Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhiều người cho rằng chương trình phổ thông hiện tại “nặng” là đúng nhưng cũng không đúng.
Chia sẻ tại Hội thảo Giáo dục STEM trong trường phổ thông Việt Nam tổ chức sáng 30/5, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu so sánh chương trình Việt Nam và chương trình quốc tế ở phổ thông thì kiến thức cơ bản là như nhau.
Kiến thức dạy ở các trường Việt Nam không nhiều hơn so với các nước. Đặc biệt là trong khoa học tự nhiên càng thể hiện rõ điều này. Vì vậy chương trình nặng không phải là nặng về kiến thức mà nặng vì lý do khác.
Ông Thành nêu ra 2 lý do mà ông cho rằng đã khiến cho cùng một khối lượng kiến thức nhưng chương trình của Việt Nam vẫn “nặng”.
Thứ nhất là cách cấu trúc sắp xếp chương trình. Chương trình hiện tại chưa hợp lý, có sự chồng chéo giữa các môn.
Trong chương trình hiện nay đang có chuyện một kiến thức vật lý nhưng được dạy không kém gì bài đó trong môn hóa học, càng không kém gì bài đó trong môn công nghệ.
“Nó nặng vì nó cồng kềnh. Tôi hay lấy ví dụ 50 kg nhưng sắp xếp vào trong 1 cái vali thì nhẹ hơn sắp xếp vào cái thùng một khối” – ông Thành ví von.
Đây cũng là lý do mà Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng nhằm giải quyết việc chồng chéo kiến thức giữa các môn hoặc trong nội bộ một môn giữa các lớp, cấp học.
Thức hai, chương trình “nặng” là do cách chuyển tải kiến thức.
Theo ông Thành, hiện nay chúng ta có một chương trình chung cho toàn quốc mà không tính đến sự phù hợp với từng địa phương, từng nhà trường.
Do vậy, đối với nhiều trường thì có thể tổ chức được nhưng đối với nhiều địa phương nhiều trường thì là nặng.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu giáo viên mỗi tiết 45 phút phải dạy xong bài nếu không thì “cháy” giáo án làm cả thầy và trò phải chạy việt dã trong suốt tiết học.
“Tôi hay lấy hình ảnh là, nếu từ sáng tới trưa phải đi 10km thì người đi có thể thong thả, không tốn mồ đằng này cũng bắt đi 10 km từ sáng tới trưa nhưng lại quy định 1 tiếng đầu tiên phải chạy bao nhiêu mét sau đó nghỉ rồi chạy tiếp. Mệt là mệt chỗ này” – ông Thàn nói.
Từ phân tích tên, ông Thành cho rằng, phải làm sao thay đổi phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường mới có thể góp phần làm giảm sức nặng của các môn học.
Theo các chuyên gia, việc triển khai giáo dục STEM trong trường học chính là cách tích cực để thay đổi phương pháp giáo dục trong trường phổ thông.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, chủ trương dạy tích hợp liên môn đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo trong các nhiệm vụ môn học năm 2014-2015. Đến năm học vừa qua (2016-2017) đã tiến hành thí điểm ở 14 trường phổ thông khác nhau.
Trong khi đó, PGS. TS Lê Huy Hoàng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), đại diện Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông cho biết, giáo dục STEM đã được chú trọng ở chương trình mới. Cụ thể, đã có đầy đủ các môn học STEM gồm Toán, Khoa học, Công nghệ và Tin học.
Trong đó, môn Công nghệ và Tin học được chú trọng hơn so với trước đây, được đưa vào nội dung bắt buộc và dạy ngay từ lớp 1.
Ngoài ra, nội dung STEM còn được dạy qua các chuyên đề môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo dưới hình thức câu lạc bộ khoa học.
Theo: (Giáo dục /VNN)