh.

Sinh viên các ngành khoa học và kỹ thuật cần chuẩn bị những gì để dễ có việc làm? Mức lương thường được nhận là bao nhiêu? Đối với công việc ở trong nước thì liệu có cần phải đi học nước ngoài? Đó là những câu hỏi mà nhiều sinh viên từ các trường Đại học Bách khoa HN, Đại học KHTN (ĐHQGHN), Đại học KH&CN Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Kinh doanh và công nghệ… đặt ra khi đến với cuộc tọa đàm. Lựa chọn giữa các ngành nghề cũng là vấn đề nóng được các em sinh viên và các bậc phụ huynh quan tâm. Anh Dũng (Tổng công ty Điện lực miền Bắc), dù con mới học lớp 11 cũng tìm đến tọa đàm để mong tìm được giải đáp cho câu hỏi: nên định hướng cho con vào ngành nghề gì trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ‘gõ cửa’?

Những băn khoăn của sinh viên và phụ huynh học sinh xuất phát từ nỗi khó khăn của sinh viên trong quá trình tìm việc làm, diễn ra khá phổ biến trong vài năm gần đây. Ví dụ theo số liệu khảo sát của Bộ LĐTBXH, có hai điểm đáng chú ý từ hơn một triệu lao động thất nghiệp của Việt Nam quý 1/2016: 1. Gần 50% là lao động ở độ tuổi thanh niên (15 – 24 tuổi); 2. Khoảng 41% là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó lượng lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm đa số.

Đừng hỏi lương bao nhiêu, hãy hỏi mình có thể làm được những gì?

Để giải đáp những băn khoăn trong từng ngành nghề cụ thể của các em sinh viên, cuộc tọa đàm đã tổ chức cho từng nhóm sinh viên trao đổi riêng với các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận chung trước đó, các em đã được cung cấp những lời khuyên cơ bản nhất, một bức tranh tổng quan về định hướng nghề nghiệp mà mỗi sinh viên trong mọi lĩnh vực ngành nghề cần phải biết.

Từ góc độ của một nhà quản lý KH&CN, TS. Doãn Hà Thắng, (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN), cho rằng các sinh viên cần tự đặt cho mình các câu hỏi: chúng ta hiểu gì về nhu cầu của xã hội và của doanh nghiệp hiện nay, đâu là lĩnh vực ngành nghề mình có khả năng theo đuổi, và cuối cùng là bản thân mình có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu trong từng ngành nghề cụ thể.


Để trả lời những câu hỏi có tính định hướng đó, theo TS. Tạ Văn Thạo, giảng viên Khoa Hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội, các em sinh viên trước hết cần có thiện chí, thực tâm hướng tới những công việc mà mình đam mê, mong muốn gắn bó lâu dài, đồng thời cần có những kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin. Anh Nguyễn Minh Trí, CEO IFI Solution, một công ty chuyên về phát triển và gia công phần mềm công nghiệp cho các công ty Nhật Bản, Ý, Pháp, nhấn mạnh rằng khả năng lựa chọn việc làm phụ thuộc vào chính mỗi người, “nếu thực sự muốn tìm việc thì ta nên chủ động tìm hiểu, càng chủ động thì cơ hội càng mở ra trước mắt”. Sự chủ động từ tâm thế này cần được thể hiện ra ngoài bằng việc sinh viên chủ động thu nạp kiến thức cơ bản, xu hướng phát triển của lĩnh vực mình đang theo đuổi.

Xu hướng tích hợp liên ngành

Với kinh nghiệm của một người từng được mời hỗ trợ công việc tuyển dụng nhân lực ở nhiều doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Khoáng đưa ra lời khuyên: ngoài việc hiểu rõ chuyên ngành của mình và định vị được chỗ đứng của mình, sinh viên cần có tư duy hệ thống và sự nhanh nhạy để nắm được những công việc, lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành của mình, và có khả năng tự đưa ra phương án xử lý những vấn đề mà mình tuy chưa học chuyên sâu nhưng từng có ít kiến thức cơ bản liên quan từ chương trình học trong trường, hay thậm chí có thể là chưa từng được học.


Chia sẻ tại tọa đàm, PGS. TS Trần Đức Tăng (Học viện Kỹ thuật quân sự) cho biết trước đây nói về ngành cơ học, người ta thường chỉ nghĩ đến những cỗ máy công nghiệp nhưng hiện nay, ngành cơ liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là cơ điện tử, và tính ứng dụng rất cao. Anh lấy ví dụ như trong lĩnh vực y học, ứng dụng của ngành cơ tham gia trực tiếp vào các cuộc phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho bệnh nhân bị tai nạn hoặc xương phát triển không cân đối, khi việc xử lý hình ảnh bằng phần mềm chuyên dụng sẽ giúp các bác sỹ tính toán được phần khuyết thiếu cần điều chỉnh trên cơ thể và lấy xương ở bộ phận nào lắp vào. Để thích ứng với yêu cầu liên ngành của các ứng dụng KH&CN, PGS. Tăng cho rằng sinh viên ngày nay cần có tầm nhìn bao quát, và điều này không khó, bởi chỉ cần quan tâm thực sự đến ngành học của mình là sinh viên có thể nắm bắt được những chuyển động mới của ngành cũng như những lĩnh vực liên quan đến nó.

TS. Trần Đình Phong (Đại học KH&CN Hà Nội) nhận định “ở góc độ nào đấy thì việc các doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng sinh viên ra trường là một sự thất bại của giáo dục”, tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn để tích cực đồng hành cùng các cơ sở đào tạo xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tế. Để tạo điều kiện cho sinh viên có khả năng hiểu được những nhu cầu thực sự của ngành công nghiệp, TS. Phong quyết định mời giám đốc BoViet, một tập đoàn về pin mặt trời ở Bắc Giang, làm giảng viên mời vào năm tới. Anh hy vọng, “những người làm trong ngành công nghiệp có thể tham gia tích cực hơn vào quá trình đào tạo, góp phần đưa những giá trị cơ bản và cốt lõi của công nghiệp vào môi trường học thuật”.


Tuy nhiên, am hiểu liên ngành không có nghĩa là trong mỗi ngành đều chỉ cần nắm hời hợt. Lấy ví dụ trong ngành cơ điện tử, anh Trương Trọng Toại, trưởng nhóm Robotics 3 T thuộc công ty Chế tạo máy 3 C chuyên nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các hệ thống robotics có độ chính xác cao, cung cấp các giải pháp tích hợp hệ thống và chuyển động thông minh, cho biết điểm mạnh của sinh viên ngành này là có thể xin vào làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ khí, điều khiển, công nghệ thông tin. Nhưng sinh viên cơ điện tử thường không được đào tạo chuyên sâu trong các chuyên ngành này, nên “khi thiết kế thì không bằng kỹ sư chế tạo cơ khí, phần điều khiển không nắm sâu bằng ‘dân’ điều khiển tự động, và thiết kế – lập trình các bo mạch điện tử không bằng các bạn chuyên ngành điện tử.” Vì vậy, người học cơ điện tử một mặt cần duy trì lợi thế nhãn quan liên ngành, mặt khác nên chủ động tự đào sâu vào một chuyên ngành nhỏ để thật giỏi trong chuyên ngành đó.

Có nhất thiết phải đi học nước ngoài nếu có điều kiện?

Trong nhiều năm gần đây, nhiều gia đình Việt Nam đã không ngại đầu tư tiền bạc cho con du học ở nước ngoài, tuy nhiên, liệu đó có phải là lựa chọn đúng đắn và mang lại sự đảm bảo chắc chắn cho việc làm tương lai? TS. Doãn Hà Thắng cho rằng, trong những năm qua, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin diễn ra hết sức mạnh mẽ, tác động một cách nhanh chóng đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội khiến thế hệ trẻ ngày nay có thể tự chủ động tìm kiếm những nguồn thông tin hữu ích mà không nhất thiết phải đi du học. Đồng thời xu hướng mới cũng đòi hỏi các em phải có cách tiếp cận linh hoạt và sáng tạo hơn so với các thế hệ đi trước để có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thực tế, bắt kịp các cơ hội đang mở ra. Nếu đi du học, rất có khả năng khi quay về, các bạn trẻ sẽ phải mất thời gian làm quen lại với môi trường Việt Nam, trong khi các bạn đồng trang lứa dù chỉ học trong nước lại có thể chủ động nắm bắt tình hình để tìm ra được những việc mình có thể làm, những nơi có thể nộp hồ sơ xin việc.

Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Minh Trí và TS. Tạ Văn Thạo, kể lại những trải nghiệm của chính mình sau khi du học trở về, trong đó họ nhận thấy quãng thời gian học tập tại nước ngoài dù là chương trình cao học hay tiến sỹ, đều quá dài. Theo anh Trí, “bây giờ được làm lại sẽ chọn không đi du học vì nó làm mất của tôi nhiều thứ như thời gian, tiền bạc mà không cho mình nhiều kiến thức”. Vì vậy, anh đưa ra một nhận định rất thật là nếu nhất quyết du học thì nên “chọn độ tuổi phù hợp, nghĩa là độ tuổi có thể biết suy nghĩ và đưa được ra nhiều quyết định cũng như lựa chọn khác nhau trước một tình huống”.


Tuy nhiên TS. Phan Lê Bình, chuyên viên tổ chức JICA và giảng viên ngành Cơ sở hạ tầng, ĐH Việt Nhật (ĐHQGHN) cho rằng, việc đi du học cũng có nhiều ích lợi, đó là biết thêm một ngoại ngữ, biết thêm ít nhất một nền văn hóa khác, do đó đem lại lợi thế rất lớn cho các sinh viên về sự tự tin và khả năng tiếp cận vấn đề từ những góc tư duy mới.

Vì vậy theo TS. Mai Anh Tuấn, ĐH Bách khoa HN, việc học trong nước hay nước ngoài, dừng lại ở đại học hay học lên các bậc trên tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người, mỗi gia đình. Điều quan trọng là cần phải trả lời được câu hỏi: học để làm gì, nó có trả lời cho vấn đề việc làm và sự nghiệp mà mình định theo đuổi hay không.

Làm gì để tăng cường kỹ năng mềm? TS. Phan Lê Bình (Đại học Việt Nhật) cho rằng sinh viên cần chú trọng kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lắng nghe và thành thạo một ngoại ngữ. Để có kỹ năng mềm tốt, các bạn trẻ rất cần mở rộng phạm vi tương tác xã hội. TS. Khoáng khuyên các sinh viên không chỉ chú trọng học tập trong các phòng thí nghiệm mà hãy rèn luyện thể thao để có sức khỏe, hãy tham gia các hoạt động xã hội để học hỏi được nhiều điều cần thiết. TS. Bình cũng nêu ví dụ, ở Nhật Bản, nơi anh từng theo học, sinh viên rất chú trọng tham gia một vài câu lạc bộ trong trường đại học, không chỉ để mở mang hiểu biết mà còn thiết lập thêm các mối quan hệ, làm quen với các mạng lưới quan hệ xã hội có thể hỗ trợ công việc sau này. Tuy đây là một nét văn hóa rất riêng của người Nhật nhưng rõ ràng việc mở rộng hoạt động cũng đem lại nhiều điều bổ ích cho mỗi người, đặc biệt là khả năng dung hòa xung đột và xử lý tình huống.

Theo: Tiasang

Bài liên quan

Tìm hiểu kiến thức ngành nghề liên quan trước khi ra trường.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Bạn hiểu biết như thế nào về yêu cầu của thị trường lao động đối với ngành nghề của bạn? Nhiều doanh nghiệp không chỉ đơn giản là đòi hỏi bằng cấp hay loại tốt nghiệp mà còn phỏng vấn thêm kiến thức ngành nghề liên quan. Chính vì thế, sinh viên ngoài việc học chuyên ngành của mình thì cũng nên tìm hiểu thêm kiến thức ngành nghề liên quan để thích nghi trước khi ra trường. 

Mẹo giúp sinh viên tìm việc dễ hơn sau khi tốt nghiệp

Để có được công việc tốt, bạn thường phải ganh đua với rất nhiều người. Không hẳn bảng điểm đẹp, có trong tay tấm bằng tốt sẽ quyết định ai là người được nhà tuyển dụng lựa chọn.   

Tìm được việc làm, cũng dễ thôi!

(hieuhoc_hieuhoc.com) Không chỉ sinh viên mới ra trường khó tìm việc mà ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm cũng không dễ tìm việc trong thời buổi này. – “Khi tôi thất nghiệp, sao tìm tới chỗ nào họ cũng chỉ hứa?”...

Sinh viên mới ra trường tìm việc

(hieuhoc_hieuhoc.com) Đối với sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng biết rằng các ứng viên tìm việc này thường không có nhiều kinh nghiệm, nên các tiêu chí tuyển chọn của họ sẽ là… 

Cùng chuyên mục