(hieuhoc_hieuhoc.com). Để làm bài thi môn Sinh đạt kết quả tốt: Cần nắm vững các bước giải và dữ kiện của bài toán để suy luận, loại trừ các phương án gây nhiễu. Tuy nhiên, khoan đi sâu vào những bài tập quá phức tạp vì mức độ ưu tiên khi ra đề của loại này là khá thấp…
Theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT thì đề thi sẽ bao quát gần như toàn bộ chương trình học, trọng tâm rơi vào lớp 12. Tuy nhiên vẫn có thể có cả chương trình Sinh học lớp 11 và 10, mặc dù số lượng sẽ không nhiều.
Để làm tốt bài thi môn Sinh, các bạn cần phải lưu ý cách làm trắc nghiệm như sau:
– Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm phải đọc kỹ mục “thí sinh lưu ý” và làm đúng theo hướng dẫn để tránh những nhầm lẫn hoặc thiếu sót đáng tiếc. Điều đầu tiên cần lưu ý là mã đề thi (phải ghi đúng, đủ và hợp lệ trong phiếu trả lời).
– Đọc lướt qua một lần tất cả các câu hỏi. Câu dễ, dạng câu quen thuộc hoặc câu nắm vững kiến thức chọn làm trước. Câu khó, chưa vững kiến thức hoặc dạng câu chưa gặp bao giờ thì làm sau. Không nên quá chú trọng vào những câu hỏi khó, quá lắt léo mà bỏ qua các câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
– Không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu nào đó, nếu câu chưa giải quyết được ngay thì chuyển sang câu khác, lần lượt làm đến hết, sau đó mới quay lại nếu còn thời gian. Đừng để tình trạng vướng vào câu khó mình không biết mà bỏ qua cơ hội giành điểm ở những câu khác có thể trả lời được tốt ở phía sau (vì các câu trong trắc nghiệm điểm như nhau, không kể dễ hay khó).
– Nếu câu nào còn đang phân vân đáp án đúng thì ta loại bỏ các phương án sai trước, sau đó cân nhắc các phương án còn lại, như vậy việc lựa chọn sẽ nhanh hơn và xác suất trả lời đúng sẽ cao hơn.
– Tuyệt đối không bỏ một câu nào, kể cả câu không thể trả lời được cũng nên chọn một trong các phương án đã cho. Nếu may mắn thí sinh có thể trả lời đúng, còn nếu sai cũng không sao vì không bị trừ điểm.
– Đối với bài tập nếu không làm được thì dựa vào đáp án đã cho, coi như đã có kết quả và thay bằng các dữ kiện để thử ra đáp án đúng.
Với môn Sinh, các câu trắc nghiệm được biên soạn dưới nhiều hình thức: đúng – sai, gợi nhớ, phân tích, so sánh, điền khuyết, ghép cặp, phân tích, suy luận…. Trong đó, các bạn cần lưu ý:
Câu “Đúng – Sai”.
– Chọn phương án trả lời đúng: Đọc kỹ từng câu hỏi (có thể đọc hai lần) để nắm rõ nội dung câu hỏi. Trong bốn đáp án chỉ có một câu trả lời phù hợp nhất với nội dung câu hỏi nên các bạn phải cẩn thận – loại dần các đáp án vô lý.
– Chọn phuong án trả lời sai: (Không đúng, chưa đúng, không phải là, không có trong…). Với dạng câu hỏi này, các bạn dễ mất điểm do chủ quan. Thường điều gì không biết thì hay cho rằng điều đó là sai, hoặc đọc không kỹ đề, thay vì chọn ý sai lại chọn ý đúng…
Câu “Gợi nhớ”.
– Đối với các câu gợi nhớ, ghép cặp (ví dụ các bệnh, các tật di truyền, các đặc điểm của từng nhóm người, thời điểm xuất hiện các nhóm loài sinh vật…), để làm tốt các bạn nên làm bảng thống kê, cột phân loại, phân nhóm để khỏi nhầm lẫn, dễ ôn tập.
– Đối với các câu hỏi về một quá trình sinh học (như quá trình đột biến, quá trình tạo giao tử, quá trình tổng hợp protein, quá trình hình thành đặc điểm thích nghi, quá trình hình thành loài mới…), để có câu trả lời đúng, các bạn nên vẽ sơ đồ ra giấy nháp theo đúng trình tự các kiến thức bài học rồi so sánh với các câu trả lời để chọn câu đúng.
Câu hỏi theo dạng bài tập.
– Đối với những câu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề hay giải một bài tập gồm nhiều bước, các kiến thức của bài học cần được công thức hóa, sơ đồ hóa (ví dụ chương về cơ sở vật chất di truyền, công thức Hardy & Weinberg…), dùng kết quả tính toán được so sánh với các câu trả lời.
– Các bạn phải nhớ công thức, biết tính toán và suy luận thì mới nhanh chóng tìm được đáp án., rút ngắn thời gian làm bài.
Trên đây là những lưu ý thêm để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Sinh. Ngoài ra, các quy định và phương cách làm bài thi trắc nghiệm thì môn Sinh cũng như các môn học khác.
Chúc các bạn chuẩn bị tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi năm nay.
Vĩnh Nghiêm (hieuhoc_hieuhoc.com).