(hieuhoc_hieuhoc.com). Mơ ước thay đổi thế giới ngày mai tốt đẹp là mơ ước tuyệt vời nhưng để thực hiện thì phải có mục tiêu khởi đầu. Như người ta vẫn thường nói: Nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ; nhiều việc nhỏ sẽ góp thành việc lớn; nhưng việc gì là lớn để nghĩ, việc gì là nhỏ để làm? Vì thế, xác định mục tiêu thiết thực để biết nên bắt đầu từ đâu mới là yếu tố cần quan tâm chứ không nhất thiết buộc phải bắt đầu từ làm nhỏ, nghĩ to gì cả.
Muốn không phân biệt nghề sang, nghề hèn thì đừng phân biệt việc nhỏ, việc to. Không có công việc lương thiện nào là tầm thường thì cái học nào cũng cần thiết cả.Một số người xem quét rác là “việc lớn”, tức là giữ gìn thành phố sạch đẹp.Thế nhưng, cũng có không ít người xem đấy là “việc nhỏ” và dơ bẩn. Thế thì, nó là việc lớn hay nhỏ đây?
Không có nghề sang, cũng không có việc hèn, miễn đó là nghề lương thiện. Trong công tác thanh niên (SVHS), thường xem quét rác, biết làm vệ sinh là việc nhỏ cần phải làm, cần phải biết làm để có thể làm các việc lớn hơn sau này (?). Làm vệ sinh, quét rác chỉ là việc nhỏ thôi sao, nó hèn kém lắm phải không?
Vì thế, biết giữ vệ sinh công cộng là tốt, là cần làm, là phải làm nhưng đừng cho nó là việc to hay nhỏ gì cả. Quét nhà, rửa chén khi cần làm thì phải làm, chỉ thế thôi.Không xem nhẹ, cũng đừng định vị đó là giá trị sống, lại càng không nên hô hào lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá con người. Giá trị sống nào là phải thế?
Xếp hàng, xả rác… không phải là cái học lớn mà cũng không thể cho là chuyện nhỏ! Quét rác, giặt quần (áo) là việc thiết thực cần làm nhưng không phải là việc buộc ta cứ mãi nghĩ suy. Mà cái suy nghĩ trọng tâm nhất nên là: Sớm tạo cho mình một nghề nghiệp phù hợp với khả năng, để gắn bó với mưu sinh. Một khi đã trưởng thành vào đời mà còn mãi ăn bám, không nuôi được thân thì nói chi đến chuyện “văn minh xã hội”, lấy gì đòi thay đổi thế giới ngày mai?
Mục tiêu theo đuổi phải được lấy ra từ chính cuộc sống và được thừa nhận từ cuộc đời thực mà ta đang sống, chứ không phải do các triết gia hay các lý thuyết gia đề ra, để rồi cứ mãi khăng khãng bám lấy định kiến “phải nghĩ to, phải lo làm nhỏ”. Nhỏ nhỏ hay to to, đó là tự mình trói mình vào vòng luẩn quẩn, mơ hồ với nhỏ nhỏ to to…
Tóm lại, việc làm thiết thực hơn cả là trang bị cho mình sự hiểu biết, hành trang tối thiểu để bảo vệ mình. Trong đó, bước đầu là sớm tạo cho mình một nghề nghiệp phù hợp với khả năng. Có nghề, có tương lai. Đó là biết tự thương mình, có đủ khả năng lo cho mình, để rồi thể hiện yêu thương với những người xung quanh bằng những việc làm thực tế.
Chúng ta chưa thể hoặc không bao giờ có thể học hết tất cả để trở thành người hoàn hảo, luôn hạnh phúc. Thay đổi thế giới ngày mai sao? Ừ, để mai tính! Còn bây giờ, hãy tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà xác định mục tiêu cụ thể, thiết thực nhất để có thể thích ứng với cuộc đời. Dù là nam hay nữ, có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính.
Trương Chí Thông (hieuhoc_hieuhoc.com).