(Hiếu học). Không ít các bạn vẫn còn băn khoăn, lo lắng, không tự tin với quyết định chọn ngành, chọn trường của mình trước những thông tin như: Nghề nào đang “nóng”, nghề nào đã bảo hòa, ngành nào sắp hết thời… và lo tỉ lệ chọi. Đã chọn ngành, chọn trường xong, hồ sơ tuyển sinh ĐH,CĐ cũng đã nộp rồi. Nhưng sao vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng?
Lo lắng vì tỉ lệ chọi.
Qua số lượng hồ sơ các trường thu về cũng như hồ sơ học sinh đăng ký từ các trường THPT, dự kiến ngành có tỉ lệ chọi cao trong mùa tuyển sinh 2010 này sẽ rơi vào ngành Kinh tế: Tài chính – Ngân hàng – Marketing – Kinh tế đối ngoại – Kế toán kiểm toán …
Ngành Bác sĩ đa khoa và ngành Dược vẫn là hai ngành có số lượng hồ sơ nộp vào nhiều nhất tại các trường Y Dược. Mọi năm, tỉ lệ chọi của hai ngành này cũng luôn nằm trong “top 3” các ngành có số lượng chọi lớn. (Càng khó hơn khi thi vào hai ngành này thường là những thí sinh có học lực khá, giỏi nhất của các thí sinh thi khối B hàng năm).
Với khối ngành kỹ thuật, sơ bộ cho thấy khối ngành này tại các trường không xê xích đáng kể. Ngoài các ngành tại ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM là thu hút được lượng hồ sơ nhiều nhất, các trường khác cũng cho biết tỉ lệ chọi nhiều khả năng cũng chỉ sẽ tương đương các năm trước.
Tương tự cho nhóm ngành Báo chí – Truyền thông vẫn được nhiều thí sinh ưa chuộng. Riêng năm nay, ngành Tâm lý học và Giáo dục tâm lý có số hồ sơ ĐKDT cao hơn các năm trước khá nhiều.
Như vậy có thể thấy, các thí sinh vẫn ưa chọn các trường ĐH thuộc khối kinh tế – tài chính và các trường ĐH đào tạo đa ngành.
Tuy nhiên, dù ngành kinh tế dự kiến có tỉ lệ chọi cao, thí sinh cũng không nên quá lo lắng. Dự đoán số lượng thí sinh thi vào trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng chỉ ở mức bằng hoặc ít hơn năm 2009. (Măc dù điểm chuẩn của trường có thể trên 20 điểm vì số lượng học sinh khá, giỏi thi vào nhiều). Nhưng ngành kinh tế tại các trường như ĐH Tài chính- Marketing, ĐH Sài Gòn… có điểm chuẩn chỉ ở mức trung bình – khá. Theo số liệu những năm trước, thí sinh thi vào với học lực xuất sắc không nhiều lắm.
Nhưng vì sao vẫn còn băn khoăn, lo lắng?Ai cũng có cơ hội để khẳng định năng lực bản thân. Thi tuyển đại học không những là bước ngoặt cuộc đời dành cho những thí sinh khát khao vươn đến tương lai mà nó còn là cơ hội để các bạn thử sức trong những lĩnh vực hoàn toàn mới. Đồng thời, bất kể ngành học nào cũng tốt nếu người học thực sự học với thái độ nghiêm túc và có đủ tự tin để bước vào đời, bởi ngành nghề nào cũng cần những người chăm chỉ, yêu nghề.
Vì thế, đừng bận tâm hoặc băn khoăn, lo lắng khi nghe những tin như: Sinh viên bỏ học ngành này để thi lại ngành kia hoặc phải đang học hai ngành cùng lúc. Lại nữa, nghe có các anh chị sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này rồi lại phải tiếp tục đi học văn bằng hai. – Tất cả những điều đó là bình thường trong xu hướng hiện nay: “Biết nhiều nghề để chọn một nghề”.
Lý do là nhiều trường hiện đang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Việc sinh viên sau khi đỗ vào trường, sau khi theo học các phần chung cần thiết, đều có thể được lựa chọn thêm cho mình một chuyên ngành khác, hoặc chuyển đổi chuyên ngành nếu bản thân thấy không phù hợp. Ngoài ra, nếu khi sinh viên ra trường, chưa xin được việc làm, có thể quay lại trường học thêm 1 năm hoặc năm rưởi để có thêm một bằng cử nhân khối ngành khác, phù hợp với yêu cầu cần có. Bởi vậy, các tin tức nhũng nhiểu như ngành này đã bảo hòa, nghề kia sắp hết thời, nên học ngành này, ngành này nè v.v. … chỉ là để tham khảo. Việc ngay bây giờ là hãy cố gắng ôn tập để đạt kết quả tốt nhất thay vì băn khoăn, lo lắng cho sự chọn lựa (đã xong) của mình.
Nếu có học lực tốt, bạn hoàn toàn tự tin với quyết định của mình. Nếu khả năng bị hạn chế hoặc vì hoàn cảnh (kinh tế gia đình khó khăn) các bạn vẫn có thể định hướng cho tương lai của mình thành công. Điều quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê, ý chí và có nhận định đúng khả năng của mình hay chưa?
Thay vì để rơi vào tâm trạng khủng hoảng và băn khoăn lo lắng, bạn cần chuẩn bị một tinh thần tốt, chủ động cho việc chọn nghề. Có nghề, có tương lai. Trong trường hợp xấu nhất là cho dù không đỗ ĐH, hoặc tệ hơn là rớt THPT, thì vẫn còn nhiều con đường thành công dành cho bạn.
Đừng bi quan bởi vẫn còn các trường trung cấp chuyên nghiệp, hệ trung cấp trong các trường ĐH, CĐ hay các trường cao đẳng nghề, trung cầp nghề đang chờ đợi. Sau khi hoàn thành chương trình 12, dựa trên điểm học bạ, các bạn hoàn toàn đủ khả năng đăng ký học trung cấp nghề chính qui tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên toàn quốc. Hơn nữa, nếu học tập tốt ở các hệ này, các bạn vẫn có cơ hội được chuyển tiếp đào tạo liên thông lên hệ CĐ, ĐH nếu lực học tốt.
Việc chủ động lựa chọn bậc học phù hợp với khả năng là một phương án khả thi giúp bạnnhanh chóng trang bị cho mình một nghề nghiệp vững vàng, bảo đảm công việc ổn định. Nhận định đúng khả năng và biết tận dụng thời cơ để chọn cho mình một nghề phù hợp, không những giúp bạn nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động ngoài xã hội, mà còn giúp bản thân và gia đình tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc. .
Tóm lại, ngành học mà mình không có khả năng hoặc đã không thích thì dù ít người hay nhiều người học, điểm chuẩn cao hay thấp, tỷ lệ chọi thế nào thì nó cũng không phải là ngành để bạn bận tâm. Ví như, biết mình không có khả năng và không thích ngành xã hội nhân văn thì đừng học nhân văn xã hội, đơn giản thế thôi. Nếu bạn có khả năng và thích học ngành kỹ thuật thì theo học kỹ thuật, phù hợp kinh tế thì học kinh tế, đừng tự gây thêm rắc rối cho mình.
Sau khi đã chọn ngành, lựa trường xong, hồ sơ cũng đã nộp. Bây giờ bạn hãy cố gắng hết sức tập trung để ôn tập. Rồi kết quả thế nào, tùy vào hoàn cảnh mà chọn bậc học phù hợp, không vì lý do gì mà vẫn cứ phải băn khoăn lo lắng. Bởi vì, sẽ luôn có một nghề dành cho bạn để bạn vững bước vào đời.
Chúc bạn thành công.
Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com).