(hieuhoc_hieuhoc): Thay đổi mình để tìm kiếm những con đường đi mới, để theo đuổi đam mê, sở thích và nhất là khẳng định bản thân là xu hướng của thế hệ 8x. Đó phải chăng là lý do để cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Vân dũng cảm từ bỏ ngành sư phạm sau suốt 4 năm gắn bó để trở thành một web-designer. Với quyết tâm phải có bằng được câu trả lời, chúng tôi đã tìm gặp và có một cuộc tâm sự hết sức thú vị, sôi nổi cùng nhân vật chính.
PV: Vân thân mến, bạn có thể bật mí đôi chút về chất xúc tác đã khiến một cô giáo “bén duyên” với nghề thiết kế web nhanh đến thế hay không?
Nguyễn Thanh Vân: Thực ra, từ bé Vân đã rất thích vẽ rồi. Nhìn bức tranh nào, mình cũng muốn được sửa lại nó cho đẹp hơn. Nhưng sau này, khi trở thành sinh viên sư phạm, Vân chẳng bao giờ nghĩ công việc của mình sẽ liên quan đến đồ họa. Thế nên, Vân đã trở thành cô giáo dạy Lý.
Nhưng thật tình cờ, có lần, Vân đọc được thông tin trên báo Lao động về một lớp học thiết kế đồ họa do FPT Arena tổ chức. Máu “liều” cộng với máu yêu mĩ thuật nổi lên nên chẳng suy nghĩ nhiều, mình đi đăng kí học. Không ngờ, càng học, càng tìm hiểu về thiết kế web, mình càng thấy hợp và thấy yêu nó hơn. Và rồi, quyết định trở thành một web designer.
PV: Theo Vân có độ chênh giữa những kiến thức được học với những trải nghiệm thực tế hay không? Và, những đặc trưng nổi trội gì của nghề thiết kế web là gì?
Nguyễn Thanh Vân: Vân biết, độ “chênh” mà bạn vừa nói đến là điều rất thường thấy khi chúng ta áp dụng lí thuyết vào thực tiễn. Tuy nhiên, khái niệm này hoàn toàn “miễn dịch” với lĩnh vực thiết kế web. Vì ngay khi được đào tạo ở FPT-Arena, chúng mình đã được thực hành và làm việc với máy rất nhiều.
Theo Vân, tất cả các lĩnh vực đồ họa đều đòi hỏi phải không ngừng sáng tạo và update liên tục. Nhưng riêng đối với thiết kế web thì yêu cầu này bức thiết hơn rất nhiều vì trong 24h có hàng trăm nghìn trang web được ra đời và sự đào thải những trang web không hợp thời. Nếu như một vài năm trước, cư dân mạng có thể bằng lòng với một website tĩnh, với mấy cái tab để ngay ngắn đâu đó thì bây giờ cư dân mạng cần sự sinh động hơn, muốn tương tác nhiều hơn với website, giống như một thứ đồ trang sức lấp lánh đâu đó cho bắt mắt ^^.
PV: Vân đánh giá thế nào về mức độ khó, dễ của ngành này?
Nguyễn Thanh Vân: Theo Vân nghĩ, “dễ” nghĩa là bạn nào đam mê thì thấy nó hấp dẫn và từ đó sự yêu thích giúp mình thực hiện công việc dễ dàng hơn. Nghề nào cũng có cái khó của nó. Đối với công việc thiết kế web thì khó khăn chính xuất phát từ yêu cầu phức tạp của công việc đối với người trong nghề.
Trong thời đại “Web 2.0” hiện nay, một web deisgner đúng nghĩa không chỉ đơn giản biết sử dụng Photoshop và Dreamweaver, mà còn phải am hiểu rất nhiều thứ khác (Web Standards, CSS, JavaScript, DOM, Usability, SEO, Flash, Typography).
Thường khi tạo ra một website bao giờ cũng có hai phần: Thiết kế và Lập trình. Có thể hiểu thiết kế là cái áo, còn lập trình là khung để cái áo có thể treo vào. Không thể thiếu được hai phần, tuy nhiên để thiết kế tốt thì người thiết kế nên biết những kiến thức cơ bản nhất của lập trình.
PV: Thế còn về những nét hấp dẫn của ngành này thì sao?
Nguyễn Thanh Vân: Với Vân, mỗi khi bắt tay vào việc là lại thấy mình bị “hút” ghê lắm. Công việc này không chỉ giúp mình được tự do làm thiết kế mà gần hơn là nó tự tạo cho mình một cái theme blog. Với ngành này, mình cũng có thể thường xuyên tự trau dồi kiến thức thông qua các trang web, mà trong thế giới mạng thì có đến hàng triệu trang web, chỉ sợ không có thời gian mà xem thôi.
PV: Nếu được hỏi về những cơ hội trong lĩnh vực thiết kế web, Vân sẽ nói gì?
Nguyễn Thanh Vân: Rất nhiều cơ hội sẽ mở ra nếu bạn thực sự có niềm yêu thích công việc. Cơ hội việc làm không thiếu, nhà tuyển dụng sẽ gõ cửa nhà bạn bất cứ lúc nào. Và nếu bạn làm tốt thì không có gì phải lo lắng về chế độ lương bổng cũng như sự thăng tiến.
PV: Bật mí một chút về lương của bạn?
Nguyễn Thanh Vân: Khởi đầu “lìu tìu” thôi, chỉ 250 USD/tháng…
PV: Vân nghĩ sao về tương lai phát triển ngành thiết kế web của Việt Nam?
Nguyễn Thanh Vân: VN đang phát triển, các trang web của VN đang cần những thiết kế website thực sự. Tuy nhiên, trước thị trường đang “khát” nhân lực như hiện nay thì nước ta vẫn chưa có được một đội ngũ thiết kế web được đào tạo chuyên nghiệp. Như một anh bạn của Vân tuyển thiết kế web site, qua 40 hồ sơ thì chỉ lọc ra được khoảng 10 hồ sơ. Khi 10 “nhà thiết kế” đến dự tuyển thì 6 người là “ba lăng nhăng”, 4 người còn lại cũng bị “out” ngay sau đó vì mấy cái thiết kế mà họ gửi là những templates có sẵn trên mạng được down về và sửa lại.
PV: Trong mùa tuyển sinh, rất nhiều các bạn trẻ còn đang phân vân không biết lựa chọn ngành học nào phù hợp. Vân có lời khuyên nào dành cho các bạn ấy không?
Nguyễn Thanh Vân: Vân nghĩ trước hết các bạn phải biết được sở thích của mình là gì. Vì có thích thì mới học và làm được. Nếu bạn nào có khiếu mĩ thuật một chút, yêu công nghệ một chút, Vân nghĩ các bạn ấy nên suy nghĩ về ngành học thiết kế web xem sao. Bởi, ngành này luôn có “đất” để các bạn trẻ bộc lộ và khẳng định mình nếu bạn thật sự yêu nó.
PV: Cảm ơn Vân đã chia sẻ cùng bạn đọc!
Box thông tin: Tiếng nói của người trong cuộc
Trần Quang Duy- web designer Dự án ViSky (FPT): Trong xu thế hội nhập, bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào cũng cần có một website – phương tiện quảng bá rất hiệu quả và ít tốn kém nhất hiện nay. Tuy nhiên, đơn vị cần phải có những nhân viên giỏi về web! Họ không chỉ biết cách thiết kế trang web sao cho đẹp, hấp dẫn, mà còn phải có kiến thức về lập trình trên môi trường web, duy trì website họat động ổn định, hiệu quả và nhất là không để kẻ xấu xâm nhập gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Phạm Quốc Định- web designer Dự án ViSky (FPT): Quy trình để thiết kế một trang web là phải lên form, lay out để thiết kế giao diện, sau đó lập trình, thử test, thử trên các nền xem có phù hợp không. Các lỗi được phát hiện sẽ được nhanh chóng báo lại và có cách khắc phục nên tai nạn nghề nghiệp thường ít xảy ra. Quy trình thiết kế web thường do nhiều người, nhiều bộ phận chuyên môn đảm nhiệm. Một trang web cá nhân đơn giản có thể chỉ làm 1 tuần. Những trang web doanh nghiệp muốn thiết kế sẽ cần đến 1-6 tháng tùy theo yêu cầu công việc.
Nguyễn Trung Hiếu- web designer Dự án ViSky (FPT):Thiết kế web đòi hỏi sự tổng hợp rất nhiều kĩ năng như: Viết code, layout, chụp ảnh,…Đồng thời, nếu chệch 1mm đã có thể là sai sót lớn. Tiếp cận với công việc này, các bạn cần có một chút tỉ mỉ, ý thức tự giác, sự kiên nhẫn và có trách nhiệm. Gần đây, FPT Arena đã đẩy môn học thiết kế web từ kì 4 xuống kì 2 để tạo điều kiện cho nhiều học viên có thể vừa học vừa làm từ rất sớm. Nếu có chuyên môn, bạn cũng sẽ leo lên những vị trí cao rất nhanh. Ban đầu có thể chỉ là những web designer, nhưng sao đó bạn sẽ là những leader designer, hay cao hơn có thể đứng ra tự thành lập công ty chuyên về mảng này. Cơ hội là bất tận…
Hồng Trang – FPT Arena