Quê tôi ở nông thôn, thời phổ thông phải đạp xe cả chục cây số đến trường trên những con đường đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù. Ba mẹ làm nông, nhà có bốn anh em nên cũng như anh hai, tôi nghĩ mình phải học mới thoát được cái nghèo.
Nhưng tôi không nghĩ năm đó mình đậu thủ khoa. Hồi đó trong lớp, thành tích học tập của tôi không có gì nổi bật so với bạn bè. Tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn so với các bạn vì hoàn cảnh nhà mình khác.
Lúc đó quê tôi chưa có mạng internet, sách vở luyện thi cũng không nhiều. Những tài liệu tôi học chủ yếu là sách hay những bộ đề cũ do các anh để lại. Nhà nghèo nên không mua được nhiều sách ở các cửa hiệu, phải mượn bạn bè. Tôi hay chú ý nghe thầy cô giảng, ghi chép cẩn thận rồi về tự ôn chứ không có điều kiện đi học thêm để nghe cô thầy giảng lại lần nữa. Tôi sắp xếp tính toán thời gian học, rảnh thì phụ gia đình. Anh hai lại học xa nên tôi phải tự “cày”. Cũng nhờ vậy mà tôi học được tính tự giác, cái gì không hiểu là nhờ bạn bè chỉ, thiếu sách vở thì mượn bạn học ké. Đợt ôn thi lúc đó chỉ dồn vào ba môn toán, lý, hoá, mượn được bộ đề nào mới thì tôi rất vui. Mấy bộ đề cũ tôi làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. Tôi nghĩ phải chăm chỉ như vậy mới nhớ kiến thức được lâu, biết được nhiều. Năm đó môn lý không phải sở trường mà tôi được 9,5 điểm.
Vào đại học thì cách học và thời gian rất khác biệt. Nhiều thầy cô hay nhắc nhở là chỉ gợi ý, sinh viên phải tích luỹ kiến thức, đào sâu môn học. Đặc biệt là sinh viên làm quen với cách học theo nhóm để thuyết trình báo cáo. Nhờ thời gian tự mày mò thời phổ thông nên lên đại học tôi khá tự giác. Sách ở trường nhiều, lại có mạng internet nên tôi hay tìm đọc, cái gì liên quan đến mấy môn học là thu thập tải về. Lên đại học, tôi thấy ngoài chuyện tự giác mình phải tự lập trong học tập và trong cả ăn ở vì xung quanh đâu có ba mẹ như ở quê. Mình không thể dựa dẫm người khác mà phải luôn tìm cái mới, tích luỹ kiến thức theo những sở thích và điều kiện mình có được. Càng đọc nhiều thì càng hiểu biết thêm nhiều thứ. Nếu cái gì khó mà không hỏi, cứ ỷ y chờ giảng viên thì đâm ra ỷ lại, khi ấy mất đi tính tự tin. Hồi trước cũng nhờ khó khăn mà tôi tìm cách xoay xở để có tài liệu học. Cách tự mày mò đó do mình đặt ra nhưng sau đó lại tạo thành thói quen tốt giúp mình tự hoàn thiện. Nếu gặp khó khăn thì hỏi bạn bè cũng dễ vì mỗi người một sở trường, bù trừ cho nhau, hình thành kỹ năng làm việc nhóm.
Không biết các bạn khác thì sao, còn tôi hay đọc các sách về những nhà phát minh, khoa học. Tôi nghĩ hồi trước họ đâu có điều kiện nhiều như bây giờ mà sao lại làm ra các phát minh rất vĩ đại. Tôi rút ra là phải lao động nhiều, phải suy nghĩ và tự học hỏi mở rộng kiến thức. Tôi nghĩ việc học cũng như xây nhà vậy. Nếu xây nhà ở cần phải có người thiết kế thì để xây một ngôi nhà kiến thức, ban đầu cũng cần thầy cô chỉ dẫn. Nhà cần nền móng thì học cũng cần nền tảng kiến thức cơ bản. Nhà muốn xây cao thì cần vật liệu, kiến thức muốn nhiều thì phải tự học, càng đào sâu thì kiến thức càng nhiều. Một ngôi nhà được kết nối bằng cột, kèo, vách… thì tri thức được hình thành từ các môn học liên quan. Quan trọng là người học phải tìm được mối liên quan tri thức đó để đào sâu và thu nhận kiến thức. Mà tôi nghĩ điều đó đâu có gì khó, có nhiều kênh thông tin, nhiều sách vở, sinh viên cũng có nhiều thời gian, chỉ cần tự giác thì được.
Tôi nghĩ việc học cũng như xây nhà vậy… Nhà cần nền móng thì học cũng cần nền tảng kiến thức cơ bản. Nhà muốn xây cao thì cần vật liệu, kiến thức muốn nhiều thì phải tự học, càng đào sâu thì kiến thức càng nhiều.
Hồi trước tôi hay bị áp lực điểm số, đặc biệt là sau khi đậu thủ khoa. Bây giờ tôi thấy điểm số không quá quan trọng nữa, quan trọng là mình học được gì mới.
Theo: Lê Văn Lành/SGTT