Cơ hội việc làm ngành luật thương mại và luật quốc tế khác nhau như thế nào? (Trần Thị Thu Trang, THPT Sông Ray, Đồng Nai)?
Th.S Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM:Hiện tại Đại học Luật TP.HCM đang đào tạo 3 ngành: Luật, Quản trị – Luật và Quản trị kinh doanh. Trong đó, ngành Luật được xác định là chủ đạo của trường, và từ năm 2012 nhà trường không còn phân chuyên ngành Thương mại hay Quốc tế như trước mà chỉ phân khoa để quản lý sinh viên (khoa Luật Thương mại, khoa Luật Quốc tế…).
Do đó, sinh viên ngành Luật khi tốt nghiệp ra trường đều được cấp bằng Cử nhân Luật (dù học khoa Luật Thương mại, Quốc tế hay Hình sự) và cơ hội việc làm như nhau. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng nhân sự, có thể đơn vị tuyển dụng có yêu cầu hay ưu tiên sinh viên tốt nghiệp khoa này hay khoa khác tùy vào vị trí, yêu cầu mang tính chủ quan của nhà tuyển dụng nhưng điểm chung đều là tuyển những người có bằng cử nhân Luật.
Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Luật hiện tại rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật có thể công tác tại các cơ quan như: Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; Hội đồng nhân dân, UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp; Công an, Thanh tra, Thi hành án; Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Sở Tài nguyên – Môi trường, Cục Thuế, Hải quan, bộ phận pháp chế hoặc nhân sự trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước; làm luật sư tư vấn cho các công ty Luật, Văn phòng luật sư; hoặc làm công tác nghiên cứu trong các Viện Nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật, Viện Kinh tế…
* Hiện nay ngành Luật nào có nhu cầu việc làm nhiều nhất? Chỉ tiêu và điểm chuẩn ngành này các năm trước có cao không? (HS Bình Thuận).
– Th.S Lê Văn Hiển:Kể từ kỳ thi tuyển sinh năm 2012, nhà trường không còn phân chuyên ngành mà chỉ tuyển sinh theo ngành và khối thi.
Về nhu cầu việc làm, do không phân theo chuyên ngành trong quá trình tuyển sinh và đào tạo nên khi khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường chỉ khảo sát tổng quan về nhu cầu của nhà tuyển dụng, về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ngành Luật, chứ không khảo sát về nhu cầu tuyển dụng riêng cho từng chuyên ngành (Thương mại, Dân sự, Quốc tế, Hành chính, Hình sự). Do vậy, sinh viên ngành Luật khi tốt nghiệp ra trường được cấp bằng Cử nhân Luật và hoàn toàn có cơ hội việc làm như nhau ở các lĩnh vực cũng như các vị trí tuyển dụng.
Về chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Luật học năm 2012 (để tham khảo) là 1.300 sinh viên. Điểm chuẩn trúng tuyển theo nguyện vọng 1 của ngành Luật năm 2012 là: Khối A và A1: 17,5 điểm, Khối D1 và D3: 18,0 điểm, Khối C: 19,0 điểm; Riêng lĩnh vực chuyên sâu Luật Thương mại có mức điểm chuẩn là: Khối A1: 19,0 điểm, Khối A: 19,5 điểm, Khối D1 và D3: 20,5 điểm, Khối C: 21,0 điểm.
* Điều kiện và chỉ tiêu vào Đại học Luật là gì? (Đặng Thị Thảo,Xuân Lộc, Đồng Nai).
– Th.S Lê Văn Hiển:Do câu hỏi của em chưa được rõ ý (vào Đại học Luật mà không nói học ngành gì hay chỉ tiêu là chỉ tiêu của ngành nào), nên chúng tôi chỉ có thể trả lời trong phạm vi điều kiện và chỉ tiêu vào học tại Trường Đại học Luật TP.HCM.
Về điều kiện để được vào học tại Trường Đại học Luật TP.HCM, em phải trúng tuyển hoặc được xét tuyển, ưu tiên xét tuyển theo quy định. Cụ thể, phải đáp ứng điều kiện về đối tượng dự thi hoặc đối tượng được xét tuyển, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Nếu em tham dự kỳ thi tuyển sinh phải đáp ứng được điều kiện về điểm chuẩn trúng tuyển của ngành dự thi, còn nếu là đối tượng được xét tuyển (thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết của Chính phủ) hoặc ưu tiên xét tuyển (đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) thì phải đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển vào đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Về chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 của Trường Đại học Luật TP.HCM: dự kiến1.500 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Luật: 1.300 chỉ tiêu, ngành Quản trị – Luật: 100 chỉ tiêu và ngành Quản trị kinh doanh: 100 chỉ tiêu.