Cô bé côi cút 7 năm liền là học sinh giỏi

Sinh ra, Hồ Thị Tuyết đã không biết cha mình là ai. 5 tuổi, người mẹ cũng dứt áo bỏ đi để lại Tuyết và em gái mới được 2 tuổi. Hai chị em sống cùng bà ngoại. Vượt lên khó khăn, 7 năm liền cô bé người dân tộc Ca Dong đều là HS giỏi.

Hai chị em là Hồ Thị Tuyết (học lớp 7/1, trường Phổ thông Dân tộc nội trú cùng em gái Hồ Thị Tuyên (học lớp 3/1, trường tiểu học Kim Đồng) là người Ca Dong thuộc nóc Tắk Chươm, thôn 1, xã Trà Mai (huyện vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam).

Ngôi nhà ba bà cháu nằm chon von trên một quả đồi thuộc nóc Tắk Chươm. Con đường mòn cỏ mọc ngút đầu gối người. Trong ngôi nhà Đại đoàn kết bằng gỗ do tập đoàn dầu khí Việt Nam tặng năm 2009 chẳng có gì giá trị ngoài những giấy khen, bằng khen về thành tích học tập của hai đứa cháu.

“Hai đứa nó học giỏi tôi mừng lắm. Năm nào, có giấy khen, bằng khen tôi cũng cũng ki cót, dành dụm mua bằng được cái quần hay áo mới để khích lệ chúng”, bà ngoại Đinh Thị Liên cho biết.

Ba bà cháu trước ngôi nhà chon von trên một quả đồi thuộc nóc Tắk Chươm, thôn 1, xã Trà Mai (huyện vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam).

Tuyết ứa nước mắt khi nghe bà tâm sự: “Em thương bà vất vả sớm hôm, nuôi chúng em từ khi còn nhỏ. Em luôn động viên em gái, ở nhà phải ngoan, nghe lời bà, phải học thật tốt để bà vui”.

Nghe cháu nói, bà Liên cũng không cầm được nước mắt, bà ôm hai đứa cháu vào lòng ngậm ngùi nói: “Hai đứa nó ngoan lắm. Con bé lớn (Tuyết) học ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện học cách nhà 3 km. Cứ chiều thứ 6 hàng tuần là về nhà thăm nhà. Nó về nấu ăn rồi giặt giũ quần áo cho tôi và em nó.

Ở trường, Tuyết là lớp phó học tập gương mẫu, năng nổ, luôn luôn đi đầu trong các phong trào của lớp, trường. Nói về cô học trò cưng, cô Hồ Thị Truyền (cô giáo chủ nhiệm) cho biết: “Tuyết đam mê học Văn, có giọng hát hay và thuyết trình rất là tốt. Em luôn luôn dẫn chương trình trong các hoạt động của trường và đạt nhiều giải thưởng: năm học 2010-2011, giải nhất hội thi thuyết trình văn học cấp trường, giải ba hội thi văn học cấp tỉnh; năm học 2011-2012, giải khuyến khích thuyết trình văn học cấp tỉnh, giải nhất thuyết trình văn học cấp trường”.

Thầy Lê Viết Khánh (phụ trách Tổng liên đội của trường) cho biết thêm: “Trong trường, hoàn cảnh học sinh Tuyết là khó khăn nhất trường. Cha, mẹ bỏ đi để em cùng em gái sống với bà ngoại. Nhưng kết quả học tập tại trường của em rất đáng tự hào. Kết thúc học kỳ II năm học 2011-2011, điểm học trung bình của em là 8,4. Em học giỏi toàn diện. Môn cao điểm nhất là Lịch sử 9,0”.

Thương bà, Tuyết tự hứa với lòng mình, sẽ đem thật nhiều điểm 9, 10 về cho bà xem. Sau này, Tuyết muốn học để làm cô giáo dạy Văn.

Không giấu nổi niềm vui, bà Liên hồ hỏi nói: “Tôi chỉ mong hai chị em nó học thật tốt. Tôi sẽ cho nó học tới cùng, để làm cô giáo”.

Nói là làm, bà Liên dành tất cả tình thương yêu cho hai đứa cháu gái bé bỏng. Bà lên nương lên rẫy làm quần quật để có gạo, sắn, ngô nuôi hai cháu lớn khôn.

Nguồn: vietbao

Bài liên quan

Gieo chữ trên chiếc xe lăn

Đã hơn 5 năm qua trên chiếc xe lăn cũ kỹ người thầy tật nguyền vẫn lặng lẽ dạy học cho những đứa trẻ nghèo quê mình như một việc làm bình dị để thấy mình vẫn còn có ích giữa cuộc đời này. Người mà chúng tôi nhắc đến là thầy Tư Trang (tên đầy đủ là Phạm Viết Trang, 41 tuổi, ở làng Gia Hội, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam).  

Cậu học trò người Dao khuyết tật hiếu học

  Tay trái khiếm khuyết, hai chân teo tóp, đi lại khập khiễng đi lại, cậu bé người Dao Triệu Lâm Cường (HS lớp 3A, Trường Tiểu học Hùng Vương, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) không đầu hàng số phận, vượt lên tật nguyền chăm chỉ đến trường học chữ.

Ước mơ của " đôi chân da cam "

Cương mơ được đi học ngành mà mình yêu thích là ngành công nghệ thông tin, được thỏa chí tò mà, và quan trọng hơn cả là được mọi người xem mình như một người bình thường…

Cùng chuyên mục