Công nghệ sinh học vốn ít được biết đến tại Việt Nam vào đầu thập niên 1990 và lĩnh vực khoa học này được xem là một loại “hàng xa xỉ” tại các trường đại học Việt Nam. Cách nhìn nhận này đã dần có sự thay đổi…
Những thí nghiệm đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam là kỹ thuật phản ứng khuyết đại gene PCR (polymerase chain reaction). Đây là một kỹ thuật phổ biến trong sinh học phân tử nhằm tạo ra nhiều bản sao một đoạn DNA mà không cần sử dụng các sinh vật sống thông dụng như E. coli.
Từ những thành công đầu tiên
Những nỗ lực của nhóm nghiên cứu thuộcĐại học Y Dược TP.HCM đã giúp đưa kỹ thuật PCR được ứng dụng một cách rộng rãi, không chỉ ở các bệnh viện và các trung tâm nghiên cứu tại các thành phố lớn mà thậm chí ở các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. PCR được sử dụng trong các nghiên cứu sinh học và y học phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như phát hiện các bệnh di truyền, nhận dạng, chẩn đoán những bệnh nhiễm trùng, tách dòng gene và xác định huyết thống.
Các dụng cụ PCR đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất bởi nhiều công ty công nghệ sinh học, chủ yếu tại TP.HCM như Công ty TNHH Nam Khoa và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Khoa Thương. Hiện nay, đã có rất nhiều trung tâm có thể tự sản xuất sản phẩm PCR.
Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong chẩn đoán còn bao gồm cả nghiên cứu hệ protein học tại một số cơ sở trọng điểm như Viện Công nghệ Sinh học Hà Nội và Học viện Quân y ở Hà Đông. Cả hai trung tâm này đều được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, có thể thực hiện các nghiên cứu công nghệ sinh học chuyên sâu. Khách hàng của các công ty công nghệ sinh học bao gồm bệnh viện, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức chính phủ. Một trong số đó là Trung tâm Medic ở TP.HCM.
Trung tâm này có một phòng thí nghiệm chẩn đoán quy mô lớn để phục vụ nhu cầu của khoảng 8 triệu người dân TP.HCM. Ngoài các hệ thống hoàn toàn tự động sử dụng công nghệ sinh hóa, trung tâm Medic còn có cả chẩn đoán DNA qua việc lấy mẫu máu, dịch tủy cột sống và sinh thiết.
Và một khát vọng lớn
Nhìn vào Việt Nam, chúng ta có thể thấy một niềm khát vọng lớn lao muốn bắt kịp những kỹ thuật tiên tiến của thế giới, đồng thời ứng dụng sâu rộng hơn công nghệ sinh học vào thực tế đời sống.
Sau gần 10 năm hoạt động, Công ty NanoGen Inc. thuộc Khu công nghệ cao TP.HCMđã sản xuất hàng loạt những dược phẩm sinh học có giá trị kinh tế và trị liệu cao gồm những Interferon đa dòng và những phân tố cytokines tác động chuyên biệt trên hệ miễn dịch có khả năng trị những bệnh hiểm nghèo do siêu vi và ung thư. NanoGen sản xuất thành công kháng thể dòng (Monoclonal antibody) chữa bệnh tiểu đường.
Một cơ sở sản xuất vắc – xin tại Viện Vắc –xin Nha Trang cũng vừa mới được xây dựng hoàn tất vào năm ngoái nhằm đối phó với chủng cúm vi – rút mới H1N1 (sử dụng công nghệ nuôi cấy dựa trên phôi của trứng gà) và các loại bệnh dịch trong tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tài trợ cho việc xây dựng và đầu tư trang thiết bị cho trung tâm mới, có khả năng sản xuất vài triệu liều vắc – xin trong vòng 6 tháng. Điều đáng chú ý là chi phí xây dựng chỉ vào khoảng 4 triệu USD, thấp hơn nhiều so với chi phí xây dựng một khoa mới tương tự ở phương Tây hoặc ở các quốc gia Đông Nam Á khác. Vabiotech (Hà Nội) đã thành công trong kỹ thuật di truyền ngược (reverse genetics) để tổng hợp ra vắc – xin tái tổ hợp Viêm gan B và viêm não Nhật Bản.
Đi tắt, đón đầu với tế bào gốc
Việt Nam cũng đã bắt đầu chú ý đến việc ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển các phương pháp điều trị mới. Ở miền Bắc, các tổ chức quan tâm đến việc nghiên cứu tế bào gốc có Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Viện Công nghệ Sinh học và các phòng thí nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, TS Phan Kim Ngọc, đã đi tiên phong trong việc tạo ra các dòng tế bào gốc phôi người, nhằm thực hiện các nghiên cứu lâm sàng và điều trị cho bệnh nhân. Nhóm của TS Ngọc đang tìm hiểu các đặc điểm gây ra ung thư của các tế bào này, nhằm tìm ra cách điều trị ung thư mới. Đây là một trong những nghiên cứu “nóng” trong các phòng thí nghiệm tế bào gốc của nhiều quốc gia trên thế giới. Các hoạt động nghiên cứu trên đặt nền tảng cho việc thương mại hóa tế bào gốc trong tương lai tại Việt Nam. (Theo: Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, Bộ phận Công nghệ sinh học – Khu công nghệ cao TP.HCM)
Chế tạo thành công cảm biến sinh học
Phòng công nghệ bán dẫn thuộc trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D), Khu Công nghệ cao TP.HCM đã chế tạo thành công cảm biến sinh học QCM (Quartz Crystal Microbabance) sau gần một năm nghiên cứu, thiết kế
Đây là cảm biến dùng thạch anh biến đổi tần số dao động. QCM là sự phối hợp giữa trung tâm R&D và Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Cảm biến này được nghiên cứu, thiết kế, sản xuất ngày tại Trung tâm R&D.
Theo kỹ sư Trương Hữu Lý, phụ trách việc chế tạo cảm biến này tại trung tâm R&D, thì QCM có mục đích: Kiểm tra định lượng vi rút, vi khuẩn trong các tác nhân sinh học AND với độ chính xác cao.
Hiện các nhà khoa học tại hai trung tâm này đang phối hợp để tiếp tục cho ra đời bộ xử lý thông tin do cảm biến thu được.
Theo: (Khoa học/BaoDatViet)