Dành những gì tốt nhất cho giáo dục

(Hiếu học) “Giáo dục là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước. Vì thế, cái gì tốt nhất thì dành cho giáo dục vì không có kiến thức thì không thể xóa nghèo, không thể làm giàu, không thể phát triển nhanh, bền vững…”.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp ngày 16/7: – Hội nghị “Tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và Sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cái gì tốt nhất thì dành cho giáo dục”.

Thủ tướng đánh giá cao những đổi mới trong công tác giáo dục (GD), nhất là đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học và quản lý giáo dục gắn với việc phân loại học sinh, quan tâm đến học sinh khó khăn… Qua đó góp phần chấm dứt tình trạng học sinh đến lớp mà không đạt chuẩn, giảm đáng kể học sinh yếu kém, học sinh bỏ học.

Ghi nhận những mặt đã làm được qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006 và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành GD, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương sự nỗ lực của ngành, của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh đã tích cực thực hiện 2 chương trình này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần nhìn nhận nghiêm túc việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên có khả năng tổ chức các hoạt động tập thể và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn thiếu và yếu. Phạm vi thực hiện cuộc vận động “hai không” còn hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá còn thiếu thường xuyên; bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dù đạt được nhiều mặt khả quan nhưng cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong quá trình thực hiện. Thủ tướng nói: “Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành. Có nơi chỉ đạo còn thiếu liên tục, chưa trở thành một hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Bệnh tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để”.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, ngành GD dục cần quan tâm hơn công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc nghèo. Cần phải quan tâm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khó khăn, khuyết tật, học giỏi; giáo viên công tác ở các vùng này.

Vì thế, các cấp Đảng, chính quyền địa phương cần quán triệt sâu sắc và nhận thức sâu rộng về vai trò, ý nghĩa của sự nghiệp GD&ĐT mà sự nhận thức này trước hết là ở cấp lãnh đạo rồi mới đến xã hội, người dân.

Không nên đánh giá học sinh qua thi cử

Trao đổi với các PV bên lề hội nghị, ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM – cho rằng muốn đổi mới toàn diện nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải đổi mới nội dung chương trình. “Điều quan trọng là không nên đánh giá học sinh thông qua việc thi cử. Vì nếu thông qua hình thức thi cử như hiện nay thì thầy và trò cũng sẽ đối phó với thi cử, nhất là ở bậc THPT” – ông Sơn khẳng định. Về tổ chức thi tốt nghiệp THPT, ông Sơn cho rằng nếu được, về lâu dài Bộ GD&ĐT nên giao quyền lại cho các tỉnh, TP tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh của mình.

Tuấn Phong ghi

Bài liên quan

Khối ngành Công nghệ kỹ thuật

(Hiếu học) Khối ngành kỹ thuật - công nghệ là ưu tiên lựa chọn của thí sinh, chỉ xếp sau khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, trong ba năm gần đây nhất, khối ngành này cũng có một số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đáng kể. 

Cùng chuyên mục