(Hiếu học) Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa ra đề án cho bậc ĐH trong tuyển sinh, đào tạo và đề án trường chuyên cho bậc phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bên cạnh chương trình Đại học tiên tiến, ngoài 2 trường ĐH đẳng cấp quốc tế là Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (thành lập theo hiệp định song phương giữa Chính phủ VN và Pháp) đã khai giảng khóa đầu tiên vào giữa tháng 10 vừa qua và Trường ĐH Việt Đức (VGU) thành lập tháng 3 – 2008 trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa hai chính phủ VN và Đức, với vốn vay 180 triệu USD của WB. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, bộ cũng đang chuẩn bị đề án tiếp tục thành lập 2 trường ĐH trình độ quốc tế tại Đà Nẵng và Cần Thơ với đối tác chiến lược sẽ là ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ, đồng thời sẽ lựa chọn các đối tác nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Nga…
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục đưa ra đề án khác ở bậc phổ thông. Đó là đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết đề án sẽ được đầu tư hơn 2.312 tỉ đồng, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT hơn 1.295 tỉ đồng, vốn ODA khoảng 954 tỉ đồng, ngân sách địa phương khoảng 64 tỉ đồng.
Cũng giống như các đề án của bậc ĐH, đề án phát triển trường chuyên này đó là mỗi Tỉnh, TP sẽ có ít nhất một trường THPT chuyên. Đến năm 2015, có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; có ít nhất 50% học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% học sinh giỏi, khá về tin học; 30% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành; khoảng 30% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao…
* Không lo việc “nở” thêm trường (*theo: NLDO)
Đây là khẳng định của GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
* Phóng viên: Cuộc đua mở trường ĐH, CĐ có thể tái diễn trong thời gian tới khi nhiều địa phương đang lập quy hoạch mở thêm các trường ĐH. Ông nghĩ gì về điều này?
– GS Đào Trọng Thi: Nhà nước không hạn chế việc mở thêm trường, tuy nhiên khi thành lập thì phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, năng lực quản lý và chương trình, nội dung… Nếu đáp ứng đủ các điều kiện này thì việc thành lập là xác đáng, dù là đầu tư từ ngân sách hay xã hội hóa.
Chúng ta đang thiếu nơi học có chất lượng. Đây cũng chính là sự điều chỉnh tốt cho hệ thống các trường ĐH, CĐ bởi rất nhiều trường hiện đào tạo các ngành không đáp ứng nhu cầu của xã hội. Không nên để con em vì không học được ở những trường mong muốn mà buộc đến các trường không có chất lượng.
* Dư luận xã hội lo ngại về việc “bùng nổ” các trường ĐH, CĐ “thiếu đủ thứ”. Phải chấn chỉnh tình trạng này ra sao?
– Chúng ta mắc sai lầm suốt cả quá trình dài và việc sửa chữa cần có bước đi từ từ, có lộ trình. Nếu đóng cửa ngay tất cả các trường kém chất lượng thì có thể tạo ra sự đổ vỡ trong hệ thống giáo dục ĐH. Hàng ngàn sinh viên đang học dở dang không biết đi về đâu? Nếu cố gắng hết sức thì sớm nhất 5 năm nữa mới giải được bài toán các trường thiếu và “trống” đủ thứ.
Các trường mới thì cần phải thực hiện đúng quy định và nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá vừa qua. Nếu không làm được thì đấy là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước vì đã được cảnh báo mà vẫn tái phạm.
* Như ông nói phải mất 5 năm để giải quyết những tồn tại nhưng tại sao tạm thời không dừng việc cấp phép mới?
– Không nhất thiết phải dừng nếu trường mới ra tốt hơn, có đủ điều kiện hơn. Hiện quy định, điều kiện thành lập trường đã rất chặt chẽ. Cơ quan quản lý Nhà nước còn để xảy ra chuyện thẩm định thiếu nghiêm túc, “có vấn đề” làm phát sinh các trường không đáp ứng được yêu cầu thì có lỗi rất lớn và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
* Ông nhìn nhận ra sao trước việc có những tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp mà định hướng thành lập tới 5 trường ĐH?
– Tất cả phải làm theo quy hoạch. Đối với các tỉnh bình thường thì quy hoạch chỉ có một trường ĐH công lập hoặc ngoài công lập. Việc đề ra quy hoạch nhiều trường là quyền của các tỉnh và họ phải căn cứ trên nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhưng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH ở Trung ương, những người chịu trách nhiệm thẩm định việc cấp phép thì phải căn cứ vào quy hoạch phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và địa phương đó để đồng ý phê duyệt hay không chứ không phải cứ đề xuất là được. Nếu vậy thì việc giao thẩm quyền cấp phép còn có ý nghĩa gì.
Chấn chỉnh việc cấp phép
GS Đào Trọng Thi cho biết không lo ngại về việc “nở” thêm trường mới mà nên lo ngại việc “nở” thêm các trường không đáp ứng được yêu cầu. Nếu áp dụng nghiêm túc các quy định, điều kiện về thành lập trường thì sẽ không có chuyện dễ dãi sinh ra các trường có vấn đề.
Thậm chí, nếu áp dụng nghiêm các quy định, điều kiện thì có không ít trường phải loại bỏ. Mấu chốt ở đây là phải chấn chỉnh việc cấp phép, giám sát để các trường thành lập ra là “sạch”, là tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
*Ngân hàng Thế giới (WB) chấp thuận tiếp tục hỗ trợ thực hiện chương trình cải cách giáo dục đại học của Chính phủ, với khoản kinh phí trị giá 50 triệu USD.
Chương trình này nhằm cải thiện quản trị, sử dụng tài chính hợp lý, cải tiến chất lượng dạy học và nghiên cứu, cải thiện trách nhiệm giải trình hoạt động, nâng cao tính minh bạch quản lý tài chính trong khu vực giáo dục đại học.
Theo bà Victoria Kwakwa – giám đốc WB tại VN: “Chương trình cải cách sẽ giúp hệ thống giáo dục đại học đáp ứng tốt hơn với nhu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục đại học chất lượng cao, bao gồm cả việc tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục đại học ngày càng nhiều của khu vực tư nhân”.
Phạm Trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)