Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT, các bạn học sinh cần phải làm gì để giải tỏa căng thẳng và làm bài thi với kết quả tốt nhất?
Lên kế hoạch ôn tập khoa học
Các bạn cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch ôn tập khoa học, sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Các bạn nên xây dựng lộ trình học tập cụ thể, chủ động trong quá trình ôn tập. Và tuyệt đối, các bạn tránh tư tưởng ‘giấu dốt’ vì nó rất nguy hại. Thay vào đó, các bạn chủ động tìm đến thầy cô bộ môn và bạn bè để nhận sự giải đáp, chia sẻ vấn đề còn vướng mắc được sáng tỏ, thông hiểu.
Các bạn sẽ nhớ kiến thức tốt hơn nếu biết liên hệ thực tế, cho ví dụ để dễ dàng ghi nhớ. Các bạn tiến hành ôn tập tại nhà ngay sau khi tiếp thu bài học trên lớp, làm bài tập ứng dụng ngay sau khi học. Các bạn ôn tập xen kẽ, không nên chỉ ôn liên tục một loại tài liệu, một môn học dễ gây sự nhàm chán, không có hứng thú, khó ghi nhớ. Để tránh mau quên, cần tiến hành ôn tập thường xuyên nhưng học rải rác, phân tán nhiều đợt. Các bạn không nên ôn tập liên tục trong một thời gian dài có thể gây quá tải cho hệ thần kinh, dẫn đến sự căng thẳng tâm lý. Ngay từ bây giờ, các bạn lập ngay kế hoạch để ôn tập, biết quản lý thời gian hiệu quả, chuẩn bị cho 3 môn thi Toán, Văn và tiếng Anh:
Môn Toán: quan tâm đến cách trình bày.
Theo quy định về thời gian làm bài, tính ra thí sinh sẽ có trung bình 15 phút cho một câu. Vậy hãy bình tĩnh, tự tin và tập trung đọc lướt toàn bộ đề để có đánh giá sơ bộ về độ khó của từng câu. Sắp xếp theo từng nhóm: nhóm câu hỏi dễ và quen thuộc, nhóm câu hỏi thuộc phạm vi là thế mạnh của mình, sau đó mới đến những câu còn lại.
Đối với nhóm câu hỏi dễ và quen thuộc thì nên giải trực tiếp vào giấy thi, không cần phải làm nháp. Có thể ban đầu nhận định câu hỏi đó vừa sức nhưng khi làm mới thấy khó thì nên dừng lại để giải quyết câu khác. Với những câu hỏi khó, nếu chỉ làm được một phần thì cũng nên viết vào bài làm. Sau cùng nên tận dụng mọi thời gian còn lại để kiểm tra toàn bộ bài làm của mình.
Những lỗi khiến bạn khó đạt điểm tối đa là: Không có thời gian biểu cho từng môn; Nghĩ rằng phần này, hoặc phần kia chắc đề không cho, hoặc quá dễ nên không cần xem lại; Khi ôn thi, không cố gắng vượt qua những mảng kiến thức mà trước đó mình “sợ”; Không quan tâm đến cách trình bày một bài toán, mà chỉ cố để có đáp số cuối cùng, điều này dẫn đến khó đạt điểm tối đa cho từng câu.
Môn Văn: xây dựng các luận điểm, luận cứ
Bài nghị luận văn học tối kỵ lối phát biểu ý kiến một cách chung chung hoặc chỉ diễn xuôi. Một bài văn nghị luận hay thường có hệ thống luận điểm rõ ràng được kết dính một cách tự nhiên, liền mạch. Mặt khác, bài văn nghị luận cũng yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của những luận cứ. Nếu cứ sa đà vào dẫn chứng, phân tích cụ thể mà không nâng lên được tầm khái quát, không đúc kết được thành các nhận định, bài văn sẽ nhạt tính tư tưởng, khó gây ấn tượng.
Để các ý rõ ràng, học sinh cần phải lập dàn ý nhanh, xây dựng các luận điểm, luận cứ để triển khai và quy nạp về chủ đề của tác phẩm. Mặt khác, nếu cứ nêu nhận định, ca ngợi hay phê phán một cách chung chung mà không qua các căn cứ cụ thể, dẫn chứng sinh động thì bài văn cũng chẳng thuyết phục, dễ trở nên sáo rỗng. Giọng văn phải phù hợp với ngữ cảnh, hoàn cảnh nhân vật. Tránh lối hô hào khẩu hiệu, đồng thời tránh lối viết cảm thán không đúng chỗ.
Bên cạnh đó, chữ viết rõ ràng, ngay ngắn, trình bày sạch đẹp cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công trong bài làm.
Môn Anh văn: dùng biện pháp loại trừ để chọn câu đúng nhất
Trước khi làm bài môn Anh văn, thí sinh cần đọc kỹ đề bài với phần chọn từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa vì hay làm sai ở phần này do không đọc kỹ đề. Đối với tìm lỗi sai, nên chú ý các lỗi thường gặp như hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, lỗi liên quan đến mệnh đề và dạng câu hoặc lỗi liên quan đến từ loại.
Đọc hiểu là phần thường gây khó, nhưng lại chiếm số lượng lớn câu hỏi trong bài thi (30/64 câu trắc nghiệm), gồm đọc hiểu điền từ, đọc lấy thông tin cụ thể hoặc đại ý và đọc để phân tích, tổng hợp hoặc suy luận. Vì vậy, với phần này thí sinh nên đọc nhanh từ đầu đến cuối trong vòng 30 giây đến 1 phút không dừng lại khi gặp từ mới, sau đó phân tích chỗ trống cần điền để chọn từ phù hợp (đối với dạng điền từ) hoặc đọc câu hỏi và xác định thông tin cần tìm trong bài (đối với dạng trả lời câu hỏi) và cuối cùng đọc lại toàn bộ bài để kiểm tra đáp án và xử lý những câu khó.
Đối với phần viết luận, các bạn cần chú ý đến các chủ đề xoay quanh cuộc sống của học sinh như bản thân, gia đình, bạn bè, giáo dục.
Thí sinh nên phân chia thời gian, 65 phút dành cho 64 câu trắc nghiệm, 20 phút dành cho tự luận và 5 phút để kiểm tra lại bài. Gặp những câu khó, nên đánh dấu lại để làm 20 phút sau và chuyển sang câu kế tiếp. Khi làm xong bài, quay lại các câu khó và tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu nào. Đối với những câu quá khó, học sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để chọn ra đáp án đúng nhất.
Khi vào phòng thi, các bạn thường bị căng thẳng, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tái hiện kiến thức mà các bạn đã ghi nhớ. Không ít trường hợp, các bạn ôn tập rất kỹ, học bài rất chăm. Nhưng vì quá căng thẳng nên rơi vào trạng thái quên tạm thời, không thể tái hiện kiến thức ngay lúc đó.
Để có tâm lý thoải mái, trước ngày thi các bạn không nên thức quá khuya vì dễ ảnh hưởng đến sự tỉnh táo trong lúc tái hiện kiến thức làm bài. Bạn cần chuẩn bị dụng cụ thi, giấy tờ dự thi đầy đủ và đến phòng thi sớm để chủ động thời gian tránh sự cập rập, lo lắng, hồi hộp. Các bạn đừng quá đặt nặng vấn đề điểm số mà hãy tập trung vào bài làm như: đọc đề, bình tĩnh suy nghĩ, phân tích, phân bố thời gian làm bài hợp lý. Làm bài thi với tinh thần tích cực, thoải mái nhất”.
Chúc các bạn thành công.
Theo: (Giáo dục)