Đá chó, mắng mèo

Có thể một trong những cách “đá chó, mắng mèo” sẽ giúp được bạn “xử lý” stress, hoặc có thể bạn có cách riêng của mình. Vấn đề quan trọng về “sự tràn tín hiệu” ở đây không hẳn là để bạn tránh nó, mà để nhắc bạn đừng nên đặt người khác vào vị trí khó khăn như mình phải chịu. Kiềm chế bản thân và tự tìm cách giải tỏa còn dễ hơn nhiều so với việc trút giận lên người khác rồi sau đó tìm cách sửa sai, bù đắp. Sự hài hòa của cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào chính bạn.

Kiềm chế bản thân và tự tìm cách giải tỏa còn dễ hơn nhiều so với việc trút giận lên người khác rồi sau đó tìm cách sửa sai, bù đắp.

Các nhà nghiên cứu đã có “tên khoa học” cho hiện tượng này: Họ gọi đó là “sự tràn tín hiệu”. Còn trong gia đình tôi, chúng tôi chỉ đơn giản gọi đó là “hội chứng đá chú chó”. Đó là vấn đề mà rất nhiều người trong số chúng ta gặp phải, khi để cho những stress trong công việc, học tập, đời sống xã hội làm hỏng những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.

Các cảnh sát, những nhân viên dịch vụ khách hàng, những thầy cô giáo, những người điều khiển không lưu, người bán hàng, học sinh…, nói chung, tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng gặp những chuyện vô cùng khó chịu, hoặc rơi vào trạng thái vô cùng căng thẳng, hoặc trở nên vô cùng ức chế khi bị những người khác – cũng không vui vẻ chút nào – mắng mỏ, khiển trách, chê bai… Tóm lại là chúng ta rơi vào tâm trạng giận dữ, cáu kỉnh. Có thể do rất nhiều nguyên nhân. Bạn mua một sản phẩm nhưng về nó lại không hoạt động như ý muốn. Bạn gọi điện thoại cho cửa hàng thì gặp đúng một nhân viên chẳng biết gì cả. Rồi đủ thứ nữa. Tức giận, tổn thương… rất nhiều cảm xúc tiêu cực có thể nhấn chìm tâm hồn và sự sáng suốt của bạn.

Nhiều năm về trước, tôi có nghe câu chuyện về một anh bạn. Anh này bị sếp phê bình ở công ty và gặp mấy chuyện không vui. Tối hôm đó, khi về nhà, vợ anh ra mở cửa nhưng anh nhăn nhó quay ngay đi và phàn nàn rằng sao lại để cái xe đạp ngoài lối đi, gây khó khăn cho anh ấy lúc lái xe vào nhà. Cô vợ bực mình, nhìn thấy đứa con đang vui vẻ chơi đồ chơi, lại trách móc nó tại sao đi xe đạp xong không biết cất. Thằng bé 5 tuổi đi cất xe đạp, nhưng cũng bực bội vì bị mẹ mắng, nên lúc vào nhà thấy chú chó đang vẫy đuôi liền đá cho nó một cái.

Trong gia đình tôi, mỗi khi có ai đó về nhà mà bực bội, khó chịu, thì không ai bắt phải nói ra ngay lập tức, mà một thành viên trong gia đình sẽ chỉ hỏi: “Liệu chúng ta có cần mua một chú chó không?”. Thế là đủ hiểu.

Hiệu ứng domino từ những cảm xúc “độc hại” là chuyện rất thực tế. Cho nên, những tập đoàn, những công ty nổi tiếng với phương châm đặt khách hàng lên trước luôn đào tạo nhân viên của mình phải biết bình tĩnh lắng nghe, ngay cả khi nhận những lời mắng mỏ cũng không được dùng ngôn ngữ y như thế mà cãi lại. Tuy nhiên, chưa có nhiều công ty thực hiện bước tiếp theo là đào tạo nhân viên của mình rằng họ phải làm gì để tránh “lưu giữ” những “cuộc tấn công bằng lời” đó trong lòng mình. Cho nên rất nhiều người, khi đi làm về đến nhà lại rất bực tức, gây hấn, không thích giao tiếp với gia đình…

Nhưng có một số người có kinh nghiệm thì có thể “tháo ngòi” cho “trái bom” đó dễ dàng hơn những người khác. Họ không giữ những khó chịu đó trong lòng. Họ hít thở sâu. Họ uống trà, đặc biệt là trà thảo mộc. Họ tập thể thao cho đổ mồ hôi để sự căng thẳng cũng vơi bớt. Họ chia sẻ với một người bạn về chuyện đã xảy ra và giải tỏa được một phần stress đơn giản bằng cách nói nó ra. Mỗi người có thể có một cách riêng để tránh trút đống stress đó lên người khác.

Có thể một trong những cách như “đá chó” sẽ giúp được bạn “xử lý” stress, hoặc có thể bạn có cách riêng của mình. Vấn đề quan trọng về “sự tràn tín hiệu” ở đây không hẳn là để bạn tránh nó, mà để nhắc bạn đừng nên đặt người khác vào vị trí khó khăn như mình phải chịu. Kiềm chế bản thân và tự tìm cách giải tỏa còn dễ hơn nhiều so với việc trút giận lên người khác rồi sau đó tìm cách sửa sai, bù đắp. Sự hài hòa của cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào chính bạn.

Nguồn Tác giả Rubel Shelly (Đặng Mỹ Dung Dịch/svvn)

Cùng chuyên mục