CIO – Giám đốc Thông tin: Nghề chưa được định danh.

CIO sẽ phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, cần nghiên cứu một đề án về chức danh này để tìm hiểu các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự về một chức danh như vậy hay không, nhân lực phụ trách vị trí này sẽ là ban lãnh đạo hay chỉ là tham mưu, cùng với trách nhiệm và quyền hạn của CIO.

Vai trò của các giám đốc thông tin (CIO)

Các nhà quản lý hệ thống thông tin

Vai trò của các giám đốc thông tin (CIO) trên thế giới ngày càng trở nên quan trọng trong các doanh nghiệp; họ trở thành các nhà lãnh đạo chiến lược thực sự, vượt ra khỏi khuôn khổ đơn thuần của vấn đề công nghệ. Trong khi đó, các CIO ở Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng cho mình trong guồng quay của nền kinh tế và cả sự thừa nhận của cộng đồng kinh doanh, bởi lẽ vai trò của họ thường bị hiểu lệch đi là người phụ trách về công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức và doanh nghiệp. (Minh họa: Khều).

Đầu năm 2007, Câu lạc bộ CEO & CIO (giám đốc điều hành và giám đốc thông tin) ra đời, đánh dấu một bước phát triển mới, nhưng mô hình hoạt động này vẫn chưa thể trở thành chiếc giá đỡ cho sự phát triển của chức danh CIO tại Việt Nam, vì phần lớn thành viên là các CEO hơn là những người chỉ làm về công tác CNTT.

Trong những năm gần đây, nhiều cuộc bình chọn CIO tiêu biểu đã được tổ chức, nhưng phần lớn những người được nhận giải lại là những chuyên gia về CNTT, những nhà lãnh đạo và có ảnh hưởng đến CNTT, chứ chưa phải là các CIO thực sự.

CIO – Chưa được định danh

Dường như chức danh CIO, theo một chuyên gia, vẫn chỉ là do trong giới tự phong cho nhau, ngầm mặc định với nhau mà thôi. Ồng Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đến nay vẫn chưa có văn bản nào của các cơ quan nhà nước quy định chức danh CIO cả. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng nhiều giải pháp CNTT, thì vai trò của CIO rất cần thiết và ông Lợi gọi đó là trường hợp “chuẩn mặc nhiên” (de facto standard) vì tuy chưa danh chính ngôn thuận, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp đã dùng.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT – Bộ Thông tin-Truyền thông, cho biết bộ đang nghiên cứu một đề án về chức danh này để tìm hiểu các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự về một chức danh như vậy hay không, nhân lực phụ trách vị trí này sẽ là ban lãnh đạo hay chỉ là tham mưu, cùng với trách nhiệm và quyền hạn của CIO.

Giới chuyên gia cũng nhận định rằng với những điều kiện thực tế, trào lưu CIO sẽ phát triển ở Việt Nam trong thời gian tới. Trước mắt, họ đề xuất rằng khi chưa có một chức danh chính thức được thừa nhận, có thể coi một số chức danh như các cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT hay giám đốc Trung tâm thông tin trong các bộ ngành, giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông các tỉnh, thành phố là các CIO trong các tổ chức nhà nước.

Còn trong các doanh nghiệp, tùy vào mức độ ứng dụng CNTT và quy mô hoạt động mà quyết định bổ nhiệm chức danh này hay không.

Theo ông Phúc, với mức độ ứng dụng CNTT ngày càng nhiều và càng sâu, thì CIO sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

Thế nhưng, trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác, điều cần thiết là phải xác định vai trò của CIO trong hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, vì mức độ ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp hiện nay chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm hơn 90% trong tổng số hơn 560.000 doanh nghiệp ở nước ta. Đó cũng là nguyên nhân mà CIO ở Việt Nam đang bị hiểu lệch thành người phụ trách CNTT.

Nhiệm vụ, quyền hạn của CIO tại các doanh nghiệp Việt Nam được đặt không đúng chỗ, dẫn đến hiện trạng là đội ngũ này đã ít lại ngày càng giảm đi, mà một phần nguyên nhân bắt nguồn từ những quan niệm, lề thói cũ. Một vị lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất kể rằng, các nhân viên trong công ty của ông thường phấn đấu trở thành một trưởng phòng xuất nhập khẩu hơn là thành một CIO, vì CIO thực chất chưa được định nghĩa rõ ràng và cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi.

Một thách thức khác đối với các CIO, theo các chuyên gia, đó chính là sự thay đổi về công nghệ đến chóng mặt trong thời kỳ hiện nay, cùng với đó là những đòi hỏi của thị trường ngày càng khắt khe hơn.

Môi trường kinh doanh cũng thay đổi theo chiều hướng cạnh tranh ngày càng cao, càng khiến cho CIO phải tỏ bản lĩnh hơn bao giờ hết vì vừa là người quản lý về CNTT, vừa hoạch định chiến lược kinh doanh.

Tiến sĩ Lê Viết Dũng, Giám đốc Trung tâm CNTT thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết ở Việt Nam hiện vẫn có rất ít người có thể đảm nhiệm công tác này trong các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, dù CIO đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhưng cũng chỉ mới ở trong công ty lớn, có định hướng phát triển bền vững.

“Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư cho những bộ phận có vị trí này và cả nhân lực cho vị trí này”, ông Dũng nói. Theo ông, CIO phải là người am hiểu hệ thống thông tin, tài nguyên thông tin của doanh nghiệp, có năng lực tổ chức hệ thống tài nguyên, số hóa và biết cách tổ chức để giới lãnh đạo và nhân viên tìm kiếm thông tin qua trang web, điện thoại di động… vốn là những điều mà phần lớn các doanh nghiệp và tổ chức ở trong nước còn thiếu.

Bắt đầu từ việc đào tạo

Một số cuộc nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy phần lớn các CIO ở Việt Nam, vốn không nhiều, không được đào tạo bài bản mà đi lên từ chuyên môn, nghiệp vụ và tự mày mò học hỏi. Chính vì thế, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng bài toán phát triển đội ngũ CIO cần phải bắt đầu từ công việc đào tạo, mà cụ thể là chương trình học, chứng chỉ và giáo trình, mà những bước đi cụ thể của Bộ Thông tin-Truyền thông cũng không nằm ngoài mục đích này.

CIO sẽ được đào tạo từ hai nguồn, một là đào tạo nhân sự mới, hai là bồi dưỡng chính các nhân viên hiện có. Theo giới chuyên gia, tìm CIO từ việc thuê nhân sự ở các công ty CNTT là không khả thi, vì nhân vật này phải là một người am hiểu văn hóa doanh nghiệp và nắm được mọi nguồn tài nguyên thông tin của chính doanh nghiệp đó.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Thông tin-Truyền thông đã bắt đầu hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để đào tạo khoảng 400 CIO cấp trung ương và địa phương từ nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 500.000 đô-la Mỹ. Theo tiến sĩ Phúc, đến nay chương trình đã đào tạo được hai khóa theo giáo trình của WB cung cấp và dự kiến đến tháng Bảy tới sẽ mở thêm một khóa mới, để bắt đầu đào tạo chính thức đội ngũ CIO cho các doanh nghiệp và tổ chức có nhu cầu.

Giữa tháng Tư năm nay, bộ đã cùng Trung tâm Đào tạo CNTT châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Kinh tế-Xã hội Liên hiệp quốc, ký kết chuyển giao chương trình đào tạo “Kiến thức CNTT thiết yếu cho các nhà lãnh đạo” nhằm cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho các nhà quản lý CNTT của cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Bộ giáo trình sẽ được dịch và công bố trên trang web của bộ để những người quan tâm có thể tiếp cận qua ba hình thức: theo học các khóa đào tạo trực tiếp, tải về từ mạng Internet hoặc mua đĩa DVD về tự học.

Cũng trong tháng Tư, bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ với Microsoft Việt Nam để thúc đẩy nền CNTT và truyền thông Việt Nam, trong đó Microsoft cam kết hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các nhà lãnh đạo CNTT của cơ quan chính phủ đồng thời hỗ trợ đào tạo khoảng 450 CIO trong vòng ba năm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Trong đề án đào tạo CIO của VCCI, ông Lợi đề xuất một quy chuẩn theo các cấp độ từ thấp đến cao ở các mức 1, 2 và 3. Với việc đào tạo nhân lực cho ngành CNTT từ thấp đến cao, mà ở mức 3 là các CIO thực thụ, ông Lợi khuyến nghị cần phải thực hiện thí điểm, rồi mở rộng theo trào lưu đưa chức danh này vào doanh nghiệp. Khi trào lưu trở nên phổ biến sẽ đề xuất Nhà nước công nhận chức danh này.

Theo ông Lợi, CIO phải là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà kỹ thuật thực thụ chứ không chỉ đơn thuần quản lý về mảng CNTT. Vì thế chương trình đào tạo mà ông đề xuất, với sự hợp tác của Bộ Thông tin-Truyền thông và WB, gồm năm phần, trang bị đầy đủ từ kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng công nghệ mới cho đến chính phủ điện tử và thương mại điện tử, quản lý đầu tư và cuối cùng là bảo đảm an toàn thông tin cho danh nghiệp.

Chẳng hạn, về mặt công nghệ, CIO phải là người hiểu biết được các công nghệ mới, những thách thức và cơ hội của công nghệ mới, và hơn ai hết, họ phải là người hiểu được cách thức ứng dụng vào doanh nghiệp hay tổ chức mình một cách phù hợp.

Tuy nhiên, đề cập đến câu chuyện đào tạo là nói đến việc chuẩn hóa văn bằng, chứng chỉ và sự công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế. Các chuyên gia trong ngành góp ý rằng, một khi chương trình đào tạo CIO được tổ chức, nhất thiết phải được quản lý tốt và phải được chuẩn hóa. Điều này đang đặt ra một số vấn đề, đơn vị nào sẽ đứng ra làm đầu mối quản lý, khi mà cả doanh nghiệp, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Giáo dục-Đào tạo, và cả VCCI cũng muốn tham gia công tác này.

Nâng cao năng lực CIO.

Trong những năm gần đây các tập đoàn CNTT lớn của Mỹ như Microsoft, Intel, IBM, Oracle và Cisco đều có các chương trình hợp tác đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực cấp cao cho ngành CNTT Việt Nam.

Theo Cục Ứng dụng CNTT thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông, đặc biệt trong vòng năm năm trở lại đây, việc hợp tác giữa Việt Nam và các tập đoàn CNTT của Mỹ phát triển mạnh, vì thế nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước đang dần được cải thiện thông qua việc học viên đạt được những chứng chỉ đào tạo có uy tín, được tuyển dụng vào những vị trí cao của các tập đoàn toàn cầu.

Theo: CIO – Anh ở đâu? (Phi Tuấn/TBVTSG)

Bài liên quan

Vai trò của các giám đốc thông tin (CIO)

Vai trò của các giám đốc thông tin (CIO) ngày càng cần được khẳng định, bởi chính họ là một trong những đội ngũ tiên phong cho nền kinh tế của thời đại mới.

Cội nguồn của CEO.

Trước khi bàn vê khả năng thi thố tài ba của các giám đốc điều hành (CEO) và môi trường hoạt động của họ, để nhận định cho đúng, xin được nhắc lại cội nguồn của CEO.

Những ngành nghề dễ tìm việc và có giá trong tương lai.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Băn khoăn lớn nhất của các bạn trẻ chuẩn bị vào đời là chọn cho mình ngành nghề nào dễ tìm việc và có giá trong tương lai. Vì thế, (hieuhoc_hieuhoc) tổng hợp những ý kiến từ các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm để các bạn tham khảo thêm về những ngành nghề dễ tìm việc, những ngành có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam trong tương lai như sau:

Những nghề căng thẳng và hấp dẫn.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây sự căng thẳng nghề nghiệp là do môi trường làm việc, sức ép thời gian, mức độ cạnh tranh, cơ hội thăng tiến… Mặc dù vậy, có một số nghề tuy căng thẳng nhưng vẫn được coi là những nghề hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là các bạn trẻ.

Các nhà quản lý hệ thống thông tin

Nhu cầu đặt ra đối với các tổ chức về việc kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ hiện hành và công nghệ mới trong tương lai đã trở thành một vấn đề nóng bỏng giữa các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trong vài năm qua.  Khi sự giao thiệp bằng điện tử đã trở nên thông dụng hơn thì các công ty sử dụng công nghệ như thế nào và khi nào đang là vấn đề gây nhiều tranh luận.

Cùng chuyên mục