(Hiếu học). Các bạn trẻ trước ngưỡng của cuộc đời với muôn vàn thắc mắc về chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện tình… “Thà có một trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn một trái tim… lãnh cảm! Thực ra, tình yêu… thứ thiệt thì luôn làm cho trái tim ta mạnh mẽ hơn thôi! Bạn đồng ý không?”.
Biết tôi sắp thôi làm việc ở Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM sau 25 năm công tác tại đây, các bạn trẻ của Trung tâm đã có sáng kiến tổ chức một buổi giao lưu thân mật giữa “thầy-trò” với nhauvào dịp cuối năm vừa qua. Chủ đề buổi giao lưu hoàn toàn mở rộng. Các em có thể đặt bất cứ câu hỏi gì về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện tình…
Để giúp các em “mạnh dạn” đặt câu hỏi, tôi đề nghị hỏi bằng giấy và nặc danh…
Và như vậy, buổi giao lưu được bắt đầu… (BS Đỗ Hồng Ngọc ghi lại).
* Thầy ơi, tuổi trẻ của thầy khác gì tuổi trẻ tụi con bây giờ? Theo thầy trong cuộc sống, điều gì là quan trọng đối với thầy?
– Tuổi trẻ thời nào cũng giống nhau, cũng đầy nhiệt huyết, năng động, lý tưởng,nhiều hoài bão, ước mơ. Nhưng hình như thời của thầy sống đơn giản hơn, nhiều lý tưởng hơn, lãng mạn nhiều hơn. Con người bây giờ tất bật mà hạnh phúc hiếm hoi, lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí trong những tình huống không cần thiết như những va chạm lặt vặt trong mối quan hệ làm việc. Chúng ta biết quá nhiều chuyện xa vời, chuyện trên cung trăng, nhưng bản thân mình thì ít biết, bạn bè xiung quanh cũng ít biết nhau vì ta không quan tâm, lơ là. Thử hỏi phòng con đang ngồi làm việc có bao nhiêu cửa sổ, cầu thang lên tầng 1 này có bao nhiêu bậc, chưa chắc con đã biết. Tại sao? Tại không quan tâm. Chúng ta sống bên nhau trong một cơ quan làm việc hàng ngày gặp nhau 7-8 giờ mà như xa lạ, không hiểu tâm ý nhau, dễ căng thẳng, thấy ai cũng toàn tính xấu… Thử nhìn một cách khác xem, chẳng hạn lấy giấy ghi ra những … tính tốt của kẻ mà mình không ưa…
Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất có lẽ là thấy mình sống có ích, sống hạnh phúc và sống thảnh thơi. Có lúc thầy cũng được mời vào vị trí này khác, nhưng thầy đều từ chối, vì chỉ muốn làm điều mình thích, trong khả năng mình, nhờ vậy mà làm việc gì cũng thấy vui, thấy hăng say. Một người làm việc trong tinh thần bất mãn, không hài lòng với chính mình, căm ghét những người xung quanhhoặc làm việc chỉ vì sợ hãi, vì kiếm sống, vì đồng lương thì rất dễ so đo tính toán, thiếu nhiệt tâm, thiếu sảng khoái… và công việc được giao trở nên một gánh nặng…
* Thầy cho con hỏi làm sao để mình tăng tính kỷ luật với bản thân để làm tốt công việc? Vì con biết kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình…
– Phải có ý chí và nghị lực thôi. Nghĩa là cũng phải rèn luyện. Thầy nhớ hồi trẻ mình rèn luyện bằng cách đọc cuốn “Bảy bước đến thành công”, “Rèn nghị lực để lập thân” chẳng hạn, rất có ích. Nhưng không chỉ đọc, chỉ học mà phải hành. Có khi phải khắc khe với mình một chút. Nghị lực sẽ tăng tiến dần. Và từ đó mình mới tự tin hơn. Loại sách này ngày nay cũng có rất nhiều. Phải biết chọn lựa để đọc, không thì dễ bị “tẩu hỏa”!
Đừng bao giờ coi mình là kẻ thù của mình. Hãy biết yêu thương mình, cho nó ăn, cho nó ngủ, và dạy dỗ nó. Nó có hư thì đánh nó vài roi, rồi thươngnó nhiều hơn. Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được?
* Thưa thầy, là thanh niên thế kỷ 21, theo thầy, mỗi buổi sáng / buổi chiều (sau giờ làm việc) điều gì nên nghĩ đầu tiên và cuối cùng trong ngày? Cảm ơn thầy.
– Kahlil Gibran có hai câu thơ dễ thương: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương. Ngày nữa để yêu thương thấy chưa, chớ không phải ngày nữa để oán thù, căm giận. Dù ở thế kỷ nào đi nữa, mỗi sớm mai thức dậy cũng nên “cảm ơn đời” đã cho ta một ngày mới, một ngày mới để yêu thương! Dĩ nhiên thanh niên phải rèn luyện thể lực. “Bắp thịt trước đã”, có một cuốn sách như vậy. Thanh niên mà đi đứng co ro, lụm cụm, bụng to, thịt nhão, sáng sáng ngồi đốt thì giờ trong quán cà phê nhả khói mù trời thì thật đáng tiếc. Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, nhớ không? Sau đó phải thực hiện cho được những dự định đã vạch ra từ… ngày hôm trước. Dĩ nhiên phải chọn ưu tiên, linh hoạt. Cái nào phải làm, cái nào nên làm. Vui mà làm, thích mà làm. Hòa mình với bạn bè chung quanh. Buổi chiều, buổi tối, là cơ hội học tập thêm. Nhiều thứ cần phải học lắm. Ngoại ngữ, vi tính, kỹ thuật chuyên môn. Rồi học một thứ để nuôi dưỡng tâm hồn: văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa… ngay cả làm bánh, nấu ăn, cắm hoa…Một giấc ngủ êm đềm sẽ đến thay vì nhậu nhẹt ở quán bia ôm để rồi sáng mai dậy trễ, uể oải và nhìn mọi người với ánh mắt… mang hình viên đạn!
* Trong suốt quãng đường thành công, thầy có mấy lần “vấp ngã” chưa ạ?
– Thầy không biết thành công hay vấp ngã là sao? Nhưng hình như sự thành công nào cũng là kết quả của 95% cố gắng và 5% may mắn, còn vấp ngã thì cũng là một cơ hội. Thầy được đi học rất trễ. Cha mất sớm, tản cư trên rừng về, thầy được người cậu dẫn vào cho học lớp 3 một trường tư, vài tháng sau, thầy giáo cho lên lớp Nhì, rồi lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) ngay sau đó vì cho rằng đủ “năng lực”. Học trong chùa. Cuối năm thi đậu Tiểu học hạng cao, rồi đậu vào đệ thất (lớp 6), được học bỗng. Đùng cái bỏ học, về quê, bán hàng xén ở chợ Lagi. Thất học 3 năm. Khi tỉnh mới có lớp Đệ thất đầu tiên ở trong một nhà thờ, thầy lại cắp sách đến trường. Thầy tổ chức tự học, học nhảy hai ba lớp liền, đậu Tú tài 1 và 2 rồi đậu vào Y khoa. Miệt mài 7 năm (thời đó y khoa học 7 năm) ra trường với bằng Tiến sĩ y khoa quốc gia…Vì thích ngành Nhi nên thầy làm nội trú ủy nhiệm vài năm liền ở BV Nhi Đồng Saigon (nay là BV Nhi Đồng 1), nhờ vậy mà có thể nói là một bác sĩ có kinh nghiệm về Nhi khoa. Thầy có cảm tưởng trong cái rủi có cái may, trong cái vấp ngã có cái mầm của sự… thành công. Vấp ngã, mình càng rèn chí, quyết tâm tự học, và may thay, đức tính này vẫn còn tới bây giờ. Tự học rất sướng các em ạ, vì học cho mình, không ai ép buộc mình cả. Nhưng tự học cũng phải có phương pháp. Thầy rất biết ơn ông Nguyễn Hiến Lê, tác giả cuốn Tự học để thành công. Thầy thấy những người thành công… nói chung đều nhờ tự học. Abraham Lincol,Benjamin Franklin… chẳng hạn cũng là những tấm gương tự học. Ông Châu Trí quét lá đa ở chùa mà đỗ giải nguyên… Các sinh viên đậu thủ khoa ở các trường đại học bây giờ thường cũng là những em ở nhà quê tự học là chính, không học thêm, không kèm cặp gì cả! Thầy thích Nguyễn Công Trứ, lúc làm quan to, lúc làm lính thú đều… vui cả. Ông là một nhà nho khoáng đạt, một thi sĩ đích thực. Thầy cũng thích Tô Đông Pha nữa…
* Suốt một đời sống và làm nghề, thầy còn đọng lại điều gì?
– Thầy sống theo một triết lý… thảnh thơi, có bạn bảo là hồn nhiên, ngây thơ nữa. Làm việc hơi tùy hứng, linh hoạt mà không theo một kế hoạch cứng ngắt…Bút hiệu từ nhỏ của thầy là Đỗ Nghê (ghép họ cha và họ mẹ) nhưng các bạn bảo nghe dễ thương vì có vẻ gì đó ngô nghê! Người cậu có ảnh hưởng tới thầy nhiều nhất có bút hiệu là Nguiễn Ngu Í. Ông tự cho mình luôn có những ý ngu!Là một bác sĩ Nhi khoa khá có tiếng tăm, bệnh nhân đông, muốn làm giàu không khó, nhưng thầy chỉ làm… vừa đủ. Vẫn luôn nhớ câu thơ của NCT:“Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn!” (Biết đủ thì đủ, đợi đủ bao giờ cho đủ? Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?) Nhỏ thì thích dấn thân, khi có tuổi thì thích an nhàn và về… già thì say mê nghiên cứu Phật học, để ứng dụng vào đời sống, vào nghề nghiệp! Lúc còn là sinh viên y khoa, thầy đồng thời ghi danh học thêm Xã hội học và Văn khoa. Học nhiều mới đã, mới sướng! Bây giờ có tuổi cũng không biết mình già, vẫn còn ham học lắm. Chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn đàn em là mơ ước của thầy… vì đó cũng là cơ hội để học.
* Rung động đầu đời của thầy lúc thầy bao nhiêu tuổi?
Ồ, cái này nói nhỏ thôi nha! Thầy nhớ không lầm thì “rung động đầu đời” của thầy hồi đó, lúc thầy … tám tuổi! (Nhiều tiếng ồ, nhưng có một tiếng: hơi trễ đó thầy!). Quả là có hơi trễ. Con gái Út thầy nó nói nó… rung động đầu đời lúc 3 tuổi! Thực ra tám tuổi là tuổi có hoạt động cuả kích thích tố sinh dục rồi, phân biệt trai gái rồi. Thầy nhớ hồi đó tản cư, học trong rừng, thầy giáo… rất dữ, đánh học trò bằng roi mây, bắt quỳ xơ mít. Thầy giáo có thói quen bắt đứa học trò có lỗi nằm sấp trên bục, rồi kêu một học trò khác lên đánh 3 roi. Có lần thầy được kêu lên đánh bạn như vậy, thầy đánh 3 roi nhẹ hều nên bị bắt nằm xuống cho bạn đánh lại. Có lần thầy còn bị bắt quỳ xơ mítvì dám bắt chước thầy giáo gõ thước lên bàn để các bạn im lặng lúc thầy giáo đến trễ.
Gần trường có một cái suối sâu. Trưa nào học trò cũng kéo nhau đi tắm suối. Trai gái đều tắm trần truồng cả. Riêng thầy, khi đang tắm mà trông thấy một cô bạn -và chỉ cô bạn đó mà thôi- xuất hiện ở bờ suối thì thầy vội vàng chạy lên mặc quần áo lại ngay. Mắc cỡ! Cũng lạ! (Cười ồ!). Nhưng phải nói là đến 12 tuổi thầy mới thực sự “mê” một cô trong lớp… Đó đúng là mối tình đầu. Trong một vài bài thơ của thầy còn nhắc đến. Cái thời đó, ở một thành phố nhỏ, còn đi học với guốc xuồng lộp cộp trên vệ đường lót gạch… Nhà cô có tiệm chụp hình, trong tủ có chưng tấm hình cô ấy. Ngày nào thầy cũng phải qua lại ngắm một cái, mặc dù đã gặp nhau trong lớp. Lúc đi ngang nhà phải xách guốc lên, sợ lộp cộp cô bắt gặp!Khi thầy phải bỏ học, theo gia đình về quê, và bị thất học mất 3 năm, mọi chuyện đã khác. Mấy năm sau, có dịp gặp lại, thầy viết trong một bài thơ: “…em đến nắng vàng theo tóc xanh/ tôi nghe xa vắng vạn ân tình/ có gì vương víu trong hơi thở/ ơi những ngày xưa của chúng mình”… Thơ xưa quá! Đã nửa thế kỷ rồi còn gì!
Thầy ơi, thầy tâm sự tiếp chuyện tình của thầy…
Thầy nghĩ tất cả đều có duyên số. Thầy gặp cô – vợ thầy – trong một tình huống cũng ngộ. Bạn thầy có người yêu tự nguyện làm em nuôi của thầy. Một hôm thầy theo bạn đến nhà cô chơi thấy cô đang ngóng một ai đó ở ngoài cửa. Thầy hỏi, cô nói “đợi Má về”. Một lúc “má” về tới… Thì ra là một cô gái xinh xắn, có vẻ hiền lành, là chị ruột của cô, tại trong nhà khó tánh nên các em gọi là “má”… Thầy bị “choáng” và nhận ra đây là người mình tìm kiếm bấy lâu. (Thầy có gọi cô bằng má không vậy thầy?) Có, “Má sắp nhỏ”.
* Thưa thầy, bí quyết nào để sống hạnh phúc với vợ / chồng cho tới 70 tuổi giống như thầy với cô vậy?
Thầy may mắn vì cô ít nói, nghiêm trang. Trong đời sống sao cho khỏi những lúc này nọ,tốt nhất là tương nhịn. Cô quạu thì thầy làm thinh. Thầy quạu thì cô làm thinh. Tuy nhiên, về cơ bản, tánh khí hai người cũng tương đồng nhau nên dễ hòa hợp, nhất trí với nhau trong việc đối nhân xử thế, nuôi con, làm ăn… Không nên cầu toàn, không ai hoàn hảo, cần biết để giúp đỡ lẫn nhau, rồi mới quý mến nhau dài lâu được. Những năm cơ cực sau 1975, thầy bận rộn suốt ngày với bệnh nhiở phòng cấp cứu bệnh viện Nhi đồng, ở nhàtrông cậy mình cô nuôi dạy các con. Nhiều bữa thầy về nhà tối om, đem thịt cá được tổ đời sống chia đã ôi thiu về, cô chỉ cười trừ…
Thầy ơi, khi nào thầy sẽ hết yêu?
Không biết. Hình như người nào đã bắt đầu yêu hồi 8 tuổi thì sẽ hết yêu vào tuổi 88 thì phải?
Thưa thầy, làm sao để không bị ế ạ?
Không biết câu hỏi này của nam hay nữ. Nếu là nam, thầy nghi của thầy… H quá (cười rộ! thầy H cũng cười rất vui!). Thực ra thì thầy H không ế. Nhiều cô mê thầy lắm, nhiều người đẹp đòi “nâng khăn sửa túi” cho thầy lắm, nhưng thầy… không có thì giờ. Thầy trăm công ngàn việc. Đúng vậy, không hiểu sao bây giờ các bạn trẻ lại thiếu thì giờ đến vậy. Cũng vẫn 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày đó thôi. Phương tiện thì ngày càng hiện đại, thế giới nhỏ như lòng bàn tay.Vậy mà người ta “không rảnh”… để yêu nhau là tại làm sao? Có thể người ta đòi hỏi tiêu chuẩn cao quá, người ta không còn lãng mạn như xưa nữa, không còn cái thời liều lĩnh một túp lêu tranh hai quả tim vàng nữa. Người ta tính toán so đo kỹ quá. Nói chung thực dụng quá chăng. Hay cũng có thể thời đại đổi thay, tình dục giải phóng, người ta cũng chẳng muốn lập gia đình sinh con đẻ cái cho thêm gánh năng?
Kiểu “sống thử” của một số bạn trẻ bây giờ dễ được nam giới ủng hộ, nhưng sẽ là một nguy cơ cho nữ giới. “Thử” thì thử bao lâu, với… những ai? Lúc nào thì “thiệt”? Có thể tin nhau được không?… Đời sống có vẻ bấp bênh hơn. Chưa đám cưới đã tính ngày li dị! Rồi về sinh học. Nhiều em bây giờ lạ, nam không ra nam, nữ không ra nữ. Hồi xưa, nam “râu hùm hàm én” thì cần một người yểu điệu thục nữ, còn nữ thì cần một nam nhi đúng nghĩa. Bây giờ hình như khó tìm hơn. Cho nên thầy thấy mấy con trai trong cơ quan mìnhnhư P, C… mắt sáng rỡ khi gặp con gái thầy cũng mừng! Chứng tỏ nó là con trai thiệt. Gái cũng vậy. Vừa rồi, T bảo mới kiếm được một ông chồng “háo sắc” nên em mừnglắm!Không ai hoàn hảo. Cuộc sống cần chút liều lĩnh, “mắt nhắm mắt mở” như Đ nói. Vả lại, con người luôn thay đổi, khi sống với nhau, người ta có thể dần dần ảnh hưởng đến nhau.
* Xin thầy Ngọc trả lời giùm em: Làm sao để biết người yêu mình chung thủy, không phản bội? Làm sao để em trở thành một người vợ tốt? Cảm ơn thầy.
Làm sao để biết một người… không chung thủy thì dễ hơn! Nhưng trước hết, bản thân mình cũng phải là một người chung thủy cái đã rồi mới đòi hỏi người khác chung thủy đúng không? Thực ra mọi hành vi của con người đều biểu hiện qua thân khẩu ý. Một người giỏi quan sát có thể nhận ra. Nhưng giỏi quá đến nỗi lúc nào cũng ngờ vực, cũng căng thẳng thì cuộc sống chung sẽ nặng nề, mất ý nghĩa, và đó là điều kiện tốt cho sự… không chung thủy nảy sinh! Em sẽ là một người vợ tốt khi đã biết đặt một câu hỏi như vậy. Nhưng trước hết, cần có một người… chồng tốt cái đã chứ!
* Nếu đã quen một người 4 năm nhưng không thể đến được , ta phải làm sao quên?
Tại sao phải quên? Việc gì phải quên? “Tóc mai sợi ngắn sợi dài / Lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm” như ca dao ta đó thôi. Có những mối tình “hẹn nhau từ muôn kiếp trước”, lại có những mối tình “hẹn kiếp lai sinh” đó thôi! Quen 4 năm không đến được thì cần hiểu rõ lý do, cần thấu cảm. Nếu lý do chính đáng, cứ nuôi dưỡng tình yêu chứ, sao lại cần quên? Nếu lý do không chính đáng thì tự nó… tình yêu sẽ biết cách quên! Nhưng nhiều khi “tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng…” để rồi “người ngỡ đã xa xăm/ bỗng về quá thênh thang…” (TCS)…
* Thầy ơi, con cảm thấy mình đã có tất cả nhưng lại không thể tìm được một nửa của mình! Vậy con phải làm sao?
Thì phải cất công đi tìm chớ sao? Nếu con dành hết năng lượng và thời gian cho danh vọng và tiền tài để có cảm giác mình có đủ tất cả nhưng vẫn thiếu tình yêu thì đó thật là điều đáng tiếc. Chính tình yêu mới làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc. Cái mà con nghĩ “đã có tất cả” đó thật ra mới có một nửa…Một nửa kia không phải bỗng dưng tự trêntrời rơi xuống. Con phải đi tìm, có khi… đỏ con mắt mới gặp đó! Và cơ hội cũng không đến nhiều lần.
* Thầy có bí quyết gì để nói chuyện lúc nào cũng hay và tâm lý như vậy?
Có bí quyết gì đâu, chỉ ở trong bụng nói ra thôi! Cái gì biết nói biết, cái gì không nói không. Trong sự giao tiếp, thầy nghĩ cần nhất là sựchân thành, sau đó là sự tôn trọng, vàthấu cảm. Khi thấu cảm, tức là đặt mình vào vị trí của người, ta sẽ rất dễ gần gũi, chia sẻ và được chấp nhận. Khi đó, truyền thông sẽ có hiệu quả. Đây là những điều tất cả các em đều đã học, đã biết, vấn đề là áp dụng vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào.
Thời gian của buổi giao lưu đã hết, thầy rất cảm ơn các em đã đặt những câu hỏi rất hay, không câu hỏi nào trùng với câu hỏi nào, từ chuyện đời đến chuyện nghề vô cùng lý thú. Qua buổi giao lưu này, thầy cũng học được nhiều điều từ các em, biếtthêm những mối quan tâm, những suy nghĩ của các em để không… trở thành kẻ quan liêu, xa cách… Thầy mong có nhiều dịp giao lưu như vậy nữa nếu có thể, nhờ đó mà thầy thấy mình cũng trẻ lại cùng với các em.
Tp.HCM ngày 9 tháng 02 năm 2010.
Theo: Một buổi giao lưu thân mật với các bạn trẻ Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Tp. HCM.