Đó không phải là một câu hỏi lớn. Cũng không phải là một câu hỏi không thể trả lời. Đề bài thi giữa học kỳ của ông: “Hãy đặt ra những câu hỏi lớn”. Bọn sinh viên ngơ ngác: Câu hỏi về cái gì? Như thế nào là câu hỏi lớn? Đặt ra những câu hỏi lớn… như thế nào?
Trời tuyệt nhiên không có gió, lá chỉ kẽ rung động vì mưa, hàng ngàn hàng triệu giọt mưa rơi gần như thẳng đứng bên ngoài khung cửa sổ. Chắc là tiếng mưa rơi tí tách, nhưng tôi không nghe, vì hai lớp kính cửa sổ đóng chặt. Ngoài đó ướt và lạnh. Trong nhà ấm áp, cái ghế bành êm, một tấm chăn nhung mềm mại, ba cái gối kê chung quanh, và một cái ghế gác chân tiện cho tôi để cái máy tính trên đùi. Tôi đang nhìn vào “trang giấy” trắng bóc của Microsoft Office Word trong màn hình, tự hỏi mình đang viết cái gì?
Đó không phải là một câu hỏi lớn. Cũng không phải là một câu hỏi không thể trả lời. Trong cuốn lịch để bàn, tôi ghi chính xác ngày nào làm việc gì, mặc dù chưa bao giờ tôi sống chính xác theo cuốn lịch. Luôn có những chuyện bất ngờ xảy ra, hay cơn cao hứng đột ngột, khiến mình làm cái điều không hề tính toán trước. Cũng thường khi, một công việc gì đó lôi mình theo mải miết nhiều ngày liền, đến khi ngó tới cuốn lịch thì bao nhiêu dự tính đã trôi tuột đi. Nhưng cái lợi của cuốn lịch bên mình là bất cứ khi nào mình ngó tới nó là thấy sẵn đó những dự định, đề tài, ý tưởng, công việc… Không làm thì thôi, chứ đâu có thiếu chuyện để làm.
Chẳng hạn ngày thứ ba hàng tuần tôi đều ghi là viết bài cho Sinh Viên, thường kèm một dòng về chủ đề hay nguồn tư liệu cần tham khảo để viết. Ấy là lúc tôi lên lịch viết cho đến hết năm, cách đây ba tháng, định làm một loạt bài về du học ở Mỹ, phân bố sẵn những chủ đề rút từ kinh nghiệm của mình, chính xác là từ nhật ký tôi ghi khi còn đi học. Chủ đề của hôm nay được ghi vỏn vẹn trong lịch là “đặt câu hỏi lớn”. Liếc mắt qua tôi biết ngay mình định viết cái gì. Tôi đã ghi bốn chữ đó lên đầu trang, như cái tựa bài. Và trong đầu tôi, một ô ký ức đang được mở ra.
Cũng khoảng thời gian này, giữa mùa thu, giữa học kỳ, sau một buổi giảng, giáo sư ra đề bài làm về nhà. Ông bảo: Hãy đặt ra những câu hỏi lớn. Anh sinh viên ngồi ngay đầu bàn vừa quơ cuốn sổ tay nhét vào túi áo khoác, vừa ngáp dài; rồi đứng dậy đi ngang qua mặt giáo sư, nói “Bye, Professor Questions!”. Giáo sư đáp: “Bye, Mr. Kennedy”. Gần mười tuần, nghĩa là gặp gỡ nhau trong lớp hai chục lần, thầy trò coi bộ thân mật nhau rồi. Thầy đã biết, và chấp nhận, việc sinh viên đặt cho mình biệt danh Giáo sư Câu hỏi. Ông đáp lại bằng cách trân trọng gọi sinh viên bằng họ kèm theo tước Ông hay Bà. Tất cả những giáo sư khác, ngay từ đầu khóa học, đã đề nghị, hay cho phép, sinh viên gọi mình bằng tên trong chuyện trò ngoài hành lang hay thảo luận trong lớp. Xưng hô bằng tên riêng, và tên giản lược, chẳng hạn Elizabeth thành Liz, là để thân mật, và có thể tạo tình huống chuyện trò ngang hàng. Khi nổi giận, giáo sư mới trịnh trọng thưa “Ông Edwards” hay “Bà Lý”.
Nhưng giáo sư Câu hỏi không có vẻ giận hờn gì đám sinh viên của mình, kiểu trịnh trọng của ông là một cách đùa , và qua ứng xử ông thừa biết là sinh viên không có ý xúc phạm khi đặt biệt danh cho ông là giáo sư Câu Hỏi. Tại sao là giáo sư Câu Hỏi? Ngay từ buổi học đầu, khi dứt bài giảng đúng một phút trước khi hết giờ, ông đẩy cặp kính trễ xuống sống mũi, đảo mắt nhìn quanh hỏi: Có câu hỏi nào không? Ông nghểnh cổ nghiêng tai như chờ đợi câu hỏi vàng ngọc vang lên trong lớp, đúng một phút, rồi thõng hai tay ngao ngán nói: Vậy thì tạm biệt!
Buổi học nào cũng vậy, cho đến một hôm có một người thật thà, là tôi, đâm ra áy náy vì điệu bộ (tưởng như) thất vọng của thầy, đã giơ tay hỏi một câu. Tôi nhận ra ngay, hiển hiện rât rõ trên mặt giáo sư không phải vẻ mừng vui thỏa mãn là cuối cùng có người đáp yêu cầu của mình, mà là sự chưng hửng, bất ngờ, hơi khó chịu, vì hết giờ rồi mà còn hỏi hiếc!
Từ đó, nghe giáo sư hỏi: Có câu hỏi nào không? Mr. Kennedy quơ sổ tay nhét túi áo đứng dậy chào giáo sư, đi ra cửa trước tiên. Đúng ra thì biệt danh Giáo sư Câu Hỏi trở nên phổ biến từ khi tụi tôi sửng sốt đọc cái đề bài thi giữa học kỳ của ông: “Hãy đặt ra những câu hỏi lớn”. Bọn sinh viên ngơ ngác: Câu hỏi về cái gì? Như thế nào là câu hỏi lớn? Đặt ra những câu hỏi lớn… như thế nào? Viết từng câu hỏi ra kiểu gạch đầu dòng hay sao? Bao nhiêu câu hỏi cho đủ hai ngàn chữ của một bài thi viết thông thường? Giáo sư nhún vai: Thôi mà, đừng hỏi những câu trẻ con cấp một!
Tất nhiên là bọn sinh viên đều làm được bài. Tôi không biết cụ thể bài của người khác viết gì, phần tôi phải thú nhận là hơi ấm ớ, chỉ được điểm B. Tôi giả định là giáo sư muốn kiểm tra sự tiếp thu của chúng tôi sau mười mấy buổi thảo luận những tác phẩm văn học kinh điển. Phần lớn những tác phẩm này đặt những vấn đề/ câu hỏi lớn như tôi là ai, cuộc sống có ý nghĩa gì, hay… Thượng đế đã chết chưa? Phải chăng giáo sư muốn chúng tôi dựa trên những kiến thức và tranh luận tìm ra những câu hỏi lớn cho mình? Những câu hỏi tôi đặt ra trong bài thi hôm ấy có lẽ cũng lớn nhưng lớn tới mức B thôi.
Sau khi ra trường tôi biết một điều: những câu hỏi lớn không phải trong bài thi hay bài học. Những câu hỏi lớn là những câu hỏi dắt người ta trên hành trình tìm kiếm của đời người. Kiếm tiền bằng cách nào nhanh nhất chẳng hạn, hay phải lấy người như thế nào cho nổi tiếng. Hoặc làm gì cho thế giới tốt đẹp hơn. Trường đại học không phải là nơi cung cấp những giải đáp. Người ta đi qua đại học để biết đặt những câu hỏi lớn cho đời mình.
Theo: Tản văn dành cho sinh viên: Đặt câu hỏi lớn (Lý Lan/Chungta)