Mới 23 tuổi, Nguyễn Phan Từ Tâm đã trở thành giảng viên toán của Đại học Chicago danh tiếng ở Mỹ. Và cô gái Việt này vẫn chưa muốn dừng lại ở đó.
Khi còn là học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh ở Biên Hòa, Đồng Nai, cô bé Tâm cực kỳ thích vật lý thiên văn. Hình ảnh những chòm sao lung linh đã giúp cô nuôi ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu thiên văn. Những ngôi sao xa, những hành tinh lạ có một sức hút mãnh liệt với Tâm. Chính vì vậy, khi tới Đại học Canterbury ở New Zealand, cô đã chọn ngành Toán – Lý để thực hiện mơ ước. Chỉ trong năm đầu tiên tại trường này, Tâm đã trở thành hiện tượng khi được đặc cách lên học năm thứ 2 mà không cần học năm nhất. Được báo chí địa phương ca ngợi là sinh viên châu Á đầu tiên đạt điểm tuyệt đối 3 môn Toán, Lý, Anh văn của trường.
Những ngày học đại học là khoảng thời gian dài Tâm tìm thấy “nhiều điều mới mẻ trong các bài toán, các định luật, lý thuyết” – cô tâm sự. Đối với nhiều người, môn Toán có lẽ khá khô khan, chỉ là những con số đơn điệu, cứng nhắc nhưng với Tâm nó rất thú vị, đầy lý thú, càng khó thì càng hấp dẫn. Mỗi khi tìm ra được đáp số của những bài toán hóc búa, trong cô vỡ òa niềm hạnh phúc. Những góc cạnh trong hình học không gian có thể đối với nhiều người là những hình ảnh rối rắm, khó hình dung, vậy mà Tâm lại thấy đó là những đường nét huyền ảo, lung linh. Theo cô gái trẻ này, để trở thành nhà toán học thì đứng trước mỗi lý thuyết, giả thuyết của Toán đều phải “đặt dấu hỏi nghi ngờ”. Như vậy mới có thể làm sáng tỏ vấn đề.
Tình yêu khoa học tha thiết là động lực lớn giúp cô vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tự tin đứng trên bục giảng của một trường đại học lớn của Mỹ. Làm việc trong một môi trường quốc tế vừa giảng dạy mang tính thực tế và nghiên cứu khoa học mang tính hàn lâm đòi hỏi nỗ lực không ngừng, song với cô gái 23 tuổi này lại là công việc nhẹ nhàng, không hề khó khăn.
Trò chuyện với Tâm mới thấy việc ra nước ngoài học, nghiên cứu khoa học và trở thành giảng viên dường như là chuyện trong tầm tay. Gần cuối năm lớp 12, Tâm không thi đại học như các bạn cùng lớp mà nộp hồ sơ thẳng đến trường Canterbury. Mặc dù chỉ nộp bảng điểm của học kỳ 1 nhưng trường đã nhanh chóng chấp nhận trường hợp của cô bởi thành tích học tập khá tốt. Từ khởi đầu rất suôn sẻ này, Tâm “nhẹ nhàng” giành vị trí đầu bảng của lớp dự bị đại học và liên tiếp nhận học bổng của trường trong suốt thời gian học đại học. Như một đường thẳng đã vạch sẵn, sau khi nhận bằng cử nhân cô nộp đơn xin học bổng tiến sĩ ở Mỹ và được tất cả 5 trường đồng ý. Cuối cùng Tâm quyết định đến Chicago để thỏa sức nghiên cứu Toán học, dồn hết tâm huyết để có thể “hiểu đến tận cùng” Thuyết tương đối rộng mà cô cực kỳ say mê.
Năm học đầu tiên ở Mỹ, dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo sư toán học Benson Farb, Tâm đã thể hiện khả năng rất tốt và đến năm thứ hai, cô đã đảm nhiệm tốt vai trò trợ giảng. Từ bước đệm này, với sự cố gắng không ngừng nghỉ, Tâm đã trở thành giảng viên khi bước vào năm thứ 3 nghiên cứu sinh tại ngôi trường danh tiếng. Tâm chia sẻ: “Bố mẹ tôi luôn ấp ủ hy vọng con cái sẽ vươn ra thế giới. Bây giờ tôi đã nối gót song thân mình đứng trên bục giảng, và đã thực hiện được niềm mong mỏi đó”. Theo dự định, sau khi trở thành tiến sĩ vào mùa hè năm sau, Tâm sẽ tiếp tục ở lại Mỹ để nghiên cứu và giảng dạy. “Tôi thấy ở phương Tây, nam nữ bình đẳng trong công việc, mọi nhà khoa học đều có tiếng nói như nhau nên tôi sẽ chọn Mỹ hoặc châu Âu để tiếp tục thực hiện niềm đam mê nghiên cứu Toán học của mình”, cô nói.
Như bao bạn trẻ sinh sống xa quê hương, nhu cầu gặp gỡ trao đổi thông tin, chia sẻ, giúp đỡ nhau nơi đất khách thôi thúc Tâm và một vài sinh viên người Việt tại Đại học Chicago nảy ra ý tưởng thành lập hội đồng hương. Tâm hào hứng cho biết ở Đại học Chicago chỉ có 8 sinh viên người Việt, mọi người đã gặp nhau vài lần và đã có kế hoạch sau mùa hè này, các bạn sẽ bắt tay thành lập nhóm sinh Việt Nam tại trường với các hoạt động văn hóa thiết thực để không quên nguồn cội.
(Nguyễn Phan Từ Tâm (giữa, hàng đầu) tại Đại học Chicago – Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguồn:Thiên Long/ThanhNienOnline2009.