Còn nhiều rào cản để khởi nghiệp

Tâm lý lo sợ thất bại kèm những rào cản về chính sách, nguồn vốn cũng như chương trình đào tạo dẫn đến việc nhiều người ngại khởi nghiệp.

“Người khởi nghiệp không thuộc lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, quản trị nên học bổ sung kiến thức các lĩnh vực này”. – Đại biểu trình bày tham luận về khởi nghiệp tại hội thảo – Ảnh: M.G

Theo thông tin từ hội thảo Khởi nghiệp tại VN: Cơ hội và thách thức trong thời kỳ hội nhập do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức sáng 17-6, sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố môi trường khởi nghiệp và môi trường kinh doanh.

Từ 84% còn 5%!

Ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên (SV) tại một số trường ĐH trên địa bàn TP.HCM từ khảo sát của nhóm giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho thấy 78,6-84% cho biết có mong muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỉ lệ SV khởi nghiệp kinh doanh thực tế sau 1-2 năm tốt nghiệp còn chỉ từ 3-5%.

Bà Bùi Thị Thanh, thành viên nhóm khảo sát, cho rằng sở dĩ có tình trạng trên là do chưa có chuyên ngành đào tạo khởi nghiệp và các khóa học về khởi nghiệp, các hoạt động ngoại khóa về ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp còn hạn chế và mới chỉ mang tính phong trào.

Mức độ liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn thấp nên SV ít có cơ hội thâm nhập thực tiễn hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ từ thực tế khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Thương Linh – Phòng Thương mại và công nghiệp VN tại Cần Thơ – cho biết khu vực này bắt đầu triển khai dự án Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh từ năm 1999.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký mới phần lớn là giải thể tái hoạt động và chuyển đổi kinh doanh, chỉ có khoảng 30% là thật sự khởi nghiệp mới.

Theo báo cáo chỉ số doanh nhân toàn cầu năm 2014, 67% người VN được khảo sát cho rằng khởi nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp tốt (thấp hơn so với Philippines, Indonesia, Thái Lan). VN xếp hạng cao nhất khu vực về lo sợ thất bại trong khởi nghiệp (56,7%).

Cảm nhận năng lực khởi nghiệp của thanh niên thấp hơn so với lứa tuổi trung niên. Tỉ lệ thành lập doanh nghiệp ở độ tuổi 18-34 chỉ có 12%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 32% ở nhóm tuổi 35-63.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – đưa ra những rào cản chính ảnh hưởng đến quá trình khởi nghiệp như hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ đào tạo chưa chuyên sâu, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chính sách thuế bất hợp lý, chưa có đầu mối thống nhất giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, tình trạng giấy phép con…

Tập trung vào giới trẻ và sinh viên

Theo bà Bùi Thị Thanh, kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trên thế giới (như Israel, Singapore…), đối tượng khởi nghiệp tập trung vào giới trẻ mà chủ yếu là SV.

Bà Thanh đề xuất đưa khởi nghiệp vào chương trình nghị sự của Chính phủ, của bộ ngành có liên quan; của Đoàn, Hội SV và các địa phương. Mở chuyên ngành đào tạo quản trị khởi nghiệp, các khóa học khởi nghiệp tại các trường ĐH. Khẩn trương xây dựng thêm các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ở cấp quốc gia và các tỉnh, thành phố.

Chính phủ và chính quyền địa phương cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ SV khởi nghiệp dưới các hình thức khác nhau như hỗ trợ vốn; cấp tín dụng lãi suất ưu đãi; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng SV khởi nghiệp trong những năm đầu sau khi tốt nghiệp…

Dù hoạt động khởi nghiệp tập trung vào giới trẻ nhưng từ khảo sát thực tế, TS Trần Thế Hoàng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng thời điểm khởi nghiệp lý tưởng khi đã có kinh nghiệm làm việc từ 10-15 năm. Nhà khởi nghiệp cần chú ý học tập nâng cao trình độ từ CĐ trở lên để có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Người khởi nghiệp không thuộc lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, quản trị nên học bổ sung kiến thức các lĩnh vực này. Về cơ chế, ông Hoàng đề xuất Nhà nước cần khuyến khích đẩy mạnh hoạt động của các hiệp hội ngành nghề để tăng hỗ trợ kiến thức và mối quan hệ cho các chủ doanh nghiệp trẻ.

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều cải cách về chính sách, giúp người khởi nghiệp tiếp cận dễ dàng vốn vay; vấn đề giáo dục cũng được nêu ra như một giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Kiệt – giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – đề xuất thiết kế các chương trình giáo dục, đào tạo tinh thần doanh nhân phù hợp nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp trong SV.

Chương trình nên nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm thúc đẩy năng lực của SV trong các vấn đề như đổi mới, tư duy sáng tạo, kỹ thuật giải quyết vấn đề và khả năng tổ chức.

“Khởi nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nếu không dấn thân, không mạnh dạn, cứ giữ mãi tâm lý ngại khó, ngại khổ thì không thể khởi nghiệp thành công” – ông Cao Văn Trọng, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phát biểu.

Theo: MINH GIẢNG (Nhịp sống trẻ/TTO).

Bài liên quan

Khởi nghiệp khi có giải pháp tồn tại.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Khi khởi nghiệp, điều đầu tiên bạn phải nghĩ tới là tồn tại đã, tồn tại càng lâu càng tốt, làm sao để vừa khởi sự đã có thể sống được, rồi từ từ phát triển lên. Và để tồn tại, bạn phải trả lời câu hỏi: làm cái gì phù hợp với hoàn cảnh của mình và nếu làm, mình sẽ cải tiến làm tốt hơn ở điểm nào? 

Khởi đầu sự nghiệp từ việc kiếm sống hàng ngày.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Khi lựa chọn công việc để khởi đầu, bạn không cần phải lo lắng cho dù bạn đang không có kế hoạch gì, hãy cứ bắt đầu như là chỉ để kiếm sống hàng ngày. Bởi đôi khi những công việc tốt nhất lại đến từ những quyết định ngẫu hứng, không chuẩn bị trước. 

Cùng chuyên mục