Mỗi sản phẩm được gắn một vòng dây xâu chuỗi những trái tim với ý nghĩa “Chữa lành những trái tim bị tổn thương”. Ám ảnh về những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi ở Việt Nam, một tiến sĩ sử học Mỹ, bà Marichia đã dành mọi tâm huyết, tài sản của hai vợ chồng để dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật và phẫu thuật cho bệnh nhân tim.
Từ năm 2003 đến nay, tiến sĩ Marichia Simcik Arese (người Mỹ, gốc Italia), thành viên thuộc tổ chức chuyên hỗ trợ việc làm cho người nghèo và khuyết tật The Spiral – Mỹ, đã quá quen thuộc với nhiều gia đình có con bị bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật ở Việt Nam.
Trong một lần đến thăm những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), bà Marichia chia sẻ, năm 1975, khi đang là sinh viên, bà cùng những người yêu chuộng hòa bình xuống đường biểu tình phản đối việc Mỹ ném bom, rải chất độc da cam tàn phá làng mạc Việt Nam, kêu gọi đòi công lý cho nạn nhân. “Khi hòa bình, hình ảnh những em bé chịu ảnh hưởng của chiến tranh cứ hiện lên trong tâm trí, thôi thúc tôi đến Việt Nam”, bà nói.
Năm 2000, khi đến Hà Nội, Huế…, chứng kiến không ít những mảnh đời bất hạnh, trẻ bệnh tim hiểm nghèo không tiền chữa trị đã khiến bà trăn trở không nguôi. 3 năm sau, bà Marichia đã phối hợp với Văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại ĐH Y dược Huế (OGCDC) mở cửa hàng Healing The Wounded Heart (HWH) tại số 23 Võ Thị Sáu (thành phố Huế) nhằm tạo công ăn việc làm cho trẻ khuyết tật, lấy tiền giúp trẻ mổ tim.
Gần 20 chục trẻ bất hạnh tại Thừa Thiên – Huế đã được đưa về học nghề. Bà phải nhiều đêm mất ngủ để cùng với trẻ khuyết tật thiết kế ra mẫu mã của sản phẩm. Vật liệu là đồ thải ngoài xã hội như túi nylon, vỏ lon bia, chai nước… để làm ra các sản phẩm mang đậm nét truyền thống Việt Nam như: rổ, rá, vòng đeo tay, túi xách…
Mỗi sản phẩm được gắn một vòng dây xâu chuỗi những trái tim với ý nghĩa “Chữa lành những trái tim bị tổn thương”. Bà Marichia mang một số sản phẩm về quê tại Los Angeles (Mỹ) và mở shop giới thiệu bán cho các người mẫu, minh tinh màn bạc, người nổi tiếng ở Hollywood. Sau khi mua sản phẩm, họ đã tình nguyện quảng cáo miễn phí cho các sản phẩm của trẻ khuyết Việt Nam.
Dần dần nơi sản xuất (69 Bà Triệu) và nơi bày bán (23 Võ Thị Sáu, thành phố Huế) đã trở thành địa chỉ nhân ái, tin cậy đối với nhiều vị khách Tây đến cố đô.
Khách ghé cửa hàng HWH sẽ thấy tấm bảng ghi: “Nếu bạn mua một sản phẩm, tiền của quý khách sẽ đi về đâu?”. Câu trả lời được ghi ngay bên dưới: “Ngoài những chi phí làm ra sản phẩm thì tất cả lợi nhuận được chia làm hai: một nửa xây dựng quỹ ổn định cho các em khuyết tật làm việc tại xưởng và một nửa giúp phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo. Xin vui lòng đừng mặc cả! Hãy tin tưởng sự minh bạch của chúng tôi và một điều chắc chắn rằng khi mua các sản phẩm này là bạn đã giúp rất nhiều người cần sự giúp đỡ”.
Chị Lan Hương, quản lý cửa hàng bán đồ của trẻ khuyết tật cho biết, khi mua hàng khách biết chính xác số tiền chi ra được sử dụng vào mục đích gì. Điều này đã đánh vào tâm lý của nhiều khách du lịch nước ngoài. Họ không ngần ngại khi mua cả tá sản phẩm về làm kỷ niệm hay tặng cho người thân, bạn bè.
Còn PGS.TS Trần Viết Nhân, Trưởng bộ môn Di truyền Y học, ĐH Y dược Huế, Phụ trách Văn phòng OGCDC cho biết: “Từ lúc có cửa hàng HWH đến nay, chúng tôi đã phối hợp với bà Marichia phẫu thuật cho 289 trẻ em tại miền Trung bị bệnh tim, giúp hàng chục trẻ u não được phẫu thuật bằng dao gamma… Ngoài ra, cửa hàng còn giúp các em tự vươn lên, không còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của người khác”…
Các bạn trẻ mồ côi, khuyết tật làm tại cửa hàng được ăn ở miễn phí, có việc làm ổn định với thu nhập mỗi tháng từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng. Chị Lê Thị Uyên Phương (32 tuổi) bị bại liệt từ nhỏ, được nhận vào làm ở cửa hàng tâm sự: “Dự án của chị Marichia thực sự đã chữa lành vết thương cho mình và các em khuyết tật, mồ côi ở đây. Mình sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ các em nhỏ bất hạnh”.
Niềm vui lớn nhất của tiến sĩ Marichia và các cộng sự là từ cửa hàng, tình yêu của hai đôi bạn trẻ khuyết tật được chắp cánh và tiến tới hôn nhân. “Các bạn trẻ khuyết tật là một phần máu thịt của tôi. Mong ước lớn nhất của tôi làm sao cho các bạn trẻ khuyết tật ở Huế tự làm và bán sản phẩm của mình, có nguồn thu nhập ổn định, bởi tôi không thể đồng hành cùng các bạn mãi được”, tiến sĩ Marichia tâm sự.
Theo: Bà Tây ‘chữa lành’ những trái tim tổn thương (Văn Nguyễn/VNE)