(Hiếu học) Theo Bộ GD-ĐT, năm 2011, ngân sách phân bổ cho đào tạo học sinh, sinh viên trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, CĐ, ĐH và sau ĐH là hơn 1.765 tỉ đồng, trong đó chi bù học phí cho các trường sư phạm là hơn 249 tỉ đồng. Và tập trung vào những ngành trọng điểm, nghề có tính cạnh tranh cao để tạo sự đột phá về chất lượng là điểm mấu chốt của đào tạo nghề trong thời gian tới.
Theo PGS-TS Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, bắt đầu từ năm 2011, đào tạo nghề sẽ đầu tư theo chiều sâu chứ không dàn trải như trước. “Sẽ chọn ra những ngành nghề có tính cạnh tranh cao, xã hội đang thiếu để tập trung nâng cao chất lượng. Mỗi trường sẽ chọn ra một – hai nghề mũi nhọn để đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Sẽ mời một cơ quan kiểm định nước ngoài tới đánh giá, thẩm định để công nhận chất lượng nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới”, ông Lân cho biết. Khi được các cơ quan kiểm định có uy tín công nhận, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề tại VN sẽ thêm cơ hội gia nhập vào thị trường lao động của khu vực, thế giới.Những nghề hiện nay có tính cạnh tranh cao và có khả năng được chọn để đầu tư chất lượng là cơ khí, dệt may, hướng dẫn viên du lịch… Ông Lân giải thích do những ngành này đang cần nhiều nhân lực cả trong và ngoài nước nên cần phải được đầu tư.
Năm 2011, tạo việc làm cho 1,6 triệu người
Tại hội nghị triển khai hoạt động năm 2011 vào ngày 5-1 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Năm 2011, bộ đặt chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,513 triệu người; xuất khẩu lao động 87.000 người, giảm tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,5%.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tập trung cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc; giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tranh chấp lao động. Năm 2011, sẽ đào tạo nghề cho 1,86 triệu người; trong đó cao đẳng, trung cấp nghề là 420.000 người (tăng 16,5% so với thực hiện năm 2010); sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên 1,44 triệu người.
Từ năm 2011 đến năm 2015 sẽ có 13 trường CĐ nghề được chọn để mỗi trường có từ 3 đến 5 nghề được đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.
Ngoài ra, TS Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, thông tin: “Dự án xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề do Hiệp hội thúc đẩy giáo dục và đào tạo ở nước ngoài (APEFE) thuộc cộng đồng người Bỉ tài trợ với tổng kinh phí 446.000 euro (hơn 11,5 tỉ đồng), đã và đang tiếp tục thực hiện. Riêng đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 có tổng kinh phí 41.000 tỉ đồng. Như vậy, có thể nói đào tạo nghề đang được đầu tư xứng đáng”. Theo ông Minh, từ nay đến 2015, hơn 15.000 giáo viên sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Những giáo viên, giảng viên giỏi sẽ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo chương trình của Chính phủ.
Các nhóm ngành ngành nghề “khát” lao động năm 2011 gồm:
Marketing – nhân viên kinh doanh – bán hàng; dệt may – da giày – nhựa – bao bì; dịch vụ – phục vụ – du lịch – khách sạn – nhà hàng; điện tử – viễn thông – công nghệ thông tin; cơ khí – luyện kim – điện; tài chính kế toán – ngân hàng – bảo hiểm – đầu tư chứng khoán; giao thông vận tải – thủy lợi – kho bãi – vật tư – xuất nhập khẩu; xây dựng – kiến trúc – mộc – mỹ nghệ; hóa – hóa chất – dược, công nghệ sinh học; quản lý điều hành – nhân sự – hành chính văn phòng. (Theo: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM)
Trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)