Kiếm bội tiền, nhưng cuộc sống luôn lênh đênh trong áp lực. Sau mỗi dự án thu hàng triệu đô, các copywriter (người viết bài quảng cáo) đều phải tự mình “cân chỉnh” lại cuộc sống…
Chân dung “kẻ bỏ cuộc”
N.H là một copywriter nổi tiếng ở TP.HCM. Thu nhập hàng tháng của anh lên đến 3.000 – 4.000 USD. Thế nhưng sau 2 năm, không “chịu nổi nhiệt” H đã phải từ bỏ công việc “hái ra đô” của mình. Người ngoài nhìn vào ai cũng chặc lưỡi tiếc rẻ, chỉ có người trong cuộc mới biết rõ lý do tại sao: “Tôi không thể chịu nổi áp lực của công việc này thêm một ngày nào nữa. Luôn cảm thấy bị bóc lột, bị moi móc, bị vét cho cạn kiệt ý tưởng. Sau một dự án nào đó phải làm việc liên tục thường cảm thấy mệt mỏi, không muốn – thậm chí căm ghét việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Người luôn trong trạng thái stress nặng nề”.
Cũng trong tình trạng tương tự, L.A trốn chạy khỏi nghề nghiệp mình đã từng rất say mê vì không chịu nổi một cuộc sống bị ám ảnh bởi công việc. Sự ám ảnh đó không chỉ đến từ khối lượng công việc đồ sộ mà còn từ những bức xúc với “sếp”: “Sếp” là người nước ngoài không hiểu văn hóa của người Việt nên đưa ra những đơn đặt hàng với yêu cầu kỳ dị, ví dụ như khi quảng cáo cho một công ty xà phòng thì muốn lấy hình ảnh những con thú rất gớm ghiếc, hoặc có những khách hàng yêu cầu viết những câu slogan (khẩu hiệu quảng cáo) dài ngoằng và rất “củ chuối”…
Tất cả khiến tôi vô cùng ức chế với công việc. Nghề này một khi đã bức xúc, khó chịu thì không thể đạt được hiệu quả cao được”. Một lý do L.A không nói ra nhưng bạn bè cô ai cũng nhìn thấy: đã gần “băm” nhưng L.A không có nhu cầu tìm kiếm bạn trai cho mình. Hay nói đúng hơn, cô không có điều kiện để làm việc đó, khi từ sáng đến tối trong đầu tràn ngập những slogan, những ý tưởng chỉ dành cho công việc.
Khi tiền không phải là tất cả
Trong mắt mọi người, 3.000 – 4.000 USD là khoản thu nhập cao, nhưng với những gì những copywriter phải làm thì đó chẳng là “hoa thơm quả ngọt”. Một đơn đặt hàng giá hàng triệu đô nhưng phần của copywriter chỉ là 1, 2 ngàn đô và sản phẩm của họ luôn đứng tên công ty. Họ – những người sáng tạo ra sản phẩm chỉ là kẻ làm thuê không hơn. Những người trả cho nhân viên của mình mức lương mấy nghìn đô/tháng là những người rất biết cách thu về.
Nghề copywrite đòi hỏi khả năng sáng tạo không ngừng và áp lực công việc luôn lớn
Mỗi ngày nhiệm vụ của copywriter là phải “đẻ” ra hàng trăm ý tưởng, và với một dự án, hàng ngàn ý tưởng là con số rất bình thường. Và tất nhiên, để có được mức thu nhập ngất ngưởng như thế, các copywriter có tiếng đều không chỉ làm cho một ông chủ.
Sự khác nhau giữa copywriter theo kiểu freelancer và copywriter chuyên nghiệp là rất lớn. Từ “chuyên nghiệp” ở đây hàm ý chỉ một copywriter giỏi thực thụ, hiểu nghề và có đủ những hiểu biết cũng như kỹ năng cần thiết – ngang tầm “từ điển sống”. Với freelancer (người làm nghề tự do) copywriter chỉ là một trong vô số những nghề giúp bạn kiếm thêm thì việc đánh đổi cả cuộc sống, nhất là đối với những người sừng sỏ. Chính vì vậy, nhưng cả nước hiện tại không quá 10 người được “vị nể”.
Những người “dấn thân” vào nghiệp copywriter đều phải là những cái đầu có “sỏi” nhưng không phải cứ ngồi một chỗ mà ý tưởng cứ thế sinh ra. Họ phải lang thang cả ngày ngoài đường tìm ý tưởng, tối về mò mẫm thâu đêm. Tùy từng yêu cầu của dự án mà lịch trình của copywriter cũng thay đổi. Quảng cáo cho một loại nước giải khát thì lần mò đến những vùng nắng nóng, tham gia những hoạt động mạnh, để biết được cảm giác “khát” là như thế nào, và người tiêu dùng cần điều gì để cho ra những ý tưởng quảng cáo cũng như những slogan thật “đắt”.
Sau mỗi dự án quảng cáo có hàng triệu đô, mỗi người đều phải tự tìm cách lấy lại thăng bằng trong cuộc sống của mình bằng cách tham gia các hoạt động khác. Chính vì vậy, các copywriter chuyên nghiệp không mấy ai làm việc cho một nơi quá 1 năm, thậm chí là vài tháng. Họ từ bỏ công ty này, đến với công ty khác, không phải vì công việc hay môi trường không tốt, mà chỉ đơn giản là một cách làm mới lại bản thân. Và nếu không thành công, bỏ cuộc là điều tất yếu.
Bạn có biết?
Một copywriter thường hoạt động như là một thành viên của một nhóm thực hiện quảng cáo. Thông thường, các phòng, các công ty quảng cáo, thường làm việc với copywriter thông qua một vị trí là giám đốc sáng tạo – Art Director. Người làm copywriter phải có trách nhiệm thực hiện phần ngôn ngữ bằng lời đối với các quảng cáo, và giám đốc sáng tạo sẽ biến nó thành hình ảnh hoặc âm thanh có khả năng kêu gọi được sự chú ý của người tiếp nhận. Cả hai vị trí này đều phải tỏ ra hết sức sáng tạo, hiệu quả, có sức thuyết phục.
Nghề copywriter cũng khá giống với nghề technical writer (hướng dẫn kĩ thuật). Để phân biệt hai nghề này, có thể nói rằng người làm technical writer là người viết ra để thông tin tới người đọc hơn là để thuyết phục họ. Ví dụ, người làm copywriter phải viết một đoạn quảng cáo để bán được một chiếc xe, trong khi người làm technical writer là người viết hướng dẫn sử dụng chiếc xe đó.
Nghề copywriter đôi khi còn bị nhầm với nghề copyright bởi vì phát âm gần giống nhau. Tuy nhiên đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.
Trên thế giới có rất nhiều copywriter nổi tiếng như David Ogilvy, William Bernbach, Robert W.Bly, Gary Bencivenga, Dominik Bjegovic, Jay Abraham, Clayton Makepeace, Larry Owen, Patrick Pacacha, Leo Burnett.
Sách hay:
“Đường vào nghề: Copywriter”; “The Art of CopyWriting”; “The Copywriting”; “Speaking of Advertising”.
Tìm hiểu, học và đọc thêm về nghề copywriter trên thế giới tại các website: www.openshare.com.vn; www.customcopywriting.com; www.website-copywriting.com; www.copywritersboard.com…
Theo Quỳnh Phương (SVVN)