Con trẻ giỏi thật hay ảo? Câu trả lời nằm chính ở mỗi phụ huynh, những người tường tận năng lực con cái của mình nhất!
Hình minh họa
Nuôi dưỡng trong thành tích, trẻ sống trong ảo tưởng và dễ gục ngã với những va vấp, trở ngại dù nhỏ nhoi của cuộc sống.
Có lẽ cuộc đua nào cũng sẽ kết ở một điểm đến, một điểm dừng. Vậy mà có một cuộc đua không bao giờ về đích.
Người ta luôn cố gắng khởi động nó sớm nhất có thể. Con trẻ cứ chạy và chạy không ngừng nghỉ để chinh phục từ nấc thang này đến nấc thang khác. Bố mẹ cũng mệt bở hơi tai cố chạy cho bằng “con nhà người ta”…
Khi cả xã hội cùng chạy đua, lẽ tất nhiên sẽ sản sinh chất xúc tác kích thích động lực phấn đấu, ganh đua lẫn nhau. Nhưng tiêu cực cũng mon men hiện hữu, trở thành một căn bệnh nan y của giáo dục – Bệnh thành tích! Dẫu cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã được phát động từ năm học 2006-2007 nhưng nhìn vào thực tại hiện nay, chúng ta phải ngỡ ngàng thốt lên: “Bệnh thành tích đã trở lại ư?”
Thông tin trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhậncả ngàn học bạ “đẹp không tì vết”trong tổng số 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 vẫn đang khiến nhiều người trăn trở. Theo đó, khoảng 1.000 hồ sơ đạt điểm 10 ở cả hai môn toán và tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học. Trẻ càng ngày càng giỏi hay giáo viên đã quá dễ dãi trong kiểm tra đánh giá?
Trẻ càng ngày càng giỏi ư? Cũng có thể khi mà cuộc sống của khá nhiều gia đình chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Sự đầu tư cho con cái về điều kiện dinh dưỡng, điều kiện học tập được chú trọng hơn trước. Không chỉ học ở trường, bố mẹ còn mời gia sư danh tiếng đến tận nhà kèm cặp và liên tục nghe ngóng thăm hỏi chỗ nào học tốt, thầy nào dạy giỏi.
Vậy mà bảng xếp hạng giáo dục tiểu học của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố vào tháng 9-2016 khiến chúng ta giật mình: Việt Nam xếp thứ 92/144 nước, đứng sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia… và thua Lào 3 bậc. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp tiểu học với điểm số cao chất ngất như thế sao lại “khiêm tốn” với thứ hạng ấy? Con trẻ giỏi thật hay ảo? Câu trả lời nằm chính trong suy nghĩ của mỗi phụ huynh tường tận năng lực của con cái!
Điểm 10 – điểm số tuyệt đối trong thang điểm đánh giá của giáo dục nước ta đang ngày càng “bội thu”, thậm chí là “lạm phát”. Điểm 10 môn toán là điều có thể. Nhưng hàng nghìn, triệu, tỷ điểm tuyệt đối môn tiếng Việt trên khắp cả nước là điều bình thường ư? Tiếng Việt là một môn học đặc thù, không chỉ kiểm tra về kiến thức đọc – hiểu mà còn đánh giá năng lực dùng từ, đặt câu, diễn đạt, chữ viết, trình bày… Vậy mà các con đã dễ dàng đạt được “bông hoa điểm mười” trong mơ của bao thế hệ trước. Thầy cô có phần dễ dãi, ưu ái trao tặng điểm 10 không? Chúng ta có thể tìm thấy đáp án trong chính những năm tháng đi học đã qua.
Vậy là 1.000 hồ sơ “khủng” nộp vào trường Lương Thế Vinh đã đã trải qua “công nghệ” làm đẹp học bạ như mọi người vẫn rỉ tai nhau lâu nay. Khi năng lực, kết quả học tập của học sinh không được đánh giá đúng thực chất, đừng bao giờ mơ tưởng đến những giải pháp đổi mới, cải thiện, điều chỉnh phương pháp dạy học! Nguy hại hơn nữa là con trẻ đánh giá sai năng lực chính mình và dần thui chột tinh thần khiêm tốn, học hỏi! Nuôi dưỡng trong thành tích, trẻ sống trong ảo tưởng và dễ gục ngã với những va vấp, trở ngại dù nhỏ nhoi của cuộc sống.
Theo: “Bội thu” điểm 10 – (Giáo dục /NLD)