Ngày 2 và 3.6 sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Sẽ có khoảng 9.000 học sinh tại TP.HCM không trúng tuyển nguyện vọng nào vào trường công, vì vậy thí sinh phải có những chú ý khi làm bài thi để đạt kết quả tốt nhất.
Nội dung đề thi gắn liền, gần gũi với thực tiễn
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, có khoảng 72.000 thí sinh tham dự tại 125 hội đồng thi. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu lớp 9 và nội dung câu hỏi có xu hướng gắn liền, gần gũi với thực tiễn.
Chẳng hạn với môn ngữ văn, nội dung câu hỏi sẽ hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản như đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ, cảm thụ tác phẩm văn học… với yêu cầu thí sinh thể hiện các cấp độ tư duy từ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng. Với môn toán, cấu trúc đề thi tương tự năm trước và có thể sẽ có 2 câu hỏi vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, tăng 1 câu so với kỳ tuyển sinh trước. Còn đề thi môn tiếng Anh là những câu hỏi trắc nghiệm, tìm lỗi trong câu, đọc – hiểu, dạng thức từ, điền từ vào một bài đọc, viết lại câu, sắp xếp từ thành câu hoàn chỉnh…
Qua nhiều năm quan sát, đánh giá đề thi tuyển sinh, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), cho hay câu nghị luận xã hội trong đề thi môn văn thường đề cập đến các vấn đề gần gũi với lứa tuổi học sinh, thu hút sự quan tâm của giới trẻ, có tính thời sự… Khi làm câu nghị luận xã hội, thí sinh cần xác định rõ vấn đề bàn luận, có suy nghĩ, quan điểm riêng, đưa ra lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục người đọc, nhận thức về những tác động của vấn đề đối với bản thân… Còn đối với câu nghị luận văn học, thí sinh cần liên hệ đến thực tế cuộc sống và liên hệ các tác phẩm khác cùng đề tài. Nếu được chọn lựa một trong 2 đề nghị luận văn học để làm, thí sinh nên chọn đề mà mình nắm chắc kiến thức, kỹ năng.
Ông Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THCS Đồng Khởi, chia sẻ: “Thời gian làm bài thi môn tiếng Anh là 60 phút, có đủ thời gian để đọc kỹ từng từ, câu. Thí sinh hãy bình tĩnh để quan sát vị trí của chỗ trống, trước và sau là gì để chọn đáp án chính xác”. Ông Thắng cũng lưu ý thí sinh về ngữ pháp, cần tập trung vào những chủ điểm chính như: câu bị động (passive voice), câu tường thuật (reported speech), mệnh đề, câu điều kiện (conditional sentences) và mệnh đề quan hệ (relative clause). Về ngữ nghĩa, cần lưu ý những cụm từ đặc biệt, chẳng hạn, động từ nào với giới từ nào hoặc tính từ nào với giới từ nào. Riêng thí sinh thi chuyên cần lưu ý phần nghe vì năm nay mới có nội dung này trong đề thi.
Ông Thắng lưu ý, nếu chắc chắn câu nào, thí sinh nên ghi luôn vào bài. Khi làm xong, nên dành thời gian xem lại, tuyệt đối không để trống câu hỏi nào.
Đối với môn toán, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), hướng dẫn nên dành khoảng 2 phút cho mỗi câu hỏi để suy nghĩ, làm nháp các bước giải cần thiết để tránh sai sót. Khi làm bài nên làm từ bài dễ đến bài khó để không mất nhiều thời gian, ghi được điểm tốt và tạo tâm lý thoải mái, tập trung tư duy. Bài làm cần trình bày sạch sẽ, ngắn gọn, đầy đủ các bước giải để cán bộ chấm thi hiểu cách làm của mình. Lưu ý không làm tắt, tránh bỏ qua những lời giải cần thiết vì có thể mất 0,25 điểm.
Ngoài ra, ở khía cạnh tâm lý, ông Tịnh chia sẻ: “Khi kết thúc một môn thi, không nên kiểm tra giấy nháp hay thảo luận về bài làm đã nộp vì việc phát hiện sai lầm nào đó trong quá trình làm bài sẽ gây ảnh hưởng tâm lý ở các môn thi tiếp theo. Trong trường hợp nếu làm bài không tốt ở môn thi này, các em phải giữ tâm lý vững vàng để tiếp tục dồn sức cho các môn thi còn lại”.
Phải đạt điểm tối đa cho những câu hỏi dễ
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi năm nay sẽ không quá khó. Mức độ đề đảm bảo học sinh (HS) trung bình nếu học, ôn tập nghiêm túc thì có thể đạt 50 – 60%. Chính vì vậy, thời điểm trước ngày thi, HS không nên áp lực nhồi nhét kiến thức mà nên dành thời gian thả lỏng, hệ thống kiến thức, ghi nhớ cấu trúc đề để làm tốt bài thi.
Theo ông Hoàng Long Trọng, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Văn Lang, Q.1, để tạo tâm lý thoải mái cho HS, trường đã hoàn tất chương trình và cho HS nghỉ từ ngày 23.5 để tự ôn ở nhà. Ông Trọng cho rằng thời gian sát ngày thi, HS không nên học thêm các kiến thức mới mà cần lưu ý tránh những lỗi thường gặp khiến bài thi mất điểm không đáng. Ông Trọng lấy dẫn chứng: “Khi làm bài, HS thường mắc một số lỗi cơ bản như: Ở phần đọc hiểu văn bản, một số em không đọc kỹ đề dẫn đến trả lời sai yêu cầu câu hỏi và mất điểm oan ức. Phần viết đoạn văn nếu không tập trung HS hay quên liên hệ với bản thân làm cho đoạn văn không hoàn chỉnh. Tương tự, để làm tốt phần nghị luận văn học, HS cần đọc thêm văn bản, tác phẩm ngoài sách giáo khoa để khi làm bài mở rộng phạm vi dẫn chứng thể hiện mức độ hiểu bài và tạo thiện cảm với người chấm thi”.
Đối với môn toán, ông Nguyễn Đình An, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, lưu ý: “Cấu trúc đề thi lớp 10 gồm có 5 câu, ở mỗi câu HS thường mắc phải một số lỗi cơ bản như: Ở câu giải phương trình bậc 2, HS phải biến đổi và thường sai ở bước chuyển vế mà không đổi dấu, chưa đưa về chính tắc và không xác định được hệ số. Lỗi sai này không đáng nhưng HS vẫn bị trừ điểm. Phần toán đố HS chọn ẩn nhưng thường thiếu điều kiện và một số lỗi sai về từ ngữ cũng bị trừ điểm như “Có hệ phương trình” thì nhiều em hay viết là “Có phương trình”. Tương tự ở câu vẽ đồ thị, mặc dù số âm nhưng nhiều em (do quên) lại vẽ parabol quay lên trên hoặc chia khoảng cách sai hoặc thiếu mũi tên chỉ hướng buộc người chấm thi phải trừ điểm. Tương tự ở câu hỏi rút gọn căn, nhiều HS bấm máy tính cho ra kết quả đúng nhưng bài này cần có cả quá trình nên dù kết quả đúng vẫn bị đánh sai ở câu hỏi này”.
Theo: (Giáo dục /TNO)