Đó là một trong những trách nhiệm của nhà trường được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vừa được ban hành.
Nghị định áp dụng cho các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, lớp xoá mù chữ, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không được đi học ở nhà trường… (gọi chung là lớp độc lập) có người học dưới 18 tuổi.
Theo đó, Nghị định quy định cả trường học và các lớp học độc lập phải thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.
Đây cũng được xem là một trong những điều kiện để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện- nơi người học được tôn trọng, đối xử công bằng, được phát huy dân chủ.
Các nhà trường còn phải thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học và bảo mật cho người cung cấp thông tin.
Đặc biệt, Nghị định cònquy định rõ các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.
Trong đó, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường, cần thiết trang bị kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho từ người học đến cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học.
Khi xảy ra bạo lực học đường, các nhà trường cần thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực, đồng thời thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý.
Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5-9-2017.
Theo: (Giáo dục/TTO)