(Hiếu học). Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng ta tự hào nhắc lại gương sáng danh nhân đất Việt: Người Thầy thuốc tiêu biểu Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác.
Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (Hải Thượng là hai chữ ghép lại của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. Lãn ông nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng với danh lợi).
Ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (11-12-1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương, thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở Khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc huyện Hương Sơn (cách phố Châu huyện lỵ Hương Sơn 4 cây số).
Dòng họ của ông có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư.
Năm Kỷ Mùi (1739) Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, ông rời kinh thành về nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách. Ông thi vào tam trường nhưng sau đó không thi nữa, thoát hẳn sự ràng buộc của danh lợi, quyền thế, để tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó. Và sau này, ông chủ yếu sống và hoạt động y học tại quê mẹ.
Trong những năm chữa bệnh, vốn là người thông minh, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu (Nghệ An).
Chuyện kể rằng Lê Hữu Trác chữa cho một cậu bé con nhà thuyền chài nghèo bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, người bốc lên mùi xú uế, mỗi khi khám bệnh phải bỏ quần áo trên bờ, nhét bông vào hai lỗ mũi cho giảm bớt mùi khó chịu. Thế mà ông vẫn đi lại thăm khám, bốc thuốc chữa bệnh ròng rã hàng tháng trời. Đến khi cậu bé khỏi bệnh, không những ông không nhận một đồng thù lao nào mà còn cho gia đình cậu bé gạo, củi, dầu, đèn…
Có lần một nhà quyền quí mời ông chữa bệnh, thấy ông đến muộn mới hỏi thì được biết trên đường đi, ông ghé vào chữa bệnh cho một người nghèo. Bị trách, ông đáp vì bệnh của người quyền quí là bệnh nhẹ, có thể chữa sau, còn người nghèo kia mắc bệnh nặng nên không thể trì hoãn.
Năm 1782, được chúa Trịnh Sâm mời ra kinh để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen “hiểu sâu y lý” ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng Lãn ông thấy nếu nhận thưởng chịu ơn thì khó lòng rời kinh đô trở lại Hương Sơn được, nên ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Trước cảnh phủ chúa xa hoa lộng lẫy, ông không hề mảy may động tâm mà chỉ mong sao sớm được trở về quê mẹ để sống cuộc sống tự do thanh thản. Lãn Ông tâm sự:
“Thiện tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui nghèo cũng hơn giàu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…”
Năm 1783 ông viết xong tập “Thượng kinh ký sự” ghi lại tỉ mỉ chuyến đi kinh, tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm (tập Vân khi bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộ “Tâm lĩnh”.
Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ “Lãn ông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức – Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải thượng Lãn ông.
Di sản mà ông để lại cho hậu thế thật đồ sộ và quí giá, không chỉ là bộ sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” – cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thầy thuốc mà còn là những lời giáo huấn và tấm gương ngời sáng về đạo đức của người thầy thuốc.
Trong lịch sử y học nước nhà, tên tuổi của Lê Hữu Trác được nhắc đến như một bậc đại danh y, tài năng xuất chúng, hết lòng thương yêu người bệnh. Toàn bộ con người Lê Hữu Trác toát lên một nhân cách người Thầy thuốc vĩ đại. Nhân cách ấy thể hiện ở động lực, khát vọng mạnh mẽ là không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để giúp đời, giúp người. Mọi suy nghĩ, hành động của Lê Hữu Trác được soi rọi bằng ánh sáng của tình cảm yêu thương con người. Tình yêu thương ấy lớn đến mức quên mình, sẵn sàng xả thân cứu người như một bậc thánh nhân. Ông xứng đáng là một gương sáng, một nhân cách cao thượng, một tài năng xuất chúng và cũng là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII.
Theo: Thượng kinh ký sự – Hải Thượng Lãn Ông
/(hieuhoc_hieuhoc.com).
Bài đọc thêm:
– Danh nhân Việt Nam: Lý Công Uẩn.
– Nguyễn công Trứ – Cuộc đời và công danh.
– Phương pháp học của Trạng nguyên Lương Thế Vinh.