Amazon đang cần gần 600 nhân sự ngành Toán, Intel cần hơn 700 người, cá biệt có IBM đăng hơn 900 vị trí săn tìm dân Toán. Với những tập đoàn khổng lồ này, việc mở rộng hoạt động đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng dân học Toán tăng cao, và việc săn tìm những nhân sự Toán giỏi nhất chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ giữa các tập đoàn lớn trên thế giới không chỉ là cuộc cạnh tranh về công nghệ, mà còn là cuộc chạy đua để tuyển dụng nhân sự. Facebook, Google, Amazon, Intel, IBM hay Microsoft đều thường trực có hàng chục đến hàng trăm vị trí săn tìm dân học Toán.
Điều này không có gì lạ, khi điện toán đám mây, dữ liệu lớn, và các thiết bị thông minh đã trở thành những cụm từ quen thuộc. Những tập đoàn công nghệ khổng lồ của thế giới như Google, Facebook, Amazon v.v… cũng đều được sinh ra, hoạt động và cải tiến nhờ những thuật toán phức tạp. Ngay cả những tập đoàn như Boeing cũng cần hàng trăm nhân sự ngành Toán mỗi năm để phát triển các mô hình máy bay dựa trên sự tính toán quỹ đạo và dịch chuyển của dòng khí.
Nói một cách hình tượng, thuật toán và toán học đã thông qua công nghệ gây ảnh hưởng lớn đến thế giới. Top 10 công ty hàng đầu thế giới luôn có những vị trí dành cho người học ngành Toán. Cùng một thời điểm, trang tuyển dụng của IBM đăng tuyển 900 nhân sự ngành Toán. Amazon cần 586 vị trí tương tự. Con số này trên trang của Intel là 727, của Microsoft là 140.
Tuyển dụng dân Toán, làm chủ được thuật toán, các “ông lớn” sẽ chủ động việc tối ưu hóa công nghệ và liên tục đưa ra được những sản phẩm mới với tính năng độc đáo. Cuộc đua ngầm giữa các “ông lớn” để chiêu mộ được những nhân sự ngành Toán tốt nhất luôn diễn ra khốc liệt, nhưng cũng âm thầm trong địa hạt của dân Toán.
Do đó, dù là mảnh đất màu mỡ để xây dựng sự nghiệp nhưng Toán học vẫn là cái tên xa lạ trong tâm trí người dân bình thường. Ở Việt Nam việc học Toán và làm việc ở những công ty toàn cầu còn xa lạ hơn. Không ít học sinh chuyên Toán phổ thông đã quyết tâm chuyển ngành khi lên đại học, không tiếp tục theo đuổi nghiên cứu Toán học vì nghĩ rằng không có tương lai.
Thực tế, dân Toán không chỉ có cơ hội vàng được gia nhập các tập đoàn lớn mà còn có điều kiện nghiên cứu sâu và phát triển rộng trong lĩnh vực của mình. Ông chủ Microsoft Bill Gates từng là học sinh chuyên toán. Năm thứ 2 đại học, Bill Gates đã tự nghiên cứu thuật toán và giải được “bài toán bánh kếp” – một trong những vấn đề chưa tìm được câu trả lời, nêu ra trong lớp toán tổ hợp của GS. Harry Lewis, thầy giáo của ông. Sau này, Bill Gates đã vận dụng tư duy toán học của mình vào việc điều hành, phát triển Tập đoàn Microsoft và trở thành một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới.
Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google cũng là “dân chuyên Toán” với bằng cử nhân tại Đại học Maryland và bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford. Cùng với người đồng chí hướng Larry Page, Sergey Brin đã vận dụng rất nhiều thuật toán vào việc xây dựng mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới cùng những sản phẩm sau này như Google Mail, Google Map… được cả thế giới ưa chuộng. Năm 2010, ông trở thành một trong 20 người giàu nhất thế giới (Theo Forbes). Thế giới còn nhiều tỷ phú – nhà toán học khác Steve Ballmer (Giám đốc điều hành Microsoft), James Harris Simons…
Tại Việt Nam, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp có tiếng hiện nay cũng xuất thân từ sinh viên chuyên Toán tại các trường đại học trong và ngoài nước.
Cuộc đua giữa các “ông lớn” doanh nghiệp đã tạo ra môi trường thuận lợi để dân Toán có “đất” phát triển đam mê. Điều này trông đợi sẽ góp phần mở ra xu thế đào tạo mới, giúp các cơ sở giáo dục đại học thay vì chỉ tập trung đào tạo các ngành mang lại lợi ích nhanh, sẽ dần chuyển dịch sang các ngành khoa học cơ bản và giàu tương lai như Toán học.
Một số học bổng hấp dẫn dành cho sinh viên ngành Toán năm học 2017 – 2018:
Học bổng toàn phần Ngô Bảo Châu – Đại học FPT, Việt Nam
Trị giá: toàn bộ học phí và chi phí ăn ở tại Đại học FPT Hòa Lạc
Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Toán – Trung tâm Lebesgue, Pháp
Trị giá: 10.000 Euro trong tối đa 2 năm
Học bổng toàn phần ngành Toán – Đại học UCLA, Mỹ
Trị giá: toàn bộ học phí, chi phí ăn ở tại Đại học UCLA
Theo: Cuộc đua ngầm của các “ông lớn” thế giới nhằm hút dân Toán. – Ngọc Trâm (Giáo dục/DT)