Bạn hãy thay đổi những thói quen sau để cải thiện năng suất học tập, làm việc trong năm mới, theo tổng hợp từBusiness Insider.
Không ưu tiên giấc ngủ
Nhiều người thường cắt xén thời gian ngủ của mình để làm việc. Nhưng thực tế cho thấy ngủ ít về lâu dài sẽ làm cho vỏ não trước trán, nơi có chức năng giải quyết các vấn đề sẽ bị suy thoái, dẫn đến hiệu quả công việc kém. Một đêm ngon giấc mới là chìa khóa để tăng năng suất trong công việc, học tập.
Để điện thoại trên giường khi ngủ
Ánh sáng xanh trên màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay có thể làm hỏng thị lực, ngăn chặn sản xuất melatonin, một loại hooc-môn giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng người có nồng độ melatonin thấp thường dễ có xu hướng căng thẳng, trầm cảm.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Đây là bữa ăn đầu tiên trong ngày để bắt đầu quá trình trao đổi chất, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, nồng độ đường trong máu để giúp bạn tập trung, có năng lượng làm việc hiệu quả suốt ngày. Khi nồng độ đường trong máu thấp, bạn sẽ dễ mất tập trung, mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn.
Không làm những công việc quan trọng trước
Hầu hết mọi người thường có xu hướng chọn làm những việc dễ dàng trước vào đầu ngày, và bỏ lỡ những việc quan trọng, khó khăn. Tuy nhiên, bạn càng để lâu thì khả năng ỳ càng cao vì năng lượng, sự tập trung, ý chí của bạn giảm dần theo thời gian trong ngày.
Liên tục kiểm tra email
Việc kiểm tra email liên tục sẽ khiến bạn bị xao lãng khỏi mục tiêu công việc cần hoàn thành. Hơn nữa, nó còn làm tốn mất của bạn trung bình là 25 phút để có thể tập trung trở lại. Cách tốt nhất là bạn nên xác lập khung giờ kiểm tra email cố định để có thời gian thực sự làm việc sâu.
Bỏ qua việc tập thể dục
Trong một bài báo viết cho tạp chíHarvard Business Review, tác giả Friedman cho biết việc tập thể dục thường xuyên có tác động trực tiếp đến năng suất làm việc của bạn. Bao gồm việc cải thiện sự tập trung, trí nhớ và tăng khả năng chịu đựng về mặt tinh thần, thể chất.
Làm nhiều việc cùng lúc
Trong khi nhiều người tin rằng họ có khả năng làm nhiều hơn 2 việc cùng một lúc thì các nhà khoa học đã cho thấy chỉ có khoảng 2% dân số có khả năng xử lý đa nhiệm hiệu quả. Đối với những người còn lại, làm nhiều việc cùng lúc sẽ chỉ làm giảm tập trung, cũng như chất lượng hiệu quả cho từng công việc cụ thể.
Phương Anh (Business Insider/TNO)