Chuyện hướng dẫn viên du lịch bán hàng

(Hiếu học) Cách của người hướng dẫn viên du lịch này trước là chiếm được lòng tin, sau đó mới tiến hành buôn bán…

Cùng với xu thế của thế giới, ngày càng có nhiều sinh viên chọn lựa ngành du lịch và dịch vụ làm công việc gắn bó của mình. (Hình minh họa)

Đã đi du lịch khắp nơi trên thế giới nhiều lần, vợ chồng ông Vương chưa từng gặp một hướng dẫn viên du lịch nào mà lại thành thật như vậy, nên họ cảm thấy rất hài lòng.

“Cô ta không những không tiếp thị các đặc sản cho chúng ta, mà còn khuyên chúng ta không nên mua cái này cái nọ nữa, thật đáng quý!”, ông Vương nói với các ông bà bạn già của mình.

“Chẳng phải sao? Lần trước đến du lịch Thái Lan, hướng dẫn viên du lịch ở đó lúc thì dẫn đi chỗ này mua trang sức, lúc thì dẫn đi nơi nọ mua hàng mỹ nghệ… Quả là ngày nào cũng tiếp thị, mà cái gì cũng đắt hơn giá thực rất nhiều”, bà Vương tiếp lời.

Đang nói chuyện thì nghe giọng oanh vàng của cô hướng dẫn viên cất lên: “Ở Đại lục cái gì cũng đắt hết, ngay cả các loại trái cây cũng chớ mua, các cụ đừng mua lung tung nhé!

Các cụ ngồi ở dưới cảm thấy trong lòng thật ấm áp.

“Mẹ Vương ơi! Năm nay mẹ bao nhiêu tuổi rồi ạ?” – Cô hướng dẫn viên cúi xuống, đưa tay sửa giúp lại cổ áo cho bà Vương, “Thật đấy! Cháu không tài nào nhận biết tuổi của mẹ vương đấy, xem chừng mẹ chỉ có năm mươi mấy tuổi là cùng.” Cô ta đứng thẳng lên và nói với mọi người: “Thú vị thật! Sao cháu thấy những người đến từ Đài Loan ai nấy đều có vẻ trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật sự, phong thổ nơi đó chắc là tốt lắm nhỉ? Bà ngoại của cháu cũng sống bên Đài Loan, tuy đã ngoài 70 tuổi mà bề ngoài cũng tưởng chừng vừa mới hơn 50 thôi, nhưng đó là vì hồi trước bà đã từng dùng một loại thuốc bổ.”

Mắt các cụ ông, cụ bà lập tức sáng lên, tất cả nhao nhao: “Thuốc bổ gì thế?”

“Các cụ đừng có giả vờ nữa! Sao các cụ lại không biết loại thuốc bổ ấy?”, cô gái tươi cười đưa tay chỉ chỉ người này, chỉ chỉ người nọ…

“Thuốc bổ thì chúng tôi dùng nhiều rồi, nhưng loại thuốc có thể làm người ta trẻ ra thì chưa!”

“Cháu không tin đấy! Các cụ không biết loại thuốc bổ được bào chế từ mỡ rùa biển sao? Ngay cả cháu cũng nhờ loại thuốc bổ đó mà chữa được cận thị đấy! Đây là loại thuốc được các nhà khoa học phát hiện và sản xuất tại nơi này”.

Cô hướng dẫn viên lại đưa thêm vài dẫn chứng, nào là có tác dụng chống xơ vửa động mạch, trị lành bệnh tim mạch, chống lại sự lãng trí nơi người già, thậm chí có người mắc chứng ung thư giai đoạn cuối vẫn có thể bình phục…

“Loại rùa biển khổng lồ đó hiếm khi trồi lên mặt nước nên rất khó đánh bắt. Nghe nói nó có thể sống đến vài trăm tuổi đấy!”. – Cô hướng dẫn viên vừa nói vừa đưa hai tay làm bộ điệu bơi bơi…

“Thảo nào mỡ của nó có thể giúp người ta sống thọ!”, bà Vương lẩm bẩm.

“Chẳng phải thế sao?” Nếu mẹ dùng loại thuốc ấy thì xem ra mẹ chỉ có bốn mươi mấy tuổi thôi.” – Cô hướng dẫn viên âu yếm đưa tay sờ lên khuôn mặt nhăn nheo của bà Vương, khiến mọi người trên xe đều cười ồ lên.

oOo

Chuyến du lịch trong một tuần thấm thoát trôi qua, mọi người đều cảm thấy vui vẻ và hài lòng về chuyến đi này. Nên số tiền boa mà mọi người tặng cho cô hướng dẫn viên cũng nhiều hơn mọi khi. Lúc mọi người lên sắp máy bay, họ còn bịn rịn và cám ơn cô rối rít vì đã giúp mọi người đôn đáo chạy mua giúp “mỡ rùa biển” cho họ, loại thần dược này rẻ biết bao! – Một lọ chỉ có 150 đô la Mỹ thôi!

* Cô hướng dẫn viên này đã dùng cách: “Trước tiên là chiếm được lòng tin cái đã, sau đó mới tiến hành buôn bán”. Cô ta đâu cần giới thiệu khách đi mua những thứ lỉnh kỉnh rẻ tiền làm chi! Chỉ cần một lọ nước mỡ bán giá 150 đô, quá tiện lợi, gọn gàng và đáng giá biết bao! Dẫu sao, cách làm trong mẩu chuyện này cũng hợp pháp. Vả lại, người mua cũng đã cảm thấy vui mừng xiết bao phải không?

Trích theo: “Tôi không dạy bạn cách lường gạt” (Tác giả – Lưu Dung/SaiGonbooks)

Bài liên quan

Các chuyên ngành khối kinh tế du lịch

(Hiếu học) Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế du lịch gồm có: Du lịch học; Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch và khách sạn - nhà hàng; Hướng dẫn du lịch; Kinh doanh du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Các chuyên ngành Du lịch này được trên 30 trường Đại học đào tạo...

Làm gì khi khách hàng nổi giận?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Trong nhiều trường hợp, nếu không kiểm soát được thái độ ứng xử đối với khách hàng, làm khách hàng nổi giận, gây ảnh hưởng xấu làm giảm uy tín của doanh nghiệp, nhân viên phục vụ, quản lý và cả lãnh đạo doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm. 

Cùng chuyên mục