Ngoài việc đòi hỏi du học sinh phải đáp ứng được yêu cầu về học vấn, một số nước còn đưa ra những yêu cầu về tài chính bảo trợ cho du học sinh. Khi bắt đầu làm hồ sơ, trước hết bạn phải nắm rõ và thật chính xác những yêu cầu, qui định của từng nước đối với vấn đề chứng minh tài chính du học.
Bạn cần phải có kế hoạch học tập cụ thể, chứng minh và thuyết phục được viên chức bộ phận visa rằng bạn có đủ khả năng tài chính để trả chi phí trong suốt quá trình học tập tại nước ngoài. Các chi phí này thông thường bao gồm: học phí, phí ăn ở, sinh hoạt, di chuyển, vé máy bay…
Hiện nay các sản phẩm chứng minh tài chính của ngân hàng đang nở rộ và rất đa dạng, tùy theo kế hoạch học tập của riêng mình mà bạn chọn lựa sản phẩm nào phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất cho hồ sơ của mình. Điều cần lưu ý là các ngân hàng không phải nhà tư vấn du học chuyên nghiệp và họ chỉ đưa ra các “mặt hàng” sản phẩm dịch vụ của họ, bạn phải là người chọn lựa, quyết định.
Để tránh phải chọn “mặt hàng” sản phẩm không phù hợp làm tốn kém chi phí và thời gian không cần thiết, bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng các qui định của nước mà bạn xin du học, hoặc tại cơ quan giáo dục thuộc sứ quán các nước. Trong trường hợp cảm thấy mình không có thời gian để tìm hiểu đầy đủ thông tin hoặc có được đủ kinh nghiệm để tự lo cho hồ sơ của mình, các bạn có thể nhờ đến công ty tư vấn du học hay nhà tư vấn du học chuyên nghiệp (thường những công ty tư vấn du học chuyên nghiệp không thu phí tư vấn).
Có nhiều trường hợp vì không chuẩn bị được một bộ hồ sơ thể hiện tốt nhất cho tình trạng của bản thân đã dẫn tới đơn xin visa bị từ chối, trong khi họ hoàn toàn đủ điều kiện để được cấp visa du học.
Theo Tuổi Trẻ