(hieuhoc_hieuhoc.com). Ngành Điện tử – Viễn thông đào tạo các kỹ sư, chuyên viên Điện tử Viễn thông có kiến thức cơ bản vững, có kỹ năng thực hành tốt, để có thể nắm bắt các vấn đề kỹ thuật, công nghệ luôn đổi mới trong lĩnh vực này.
Công nghệ Điện tử viễn thông là gì?
Công nghệ Điện tử viễn thông sử dụng những công nghệ tiên tiến, tạo nên các thiết bị giúp cho việc truy xuất thông tin bạn muốn có. Đó có thể là những thiết bị điện tử thông thường gắn liền với cuộc sống hằng ngày như: xử lý ảnh, điện thoại, truyền hình số, thông tin quang, mạng viễn thông, những hệ thống phức tạp chưa đến 1s đã chuyển thông tin từ châu lục này tới châu lục khác, từ vệ tinh trên bầu khí quyển về tới Trái Đất…
Cơ hội của ngành công nghệ Điện tử – Viễn thông.
Rất nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành công nghệ Điện tử – Viễn thông. Đây cũng là một trong những ngành có nhiều vị trí tuyển dụng. Chính vì thế, cơ hội trúng tuyển và tìm việc làm cho thí sinh lựa chọn ngành học điên tử viễn thông này là khá lớn.
Nhóm ngành Điện tử viễn thông thường được tuyển sinh khối A, thích hợp với những người ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc; học tốt các môn toán – lý; yêu thích các thiết bị điện tử; luôn tìm tòi, học hỏi và có khả năng làm việc theo nhóm.
Sinh viên được đào tạo để có hiểu biết cơ bản các kiến thức về điện tử, tin học, phần cứng và phần mềm, truyền thông. Có thể làm việc trong ngành chuyên môn có liên quan như một chuyên viên: Điều hành sử dụng các thiết bị điện tử, máy tính, mạng máy tính, hệ thống viễn thông. Có khả năng áp dụng các kiến thức toán học, khoa học và kỹ thuật vào các vấn đề thuộc lĩnh Điện tử – Viễn thông như đọc hiểu và thực hiện các mạch điện tử, thiết kế các mạch tích hợp, lập trình ứng dụng vi xử lý – vi điều khiển, kiến trúc máy tính, tìm hiểu và thiết kế các hệ thống mạng máy tính và viễn thông, tính toán – mô phỏng các mô hình linh kiện điện tử nano…
Sinh viên sau khi ra trường sẽ là kỹ sư ngành Điện tử – Viễn thông, công việc gắn liền với phòng thí nghiệm, phòng kỹ thuật và máy móc hiện đại. Đó là, cán bộ kỹ thuật, giảng dạy, quản lý trong các lĩnh vực điện tử, bưu điện, viễn thông (hàng không, hàng hải); chuyên viên máy tính điều khiển, an ninh; nghiên cứu về thiết bị sử dụng điện tử – viễn thông, ở các phòng thí nghiệm, các cơ sở kinh doanh, các nhà máy sản xuất công nghiệp tự động hóa, các Cty truyền thông (phát thanh, truyền hình) thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Điểm chuẩn tuyển sinh bậc ĐH năm 2009 (ngành Điện tử-Viễn thông).
Tất cả các trường đều tuyển sinh khối A. Chuyên ngành điện tử viễn thông của trường Đại học GTVT TP. HCM có điểm trúng tuyển là 15,5 điểm; Trường ÐH Quốc tế (ÐHQG TP.HCM): 14,5 đ; Học viện Hàng không VN: 15 đ; Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: 17 đ; Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (cơ sở phía Nam): 21đ; Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông: 24,5 đ; Trường ÐH Bách khoa Hà Nội: 21 đ; Trường ĐH Bách khoa TPHCM: 20 đ; Trường ÐH Khoa học tự nhiên (ÐHQG TP.HCM): 17 đ; Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM: 13 đ; Trường ÐH Lạc Hồng: 13 điểm …
Công nghệ Điện tử-Viễn thông là một trong các công nghệ quan trọng, nó có tốc độ phát triển vô cùng mạnh mẽ về công nghệ, luôn đổi mới với vòng đời về công nghệ của tất cả các thiết bị và hệ thống không quá 2 năm. Vì thế, làm công việc trong ngành Điện tử – Viễn Thông là phải liên tục cập nhật kiến thức về những công nghệ mới nhất, tạo sự phong phú, đa dạng hiểu biết về chuyên môn. Đó chính là nền tảng, là hành trang vững chắc để các bạn thành công trong ngành Điện tử viễn thông này.
Chúc các bạn thành công.
Tổng hợp: Chí Thông (hieuhoc_hieuhoc.com).