Đã qua rồi cái thời vàng son khi CNTT luôn đứng trên top đầu các ngành nghề danh giá. Thị trường nhân lực CNTT có vẻ như bão hòa và dần bớt sôi động sau những xô bồ về đào tạo tràn lan, rồi chất lượng thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Qua rồi thời “vàng son”
Để biết tại sao ngành nghề IT không còn “hot” nữa thì cách dễ nhất là nhìn vào lượng đăng ký thí sinh đầu vào. Năm tuyển sinh 2008, tuy chưa đến nỗi “thất sủng” nhưng số lượng đăng ký dự thi ngành CNTT cũng không cao so với các năm trước đây. Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT, đơn vị vừa tổ chức kì thi sơ tuyển với sự góp mặt của gần 10.000 thí sinh ưa thích ngành CNTT, thì nguyên nhân này chủ yếu là do các trường đã đào tạo quá tràn lan và chạy theo mốt trong những năm trước mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo và nhu cầu đầu ra của xã hội.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phong thì điều này không có nghĩa là ngành CNTT kém hấp dẫn. Nó chỉ phản ánh một thực tế rằng các phụ huynh và thí sinh đã thực sự quan tâm đến vấn đề chất lượng, đào tạo thực chất để đáp ứng nhu cầu xã hội. Họ đã dần loại bỏ các lựa chọn đăng ký vào những cơ sở đào tạo không chuyên sâu hoặc chưa đủ chất lượng. Theo ông Phong thì đây là sự điều tiết lành mạnh của cơ chế thị trường trong giáo dục. Có như vậy các cơ sở đào tạo mới có nỗ lực cao nhất để hoàn thiện mình và tập trung đào tạo, phát huy hết những gì là thế mạnh của mình.
Nhu cầu vẫn rất lớn
Cũng vẫn đề cập tới chuyện đăng ký dự thi vào ngành CNTT trong năm tuyển sinh vừa qua, tuy nói là giảm nhưng nhìn vào chỉ tiêu và “tỉ lệ chọi” của phần lớn các trường đào tạo đơn ngành, chuyên về CNTT và một số trường đào tạo đa ngành trong đó có ngành CNTT phần nào vẫn cho thấy sức hút của ngành này còn cao.
Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay và cơ hội cho các bạn trẻ trong ngành này là rất lớn. Theo nhận định của giới chuyên gia, nhu cầu nhân lực CNTT có trình độ trong vòng 10 năm tới sẽ tăng gấp hàng chục lần để đáp ứng nguồn cung cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia và các khách hàng toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia thì việc đào tạo CNTT tại Việt Nam sẽ còn rất lâu nữa mới đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của ngành CNTT Việt Nam, cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì sao ư? Có tới 60%, thậm chí là 80-90% sinh viên CNTT ra trường phải đào tạo lại (số liệu được công bố tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT theo nhu cầu của xã hội” tổ chức ngày tháng 1/2008 ở Đà Nẵng). Thử hỏi với một chất lượng đào tạo bất cập như vậy thì việc cho ra những sinh viên có đủ khả năng đi làm ngay vẫn còn là câu chuyện thời gian. Ngay cả với tập đoàn Intel mới đây khi tìm kiếm nhân lực cho nhà máy sản xuất chip đang xây dựng tại Việt Nam cũng lâm vào tình trạng “đốt đuốc tìm người”, bởi nhu cầu thì lớn nhưng số người đạt trình độ vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lại chuyện “cơm áo”
Xét trên mặt bằng chung hiện nay thì một sinh viên CNTT mới ra trường cũng chỉ kiếm được những công việc có mức thu nhập khoảng 2 – 2,5 triệu đồng/tháng. Đó là mức chung mà các doanh nghiệp ngoài trả, còn với các doanh nghiệp nhà nước mà người ta hay gọi với cái tên “công chức CNTT” thì số thu nhập đó còn ít hơn.
Cách tính lương cho nhân viên tin học ở cơ quan nhà nước chủ yếu là lương ngân sách theo hệ số. Với nhân viên vừa ra trường là mức 540.000 đồng x hệ số 2,34. Nếu không có gì đột biến, cứ ba năm được tăng lương một lần. Trong khi đó, mặt bằng thu nhập chung tại các doanh nghiệp ngoài lại cao hơn nhiều.
Chẳng hạn như tại Công ty phần mềm Vietsoftware, mặt bằng lương kỹ sư CNTT mới ra trường là 3 triệu đồng/tháng. Sau đó, trung bình một năm thu nhập của họ lại tăng thêm 15-20%. Những người giỏi thì lương có thể tăng gấp rưỡi sau một năm. Còn tại Tập đoàn CMC, bình quân lương kỹ sư CNTT là 5 triệu đồng. Những kỹ sư CNTT mới tốt nghiệp là 3 triệu, sau đó mỗi năm lại có hai đợt xét tăng lương.
Cứ nhìn vào mặt bằng thu nhập trên người ta không khó để nhận ra rằng tìm được một việc làm đúng chuyên môn và lại thỏa mãn về thu nhập tại các cơ quan nhà nước là việc cực kỳ khó. Nhiều khi đó không hoàn toàn là chuyện thu nhập mà còn ở chính sách đãi ngộ, sự coi trọng và bố trí công việc hợp lý.
Các nghề IT “hot”
Nếu có chuyên môn cao thì thu nhập trong ngành CNTT không phải là thấp. Vấn đề ở chỗ họ có làm đúng chuyên môn và làm tại đâu mà thôi. Sau đây là một số ngành nghề IT có thu nhập tương đối khá hiện nay, và khá hấp dẫn cho các kỹ sư CNTT.
* Kỹ sư phần mềm: Mức lương mà các kỹ sư phần mềm nhận được so với một số ngành nghề khác là từ 1.000 – 1.500 USD/tháng. Với những người ở vị trí giám sát, mức lương từ 3.000 USD – 4.000 USD/tháng. Dự kiến đến năm 2010, chỉ riêng ngành phần mềm Việt Nam sẽ cần 8.000 kỹ sư.
* Kỹ sư kiểm tra chất lượng (Tester): Mức lương mà các tester nhận được dao động từ 400 – 700 USD/tháng. Còn với những người có tay nghề, mức lương có thể dao động lên đến 1.000 USD/ tháng. Nghề kỹ sư kiểm tra chất lượng (Quality Control Engineer – QCE hay tester) đã khá phổ biến tại Việt Nam và có sức hút đặc biệt với giới nữ. Họ là người kiểm lỗi phần mềm, nghĩa là kiểm tra chất lượng phần mềm nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của khách hàng trong quy trình sản xuất.
* Kỹ sư hệ thống: Mức lương của kỹ sư hệ thống dao động từ 500 – 1.000 USD/tháng. Công việc chủ yếu là thiết kế, triển khai, bảo trì các hệ thống mạng.
* Quản trị mạng: Thu nhập bình quân 400 – 700 USD/tháng; còn những người trình độ cao thì có thể lên tới 1.000 – 1.200 USD/tháng. Công việc chủ yếu là thiết lập các thông số mạng, thiết lập hệ thống mạng, duy trì hiệu suất vận hành mạng.
* Lập trình viên: Thu nhập bình quân đối với lập trình viên mới ra trường là 300 – 500 USD/tháng; còn ở mức chuyên gia thì mức lương có thể lên tới hàng nghìn USD. Công việc chủ yếu là làm ra các phần mềm hoặc chỉnh sửa, phát triển phần mềm dựa trên các công cụ lập trình.
Nguồn: Vnmedia