Đã có những cái giá trên ngàn đô la được đưa ra để thu hút nhân sự, những đợt “chảy máu” nhân sự từ một số nhà bán lẻ… nhưng có lẽ, cách tốt nhất để các nhà bán lẻ đáp ứng nhu cầu nhân sự của mình vẫn là tự đào tạo.
Những chộn rộn trong ngành bán lẻ trong thời gian vừa qua, từ chuyện đổi chủ một số hệ thống siêu thị đến việc các chủ đầu tư liên tục mở điểm bán mới đã khiến các cuộc “săn đầu người” – tuyển dụng ở ngành này – trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Thiếu và yếu
Chị H., năm nay 42 tuổi, vừa chuyển từ Hải Dương vào TPHCM sinh sống. Vào tuần trước thì tuần sau chị đã xin được việc tại một siêu thị nước ngoài nằm tại quận 7, TPHCM, cách nhà trọ chỉ vài ki lô mét. “Tôi nộp đơn hôm trước thì hôm sau đi làm ngay. Công việc là nhân viên quầy, chuyên lo xếp hàng lên kệ. Lương cũng tạm ổn. Không ngờ xin việc ở đây dễ thế”, chị H. hào hứng chia sẻ.
Siêu thị mà chị H. vào làm, trong những ngày cuối tuần, vào các giờ cao điểm luôn có tình trạng khách phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt tính tiền. Dù vậy, khá nhiều quầy thu ngân lại đóng két. Cô nhân viên thu ngân ở đây giải thích, không phải là siêu thị cho nhân viên nghỉ mà những quầy này trống vì không tuyển được người làm.
Hai câu chuyện nhỏ trên đã nói lên phần nào tình hình nhân sự ngành bán lẻ hiện nay.
Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty L&A, cho biết nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý từ khâu quản lý ngành hàng, khâu mua hàng, dịch vụ khách hàng, kiểm soát tài chính… tăng rất nhanh so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng bộ phận tư vấn tuyển dụng của L&A đã nhận được hơn 60 đơn hàng/tháng, tức gấp hơn 2,5 lần (cũng tương tự như các đơn vị tư vấn tuyển dụng khác). Con số này cho thấy đang có một cuộc cạnh tranh rất quyết liệt trong việc “giành giật” các nhân sự quản lý trong ngành bán lẻ. Không tiết lộ cụ thể nhưng ông Đức khẳng định, “chiêu thức” vẫn chủ yếu tập trung vào mức lương, đó là trả tốt hơn so với trước đó.
Theo ông Đức, có hai yếu tố khiến thị trường chộn rộn như vậy. Đầu tiên là do chiến lược phát triển điểm bán bằng cách phủ cửa hàng tiện lợi khắp nước của một số nhà bán lẻ. Điều này kéo theo nhu cầu nhân sự từ trưởng cửa hàng, nhân viên bán hàng với số lượng lớn trong một giai đoạn rất ngắn.
Yếu tố thứ hai là việc chuyển giao một số hệ thống phân phối từ chủ cũ sang chủ mới sau mua bán, sáp nhập. Việc thay đổi chiến lược kinh doanh của người mới đã tác động đến văn hóa tổ chức cũng như đội ngũ nhân sự. Những thay đổi này có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến những người đang làm việc; làm tăng (hoặc giảm) nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhằm mục tiêu thay “máu’ cũng như sàng lọc đội ngũ nhân sự hiện tại.
Bà Bùi Thị Phỉ, Trưởng phòng Nhân sự hệ thống Lotte Mart Việt Nam, cũng nhìn nhận hiện nay nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Nguồn cung nhân lực không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng ứng viên chưa cao và nhà tuyển dụng không có nhiều sự lựa chọn.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc tiếp thị của hệ thống Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa, còn bi quan hơn. Theo ông Hậu, nhân sự ngành bán lẻ đang ở tình trạng thiếu trầm trọng, nhất là nhóm quản lý cấp trung và cấp cao. Nguyên nhân là không có trường đào tạo kỹ năng. Đó là chưa kể đến ngành bán lẻ đòi hỏi rất cao về độ nhạy bén cũng như khả năng hiểu rõ thị trường, tức phải có thời gian lăn lộn trong nghề lâu. Do vậy, những người có tầm ảnh hưởng, có tên tuổi không nhiều.
Cũng theo ông Hậu, vị trí đang nóng nhất hiện nay là người của bộ phận thu mua. Đó là lý do những người đã qua những “lò” như Big C, Metro (có tiếng về thu mua) rất được săn đón.
Trong thực tế, đã có những thay đổi nhân sự nhất định ở những hệ thống đã đổi chủ trong thời gian qua là Metro và Big C. Một số doanh nghiệp sản xuất nói rằng nhân viên thu mua là vị trí có thay đổi nhiều, khiến họ “mệt nhoài” vì phải chạy theo các chính sách mới.
Giám đốc phát triển chiến lược của một nhà bán lẻ nước ngoài (từng làm việc tại Big C 10 năm trước khi đảm nhiệm vị trí này), cho rằng nóng không kém nhân sự thu mua là nhân sự ở mảng thực phẩm tươi sống, không chỉ vì đây là phần cốt yếu (như thu mua) mà còn vì tuyển dụng rất khó khi có rất ít người chịu làm, lại cũng không có nơi nào đào tạo. Các nhà bán lẻ hiện nay đang cần người từ khâu pha thịt, làm cá (tức là thuần kỹ năng) cho đến người quản lý. Vì vậy, “ai vừa có kỹ năng, vừa có chút năng lực quản lý là ngay lập tức được trọng dụng. Lương, thưởng không thua kém gì những nhân viên thu mua sừng sỏ”, vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, thu nhập cho nhân sự ngành này vì thế được đẩy lên. Vị trí chuyên viên đang được một hệ thống trả lương trên dưới 2.000 đô la Mỹ/tháng. Đây cũng chính là lý do khiến một số nhà bán lẻ tham gia thị trường lâu, đã đào tạo được số lượng nhân sự lớn và có chất lượng (đo bằng tên tuổi trong nghề) đang bị “chảy máu” chất xám.
Tự đào tạo để đáp ứng nhu cầu
Do cung không đủ cầu, bà Bùi Thị Phỉ cho biết hệ thống Lotte Mart Việt Nam phải tìm kiếm nguồn ứng viên thông qua các chương trình quản trị viên tập sự hoặc chọn sinh viên được nhận học bổng của tập đoàn Lotte ở các trường đại học. Bên cạnh đó, để nâng chất, doanh nghiệp này còn phải thành lập trung tâm đào tạo. Thời gian đầu, trung tâm này sẽ lên lịch đào tạo cơ bản về nghề cho từng vị trí, sau đó sẽ phát triển các nội dung đào tạo chuyên sâu.
Giám đốc phát triển chiến lược của nhà bán lẻ nước ngoài kể trên cho biết nhà bán lẻ này cũng tự đào tạo nhân lực thông qua các chương trình phối hợp với các trường đại học, các khóa huấn luyện do chính lãnh đạo từ tập đoàn trực tiếp thực hiện. “Tại sao thu mua của Big C nổi tiếng trên thị trường? Đó là nhờ một năm hai lần, các sếp từ tập đoàn Casino trực tiếp sang và đứng lớp đào tạo”, vị này chia sẻ.
Theo ông Ngô Đình Đức, trong thời gian qua, một số đơn vị bán lẻ như BigC, Metro, Saigon Co.op… tương đối thành công trong việc duy trì và phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp mình. Đội ngũ nhân viên từ cấp giám sát ngành hàng, tổ trưởng, phục vụ siêu thị trở xuống đã được đào tạo bài bản. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng bắt đầu chú trọng đầu tư ngân sách cho công tác đào tạo và phát triển các cấp quản lý theo hướng chuyên nghiệp.
Ông Đức khuyến cáo, các nhà bán lẻ cần phải đầu tư và nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển đội ngũ, kèm với đó là chính sách đãi ngộ hợp lý. Theo ông, “thành công của doanh nghiệp ngành bán lẻ phụ thuộc chính yếu vào hiệu quả công tác đào tạo đội ngũ nhân sự. Việc đào tạo còn giúp chuẩn bị một đội ngũ kế thừa có đầy đủ kỹ năng và luôn luôn chủ động trong các kế hoạch mở rộng hệ thống”.
Ông Đức nhận định, với việc mở cửa thị trường chung ASEAN và việc ký kết, có hiệu lực của nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam tiếp tục là mảnh đất hứa hẹn cho các nhà bán lẻ trong lẫn ngoài nước. Nhu cầu nhân sự sẽ còn tăng trong ba đến năm năm tới. Do vậy, các trường đào tạo nghề bán lẻ sẽ là một mảnh ghép hết sức cần thiết cho các nhà bán lẻ để tránh tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ như hiện nay.
Lương không phải là tất cả Bà Bùi Thị Phỉ cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực rất lớn như hiện nay thì mặt bằng lương của các nhà bán lẻ cũng bị tác động. Công ty luôn phải đảm bảo chính sách, chế độ đãi ngộ tốt để có thể tuyển dụng được những ứng viên chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm. Ông Ngô Đình Đức thì cho rằng, lương chỉ là một yếu tố. Việc tuyển được người giỏi hay không còn phụ thuộc vào văn hóa doanh nghiệp và bề dày hoạt động trên thị trường. Các ứng viên ở cấp độ nhân viên thường bị hấp dẫn bởi các doanh nghiệp đã phát triển hệ thống, có thương hiệu tốt. Còn các ứng viên quản lý cấp trung, cấp cao thì cần chính sách phát triển năng lực để có thể đóng góp cho doanh nghiệp. Điều này quan trọng hơn mức lương đầu vào. “Nói cách khác, những người này sẽ so sánh thu nhập, đãi ngộ từ các nhà bán lẻ theo một cách tổng thể gồm thu nhập trực tiếp (như tiền lương, thưởng) và không trực tiếp (chính sách phát triển cá nhân, quan tâm sức khỏe cá nhân, cổ phiếu…) chứ không chỉ nhìn vào lương hàng tháng”, ông Đức nói. Giám đốc phát triển chiến lược của một nhà bán lẻ nước ngoài chia sẻ: có khá nhiều người bạn của bà đã đầu quân cho một tập đoàn lớn đang phát triển mạnh mẽ điểm bán do được trả lương “cao ngất” nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì họ nghỉ việc. Lý do là không hợp về văn hóa, quan điểm cũng như cách làm. Theo bà, lương có thể là yếu tố thu hút nhưng để giữ chân nhân sự thì phải là chính sách đãi ngộ, phát triển nhân viên… Trên thị trường hiện nay, Big C được giới nhân sự bán lẻ khá ưa thích vì có thể lương không cao nhất nhưng chính sách an sinh, đãi ngộ được đánh giá tốt nhất. “Chỉ vị trí trưởng quầy là đã được mua bảo hiểm cho cả vợ/chồng và con cái. Còn lên tới giám đốc là cho cả ba, mẹ hai bên và du lịch cho cả gia đình hàng năm”, vị này chia sẻ. |
Theo: Minh Tâm (TBKTSG)