Có nên đối xử với nhà giáo như nhân viên công ty?

Bộ GD-ĐT gần đây cho biết sẽ thí điểm chuyển biên chế trong các cơ sở giáo dục công lập sang chế độ giáo viên hợp đồng.

Có hai luồng ý kiến trái ngược. Bên ủng hộ cho rằng cơ chế linh hoạt giúp tạo ra cạnh tranh và thúc đẩy sự học hỏi tiến bộ. Bên lo lắng vì cơ chế hợp đồng không có sự bảo đảm an toàn về việc làm cho giáo viên trong bối cảnh “chạy việc” khá phổ biến. Họ e ngại điều này sẽ trao quyền tuyệt đối cho hiệu trưởng, vốn đã quá lớn hiện nay.

Công chức, viên chức, hợp đồng?

Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và Luật Lao động cho biết, chỉ công chức mới được bổ nhiệm qua thi tuyển căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, chỉ tiêu và biên chế của cơ quan nhà nước/đơn vị sự nghiệp công lập. Viên chức được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng có thời hạn/không thời hạn, cũng giống như người lao động trong các doanh nghiệp. Công chức viên chức được trả lương từ ngân sách hoặc quỹ lương của đơn vị. Người lao động thì do chủ sử dụng tuyển dụng và trả lương. Về bảo hiểm xã hội và hưu trí, cả ba loại đều theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Bảng tóm tắt sau đây nhằm làm rõ những điểm khác nhau của ba loại lao động trên.

Hiện nay, ở các trường tư, giáo viên đã làm việc theo hợp đồng, không khác các doanh nghiệp. Ở các trường công lập, chỉ còn hiệu trưởng là công chức.

Ở bậc Đại học, Trưởng phó khoa và trưởng đơn vị có thể là công chức. Còn lại giảng viên, nhân viên tất cả đều là viên chức và làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn.

Khái niệm “biên chế” như ta thường hiểu xưa nay, là một chỗ làm suốt đời và không thể mất việc trừ khi vi phạm nghiêm trọng.

Nhưng từ khi có Luật Viên chức, biên chế đã không còn áp dụng cho giáo viên mà chỉ còn áp dụng cho công chức. Thay đổi sắp tới nếu có, là chuyển giáo viên ở các trường công từ viên chức sang hợp đồng, xét về quyền lợi của người lao động không phải là thay đổi quá lớn.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ có vậy.

Lợi và hại

Những điểm hữu ích của việc chuyển giáo viên sang hợp đồng lao động đã được nhiều người đề cập: tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh giữa khu vực trường công và trường tư, tạo ra cơ chế trả lương linh hoạt, kích thích giáo viên học hỏi và nâng cao trình độ. Những điểm e ngại, ngoài nỗi lo mất việc của giáo viên, là biến hiệu trưởng thành người có quyền sinh quyền sát tuyệt đối trong trường, hạ thấp cả tư cách lẫn khả năng sáng tạo của giáo viên, biến họ thành con giun cái kiến trong trường.

Nhìn vào thực tế “chạy việc” của giáo viên hiện nay, những người không trong cuộc quả thật không tài nào hiểu được nghịch lý vì sao giáo viên phải mất một vài trăm triệu để nhận lấy một việc làm với đồng lương (chính thức) quá thấp.

Dạy thêm và nhiều bất cập khác là lý do tồn tại của hiện tượng ấy. Chuyển tất cả giáo viên sang hợp đồng thay cho viên chức liệu có xóa bỏ được những bất cập ấy?

Đằng sau viên chuyện viên chức hay hợp đồng, có hai vấn đề rất quan trọng. Một là cơ chế cấp ngân sách cho các trường, hai là vấn đề bổ nhiệm hiệu trưởng.

Ở các trường phổ thông công lập hiện nay kinh phí trả lương vẫn là từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, vì thế số lượng giáo viên của mỗi trường cũng phải hạn chế theo quy định của Điều lệ. Nếu cơ chế cấp ngân sách và cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng vẫn như hiện nay, thì những lo ngại về việc trao quá nhiều quyền cho hiệu trưởng là có lý, và không chắc việc chuyển sang cơ chế hợp đồng có mang lại những kết quả tích cực như mong đợi.

Nếu ngân sách chuyển sang cấp một khoản trọn gói dựa trên hợp đồng giao nhiệm vụ và trao cho hiệu trưởng quyền điều phối từ việc định biên đến tuyển dụng lao động, thì việc chuyển giáo viên sang hợp đồng thay cho viên chức mới có ý nghĩa. Tuy vậy, mặt trái của việc này là, chúng ta đang khiến các trường công hoạt động gần giống những doanh nghiệp nhà nước, trong đó giáo viên được xem như công nhân, hay người làm thuê.

Thực tế hiện nay đang có những giáo viên hợp đồng được trả lương theo giờ, đối với các môn thiếu cục bộ như thể dục, mỹ thuật, nhạc, tin học, ngoại ngữ. Họ là người làm thuê thực sự, tức là hết giờ thì về, không quan tâm tới bất cứ vấn đề nào khác trong trường, cũng không quan tâm tới học sinh và những vấn đề ngoài lớp học.

Liệu có ổn trong cách tổ chức nhà trường như vậy? Liệu chúng ta có nên xem nghề giáo như mọi nghề nghiệp khác, và đối xử với họ giống như công nhân hay nhân viên các công ty, doanh nghiệp, hay đó là một nghề nghiệp cao quý đặc biệt cần phải đối xử khác?

Câu trả lời theo chúng tôi là có và không

Một mặt, chúng ta nên coi nghề giáo là một nghề nghiệp như mọi nghề nghiệp khác. Nó đòi hỏi sự chuyên nghiệp, sự học hỏi không ngừng và phải chấp nhận sự đào thải. Nghề giáo không cao quý hơn bất cứ nghề nào khác, vì tất cả mọi công việc đem lại lợi ích tích cực, chính đáng cho xã hội và cá nhân, đều cao quý như nhau.

Tuy nhiên, nghề giáo và môi trường học đường có những đặc thù đòi hỏi phải có cách tổ chức phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất.

Nghề giáo đòi hỏi các thầy cô giáo phải tận tâm và chủ động, sáng tạo, vì đó là môi trường dạy người. Công việc thực sự của các thầy cô giáo không chấm dứt sau giờ lên lớp và không chỉ ở trong lớp học. Vì thế, nếu thầy cô giáo lao động giống như công nhân, lên lớp và giảng bài như một cái máy, hết giờ là về, thì ta có thể hình dung được kết quả giáo dục sẽ như thế nào.

Nhưng điều này không có nghĩa là các thầy cô giáo nên có biên chế bảo đảm chỗ làm suốt đời.

Chế độ làm việc của các thầy cô giáo phải được nhìn trong tương quan với lợi ích của học sinh. Đặc thù công việc của nghề giáo chỉ có nghĩa là, các thầy cô giáo cần có một khoảng không gian tự do nhất định để thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, và nhà trường cần tuyển được những giáo viên có đủ năng lực sử dụng khoảng không gian tự do ấy cho mục tiêu giáo dục đã định.

Để có thể thực hiện được vai trò giáo dục ấy, thầy cô giáo cần phải có tiếng nói quan trọng trong nhà trường, đặc biệt là trong việc tuyển chọn hiệu trưởng.

Nói cách khác, quyền lực của hiệu trưởng và giáo viên phải được cân bằng, thông qua hội đồng sư phạm do giáo viên bầu chọn. Hội đồng sư phạm cần có tiếng nói trong việc đánh giá và lựa chọn hiệu trưởng, cùng với hội đồng trường, hội đồng phụ huynh và cơ quan cấp trên. Còn hiệu trưởng thì có quyền quyết định đánh giá và tuyển dụng với cá nhân từng giáo viên, dựa trên các chuẩn mực và yêu cầu công việc trong hợp đồng.

Vấn đề là, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước ai? Hiện nay, hiệu trưởng hầu như chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên đã bổ nhiệm họ, mà không có cơ chế giải trình trách nhiệm của họ với giáo viên và phụ huynh.

Chính vì thế, cải cách chế độ làm việc (trong đó có thu nhập) của giáo viên phải gắn liền với cải cách cơ chế bổ nhiệm hiệu trưởng, dựa vào hội đồng trường, hội đồng sư phạm, và hội đồng phụ huynh, nhằm cân bằng tiếng nói các bên và hài hòa lợi ích của các bên.

·TheoPhạm Thị Ly (Tiền Phong)

Bài liên quan

Điểm nghẽn trong cơ chế tài chính giáo dục đại học

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam, phải tiến hành đổi mới đồng bộ mô hình quản trị và cơ chế tài chính. Một nền GDĐH dù được thiết kết và quản trị tốt đến mấy nhưng nếu không đủ nguồn lực tài chính hoặc nguồn lực không được phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả thì nền GDĐH cũng không thể tạo được những đột phá về chất lượng.

Cùng chuyên mục