Từ những lời nói thật…
Báo Tuổi Trẻ ngày 3.10.2000 đã mời các thầy giáo đại học, các nhà quản lý, các sinh viên dự toạ đàm về “Nâng cao chất lượng đào tạo đại học” và đã có nhiều ý kiến thẳng thắn bức xúc: Sinh viên chúng tôi như những cỗ máy rỉ sét, chúng tôi vào lớp viết chính tả và sau đó trả bài thuộc lòng, lắp ghép các kiến thức rời rạc. Học đối phó và thi đối phó để lấy cho được mảnh bằng, thế thôi. Đại học không có thư viện đúng nghĩa, sinh viên không đủ tiền mua sách, không có chỗ ở đủ điều kiện để học… Việc học với sinh viên là: học, ghi, thi phải thuộc. Cả bốn góc của tứ giác: thầy, chương trình, sinh viên, cơ sở-thiết bị đều có vấn đề.
Các thầy giáo phân tích thực trạng và báo động việc dạy học. Hiện nay, việc dạy ở đại học bao gồm 2 phần: cung cấp kiến thức và hướng dẫn cách học. Đó là chưa nói đến một nhiệm vụ lớn của đại học: giúp sinh viên rèn luyện năng lực truyền thông, khả năng – phương pháp lập luận và phân tích, tức rèn luyện khả năng tư duy và sáng tạo. Nhưng thực tế dạy học chủ yếu vẫn chỉ là cung cấp kiến thức (việc này dễ nhất, đơn giản nhất so với nhiệm vụ kia).
Từ những ý kiến chân thành trên, phóng viên Tia Sáng tìm gặp một số nhà giáo dục, nhà khoa học với câu hỏi: dù tình hình dạy và học ở đại học đang ngổn ngang, người dạy và người học, nhất là sinh viên cần phải làm gì để vượt lên, giành lấy những tiến bộ rõ rệt cho chính bản thân mình?
Tiến sĩ Chu Hảo, thứ trưởng Bộ KHCNMT trả lời thẳng vào câu hỏi về kinh nghiệm của riêng ông trong việc tự học: “Cần nói rõ về tự học, người ta thường nghĩ rằng tự học là học riêng một mình. Không, cách tự học tốt nhất là học với nhóm (team work). Riêng tôi, tôi vẫn đọc mỗi ngày và không bao giờ mang công việc từ cơ quan về nhà làm mà dành thời gian để chỉ xem và đọc. Mỗi khi muốn hiểu sâu đề tài nào, tôi tự yêu cầu mình phải viết một bài về vấn đề đó. Vậy là tôi phải tìm tài liệu đọc, hỏi han, lắng nghe và phải đào sâu, nắm vững mới viết ra mạch lạc được. Đó là chưa kể còn phải chuẩn bị các phụ lục tài liệu cho những chỗ khúc mắc, phức tạp phòng khi cần trình bày có thể bị chất vấn”.
Ý kiến những người thầy
Tiến sĩ nữ văn Lê Ngọc Trà, dạy Đại học Sư phạm tp. HCM, một nghiên cứu sinh được bạn bè Liên Xô cũ ở đại học Tổng hợp Lômônôxốp nể phục về trình độ cả về khoa học lẫn ngoại ngữ, cũng là một người tự học xuất sắc, cho biết kinh nghiệp của anh: Muốn học, muốn hiểu sâu một chủ đề nào, điều quan trọng nhất là phải tự mình chạm tới nó trước, phải tự mình khơi mở trước trong đầu, như gieo mầm cho việc tiếp thu, thẩm thấu của mình. Khi người học đã tự tiếp nhận kiến thức thì vai trò người thầy (hướng dẫn, tác động…) là không thể thiếu. Bản chất của tự học là tự làm việc với chính mình trước, nghiên cứu tài liệu, trao đổi với bạn bè theo cách hock với nhóm và được thầy khơi gợi, hướng dẫn. Anh nói :”Tôi lưu ý tới một sơ đồ rất hay khi tham dự một hội thảo về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Anh quốc. Ở các nấc thang của hình tháp có ghi các mức độ tiếp thu và nhớ được trong học tập:
– Nghe giảng (Lecture) 5%
– Đọc (Reading) 10%
– Nghe nhìn (Audio Visual) 20%
– Làm thí nghiệm trước mẳt s/v (Demostration) 30%
– Thảo luận nhóm (Dícussion group) 50%
– Làm bài ở nhà, ghi lại, viết lại (Practice by doing) 75%
– Dạy người khác (Teach others/immediate use of learning) 90%
Qua hình tháp này ta thấy: học mà chỉ nghe giảng, chỉ nhớ 5% những gì đã nghe. Đọc bày: nhớ được 10%. Nghe và nhìn cùng lúc: nhớ được 20%. Được xem làm thí nghiệm trước mắt sinh viên: nhớ được 30%. Thảo luận nhóm: nhớ được 50%. Thực hành bằng cách làm bài, ghi lại, viết lại: nhớ được tới 75%. Và nhó được, nắm vững nhất là giảng giải lại cho người khác, ứng dụng những gì được học ngay sau khi học là 90% (Tài liệu do Trung tâm thực nghiệm về đào tạo quốc gia, địa học Maine – Mỹ công bố)”
Viết lại là cách tiếp thu tốt và truyền đạt lại cho người khác là một cách hiểu nắm vấn đề tốt nhất. Điều này đúng, vì mỗi ngày đi dạy học, tôi thấy khó nhất là nói cho sinh viên hiểu điều mình muốn truyền đạt. Và với người thầy, học bằng cách dạy cho người khác học là cách học cao nhất”.
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long, giáo sư kinh tế Đại học Maine (Mỹ) đang là giảng viên chương trình Fulbright (hợp tác giữa Đại học Harvard và Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng: Sinh viên không biết cách học là do thầy giáo không biết cách dạy hay dạy không đúng cách. Người thầy cần hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu sau giờ nghe giảng. Ông có vài so sánh: sinh viên Việt Nam qua Mỹ hầu hết rất thông minh nhưng thường thua sinh viên Mỹ về khả năng phân tích và trình bày ý kiến mình (viết và nói). Sinh viên Nhật hơi khác, họ học lười hơn (có lẽ vì bị học “nhồi” quá nhiều hồi trung học) và không giỏi về phân tích so với sinh viên Mỹ, châu Âu nhưng lại đọc, viết giỏi hơn sinh viên Việt Nam.
Anh có 1 chương trình giúp sinh viên ở trường Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội trau dồi kỹ năng đọc và viết, qua việc hướng dẫn họ đọc mau, nắm vững các ý chính và viết gãy gọn, có phân tích, có chứng minh. Một sinh viên cao học của anh đưa cho phóng viên Tia Sáng xem một chương trình tự học do anh hướng dẫn. Mỗi học viên đọc một số trang hay một số chương trong danh sách các cuốn sách và các bài báo nghiên cứu (30 tựa) để rồi trình bay những gì đã đọc cho cả lớp, sau đó viết 2 bài từ 10 trang đánh máy trở lên, so sánh kinh nghiệm phát triển các nước châu Á và phân tích một số cuốn sách được lựa chọn tuỳ ý trong danh sách trên. Anh cho biết, ở các trường đại học Mỹ, mỗi tuần sinh viên đọc ít nhất một cuốn sách hay một số bài trong các tập san nghiên cứu, rồi trình bày trên lớp có thầy hướng dẫn.
Xem ra có nhiều điều không hoàn toàn mới lạ nhưng rất sâu sắc chưa được thảo luận kỹ và áp dụng để thay đổi chất lượng dạy và học đại học hiện nay. Rất mong bạn đọc góp ý nhiều ý kiến cho bàn tròn này.
Nguồn: Chungta.com