Những thuật toán thông minh được thiết kế để củng cố sở thích của chúng ta và cũng khiến ta không được thấy những gì mới, khác lạ, vốn là trọng tâm của sự học hỏi, hiểu biết và sáng tạo.
Chúng ta sống trong một thế giới của sự chọn lọc. Mạng internet – được hỗ trợ bởi những thuật toán có khả năng đoán trước những gì chúng ta tìm kiếm, mua, nghe, đọc, xem và ngay cả những người chúng ta muốn hẹn hò hoặc cưới – giúp ta tìm những gì mình muốn một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nó chỉ hữu ích khi những gì chúng ta tìm kiếm giống với những gì ta thích trong quá khứ.
Và cái gì cũng có hai mặt của nó. Những thuật toán thông minh được thiết kế để củng cố sở thích của chúng ta cũng khiến ta không được thấy những gì mới, khác lạ, vốn là trọng tâm của sự học hỏi, hiểu biết và sáng tạo.
Thay vì đưa chúng ta ra khỏi phạm vi của những điều quen thuộc, cuộc cách mạng điện toán lại khiến mỗi chúng ta chỉ biết sống hạnh phúc trong thế giới hạn hẹp riêng của mình.
Trong quá trình đó, nó cũng đóng cửa cơ hội tạo ra sự độc đáo, tự do học hỏi.
Thế nhưng chúng ta lại thích điều này!
Vì sao tôi biết?
Bởi vì chúng ta thi nhau đi mua những món hàng từ Amazon theo gợi ý từ thuật toán của họ. Chúng ta đọc những tin tức củng cố niềm tin sẵn có. Chúng ta dựa vào những dịch vụ hẹn hò qua mạng có khả năng tìm những người giống với mình.
Xã hội cũng như trí tuệ của chúng ta đang phải trả giá đắt cho một thế giới nơi mà tất cả mọi thứ đều được điều hành bởi những thuật toán.
Lấy ví dụ như cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ.
Sự chia rẽ sâu sắc về chính trị trở nên càng nghiêm trọng hơn do cư dân mạng thường xuyên tìm kiếm những bằng chứng để củng cố cho niềm tin sẵn có của họ. Những người Mỹ đang sống với những phiên bản khác nhau của cùng một đất nước.
Việc chỉ đọc tin từ một số trang nhất định khiến sự phân tích các sự kiện đang xảy ra của chúng ta khác hẳn so với những người khác.
Vấn đề suy nghĩ hạn hẹp còn ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh cũng như khả năng lãnh đạo.
Không những các nghiên cứu chỉ ra rằng suy nghĩ cởi mở sẽ giúp tinh thần ta khoẻ mạnh hơn mà còn giúp đưa ra các quyết định tốt hơn.
Chúng ta có thể điều này ở các lãnh đạo xuất sắc, những người đã xây dựng các doanh nghiệp thành công dựa trên sự nhanh nhẹn, sáng tạo trong cả lĩnh vực quản lý lẫn mô hình kinh doanh.
Một nghiên cứu gần đây được đăng trên Tạp chí Quản lý Chiến lược chỉ ra tầm quan trọng của việc kết hợp những kinh nghiệm sẵn có với quan sát những thay đổi trong môi trường xung quanh.
Việc áp dụng những kinh nghiệm đã có trước đây có thể vô cùng quan trọng, nhưng nó cũng khiến chúng ta không kịp thích nghi trước những thay đổi trong ngành của mình.
Trong khi đó, việc quan sát những thay đổi trong môi trường kinh doanh bất chấp những kinh nghiệm đã có trước đây giúp chúng ta để ý và khai thác những cơ hội mà ngay cả đối phương cũng có thể không ngờ tới.
Tuy nhiên chúng ta có thể chống lại quyền lực của các thuật toán, vốn đang khiến chúng ta suy nghĩ rập khuôn. Việc mở mang tầm mắt và suy nghĩ cởi mở hơn trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân không phải là quá khó.
Tại công sở, hãy bắt đầu với những người bạn tuyển dụng. Hãy tuyển những người suy nghĩ khác với những người khác trong đội bạn, những người dễ mang lại cho bạn một góc nhìn khác và mang lại những giải pháp sáng tạo.
Các thuật toán có thể quét những từ khoá hoặc thuật ngữ trong đơn xin việc, thế nhưng bạn nên dành thời gian đọc chúng hoặc tìm những từ khoá khác nhau. Nếu có thời gian, bạn nên tự đi tìm kiếm tài năng.
Hãy luôn suy nghĩ cởi mở để tăng tính sáng tạo về dài hạn, nhất là khi bạn đang ở trong vai trò lãnh đạo.
Thay vì xây dựng một tổ chức hay một đội theo một công thức nào đó, hãy xây dựng nó dựa trên những quy tắc nhất định, rồi mời nhân viên của mình đưa ra những ý tưởng sáng tạo dựa trên các quy tắc đó.
Đây là đặc điểm của các nhà lãnh đạo cao cấp như Jay Chiat, nhà sáng lập và CEO của hãng quảng cáo Chiat/Day, vốn thưởng cho nhân viên của mình vì suy nghĩ sáng tạo, ngay cả khi những sáng kiến đó không thành công.
Điều quan trọng hơn hết là phải trung thực với bản thân để nhận ra khi chính bạn đang suy nghĩ hạn hẹp. Khi đó, bạn có lẽ nên cân nhắc để thường xuyên tìm cách đưa ra những quyết định nằm ngoài khuôn khổ của bản thân.
Ví dụ như lần tiếp theo bạn đi tìm một quán ăn, hãy thử những món mà mình chưa ăn bao giờ. Hãy xem một bộ phim thuộc về một dòng phim khác với dòng phim quen thuộc. Hoặc gia nhập một câu lạc bộ sách. Hãy dành thời gian nói chuyện với những người có tư duy khác bạn hoàn toàn tại một buổi tiệc hay một sự kiện nào đó – hãy nhờ họ gợi ý nên đọc gì, ăn gì, xem gì.
Có một số trang web và ứng dụng di động có thể giúp bạn. Chẳng hạn như đem lại những lập luận trái ngược với các vấn đề gây tranh cãi, trong khi những ứng dụng như Earbits giúp bạn phát hiện ra những bản nhạc mới bằng cách nhấn vào các dòng nhạc mới, thay vì gợi ý cho người dùng những bản nhạc họ thường thích.
VIệc tìm kiếm những điều mới có lẽ sẽ tốn nhiều công sức. Thế nhưng hãy nghĩ thế này: Mặc dù các thuật toán và trí thông minh nhân tạo đang ngày càng trở nên tốt hơn trong việc phán đoán nhu cầu và giới hạn sự tập trung của chúng ta, khả năng thích nghi và học những điều mới là giá trị vô cùng quan trọng của nhân loại – trong cả công việc và cuộc sống. Và đó là điều xứng đáng để cố gắng đạt được.
Theo:“Công nghệ khiến ta suy nghĩ hạn hẹp”– (BBC Capital)