Khi được xếp vào khoa kinh tế chính trị, ngành thời thượng tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ, tôi đã lội ngược dòng: xin chuyển sang khoa sinh học. – Tôi gửi phòng giáo vụ nhà trường lá đơn kèm một bài lý luận chính trị nói lên niềm đam mê của mình ở lĩnh vực đó.
Ngã rẽ
Như bao đứa trẻ khác, tôi ham thích khám phá thế giới xung quanh. Lúc nhỏ, mỗi khi phát hiện một biểu hiện đặc biệt của loài sinh vật nào đó, những câu hỏi “tại sao, như thế nào?” cứ nhảy múa trong đầu tôi… Mọi thứ xung quanh cô bé con là tôi đều mang dáng vẻ bí ẩn hấp dẫn. Lớn lên một chút, được học và kiểm chứng nhiều hiện tượng tự nhiên, tôi càng muốn đi đến tận cùng thế giới rộng lớn.
Được chọn vào khoa kinh tế chính trị Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nhờ số điểm thi khá tốt nhưng tôi quyết xin chuyển sang học khoa sinh học. Có thể nhiều người cho rằng tôi dại, vì lúc đó khoa kinh tế chính trị đang là “mốt”. Nhưng càng học hỏi thêm nhiều điều từ nhà trường, tôi càng tin mình đã đi đúng đường.
Gắn kết
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, tôi rời Hà Nội đến nhận công tác tại Viện Hải dương học (Nha Trang). Tại đây, tôi trải qua nhiều thăng trầm ở các chuyên môn khác nhau trước khi chọn hướng nghiên cứu riêng: độc tố tự nhiên trong sinh vật biển.
Trường đại học chỉ cung cấp kiến thức nền bao quát nên khi bắt tay vào nghiên cứu tại phòng hóa sinh, tôi bắt đầu học lại từ những điều rất nhỏ, ví như việc rửa chai lọ trong phòng thí nghiệm sao cho đúng cách.
Khi ca ngộ độc đầu tiên với 83 nạn nhân tại Bình Thuận do ăn phải chả mực tuộc đốm xanh, Trung tâm Y tế dự phòng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tìm đến chúng tôi yêu cầu được cập nhật thông tin về bản chất độc tố của loài sinh vật này. Thử thách đặt ra lúc đó là kiến thức về các vụ ngộ độc sinh vật biển tại Việt Nam gần như là một mảng trống.
Bắt đầu từ đó, chúng tôi chọn cách nghiên cứu bám theo những ca ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam do những sinh vật biển gây ra khi hoàn toàn không ai biết lý do. Ngộ độc xảy ra ngày càng nhiều ở những vùng dân cư ven biển, điển hình là do ăn cá nóc, do ngư dân thiếu kiến thức, chỉ tin vào kinh nghiệm cá nhân…
Tôi nhớ có lần ngư dân ven biển Khánh Hòa khẳng định khi đem cá nóc làm nước mắm thì chất độc sẽ tiêu tan. Theo lập luận của họ, quá trình làm nước mắm đã phân giải độc tố. Ngay lập tức, chúng tôi lao vào… làm nước mắm suốt một năm. Kết quả cho thấy sở dĩ nước mắm đó không độc chết người là do hàm lượng độc suy giảm sau quá trình làm nước mắm…
Mỗi khi có vụ “dấu hỏi mới” hiện ra, chúng tôi cùng lên đường tìm kiếm câu giải đáp cho cộng đồng bằng chứng cứ khoa học xác đáng.
Tiếp sau đó, tôi và đồng sự đi sâu vào cơ chế tại sao các loài sinh vật sản sinh độc tố, thời điểm sản sinh, nguồn gốc (vi sinh vật, vi sản hay tự sản sinh…). Cùng lúc đó, tôi tham gia những chuyến hải trình có sự hợp tác quốc tế để thu mẫu, xử lý, tách chiết thô… phục vụ việc nghiên cứu.
Chúng tôi từng vui mừng với phát hiện mới về cơ chế tích lũy độc tố gây mất trí nhớ ở người trong loài vi tảo tại vùng biển Khánh Hòa. Bắt nguồn từ chi tiết người dân ven biển ăn con hàu hương thường có cảm giác như bị say.
Khi nghiên cứu, chúng tôi thấy vào thời điểm nhất định trong năm hàm lượng độc tố trong hàu hương cao gấp 15 lần so với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do thế giới đưa ra. Các nước trên thế giới chưa từng ghi nhận về điều này. Và đây là một trong những phát hiện đầu tiên của chúng tôi về cơ chế tích lũy loại độc tố này tại vùng biển nhiệt đới.
Gần đây, hướng nghiên cứu độc tố biển của chúng tôi được ghi nhận tại các nước trong khu vực và thế giới. Kinh nghiệm, kiến thức của chúng tôi trong lĩnh vực này đang được đánh giá cao. Tôi liên tục lên đường đến các nước bạn để khẳng định mình và học hỏi những điều chưa hiểu.
Với tôi, để đeo đuổi đam mê của mình, người ta phải chịu khó, chịu khổ, chịu áp lực từ nhiều phía. Người không ngại học hỏi, kiên trì đọc, tìm tòi, chấp nhận yêu cầu cao… mới chạm được vào thành công.
Tự tin
Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời nghiên cứu luôn khiến tôi mỉm cười mỗi khi nhớ lại diễn ra tại hội thảo khoa học lần thứ 7 của Tổ chức IOC/WESTPAC. Tôi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong số sáu báo cáo viên điển hình của 20 quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương.
Lúc đầu, tôi chịu áp lực nặng từ phản ứng bất đồng của một số cá nhân. Thậm chí họ nói thẳng rằng báo cáo viên trong trường hợp này tối thiểu phải có bằng tiến sĩ (trong khi lúc đó tôi chưa bảo vệ luận án). Khó trách họ khi năng lực khoa học thường được đánh giá đầu tiên thông qua học vị.
Nhưng sau khi tôi báo cáo, rất nhiều đại biểu tới bắt tay, chúc mừng. Tôi hạnh phúc vì đã góp phần làm thay đổi cách nhìn của bạn bè thế giới đối với năng lực, trí tuệ của người Việt Nam.
Tôi nhớ lúc đứng trên bục trình bày, những đồng nghiệp người Việt ngồi bên dưới đã nhìn tôi đầy tin tưởng. Điều đó tiếp thêm sự tự tin cho tôi trước gần 500 đại biểu.
Theo: (NST/TTO – HÀ THANH ghi/ Tiến sĩ Đào Việt Hà: Làm khoa học phải chịu khó, chịu khổ).