Chữ hiếu, chữ nghề.

(Hiếu học). Người ta bảo phụ nữ mà cứ tất bật lo toan, cứ mạnh mẽ xốc vác thì khó mà được sung sướng. Những ngày này, cô giáo Lê Thị Cẩm Nhung còn lo toan, vất vả gấp bội, bởi đôi vai cô đang cố gánh trọn cả chữ hiếu, chữ nghề…

Ba nỗi lo.

Mắt đỏ hoe, cô bảo: “Biết rằng mẹ rồi sẽ bệnh, nhưng không ngờ mẹ lại bệnh nhiều đến vậy…”. Đã ở tuổi 50 nhưng cô nhắc tới mẹ với sự ngọt ngào đến lạ! Nghe tiếng “mẹ” của cô là cảm nhận được những yêu thương, những lo lắng đến cháy lòng.

Hơn ba tháng trời đưa mẹ từ Vĩnh Long lên TP.HCM là suốt ba tháng ròng, mỗi cuối tuần cô lại bắt xe đò lên nuôi mẹ. Đã tưởng cơn nhồi máu cơ tim sau tết nguyên đán khiến cô không còn mẹ ở trên đời. Khó khăn lắm các bác sĩ mới giữ được sự sống cho người mẹ của cô Nhung bởi sau phẫu thuật bà lại phải nhập viện, phẫu thuật thêm lần nữa vì nhiễm trùng và suy thận cấp. Đó là những tháng ngày cô giáo dạy văn lớp 12 của trường THPT Lưu Văn Liệt, thành phố Vĩnh Long phải gánh ba nỗi lo lớn: lo mẹ không khoẻ lại, lo kinh phí để điều trị cho mẹ, và lo cho kỳ thi cuối cấp của học sinh.

Người ta bảo phụ nữ mà cứ tất tả lo toan thì khó lòng mà sung sướng. Điều đó đúng với cô Nhung. Nhưng, không thể không tất tả, không lo toan khi từ lâu, cô đã là trụ cột của gia đình. Nhà có hai anh em, anh Hai lập gia đình muộn lại không có việc làm ổn định, thương mẹ thương cha, cô từ chối đón nhận hạnh phúc riêng. Cô giữ những yêu thương ở một góc nhỏ trong tim mình, lấy việc phụng dưỡng ba mẹ làm niềm vui, lấy việc dạy học làm hạnh phúc. Hai mươi sáu năm đi dạy, đồng lương chỉ đủ cho những chi tiêu cần thiết trong nhà, dư chút đỉnh, cô lại giúp anh nuôi cháu. Thế nên, gian nhà nhỏ nằm ngay trong thành phố Vĩnh Long của cô vẫn cũ kỹ đến bất ngờ, vẫn chất đầy củi khô và chẳng có mấy thứ đồ dùng đáng giá.

Với những em học sinh còn nhiều điều chưa hiểu, cô sẵn sàng chỉ dẫn tận tình. Và tuần nào cũng vậy, hễ lên TP.HCM nuôi mẹ, cô Nhung lại mang theo bài của học sinh để chấm, mang theo giáo án để soạn…

Miễn sao còn mẹ trên đời.

Hai mươi sáu năm qua, người ta quen nhìn thấy cô Nhung ngày ngày cần mẫn đạp xe đến trường. Giản dị và hiền lành, hết lòng hết sức với học sinh, cô để lại trong đám học trò cuối cấp hình ảnh một cô giáo yêu nghề, yêu học sinh hơn bất kỳ điều gì trên đời. Học trò cũng đã quen thấy cô đúng giờ như một chiếc đồng hồ báo thức. Ba tháng mẹ nằm bệnh, tuần nào cô cũng mong hết giờ dạy thì lên với mẹ và chỉ dám vắng mặt ở trường hai hôm, đó là hôm đưa mẹ lên Sài Gòn làm phẫu thuật gấp và lần sức khoẻ mẹ cô nguy cấp vì nhiễm trùng. Cô bảo: “Vì học trò sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp, cô không yên lòng khi bỏ lớp, bỏ các em lâu…”. Nhưng, sức khoẻ của mẹ vẫn là điều làm cô lo lắng nhất. Trong giỏ thức ăn cô mang lên cho mẹ, chúng tôi nhìn thấy có cả những xấp bài kiểm tra của học trò nằm ngay ngắn bên trên. Trách nhiệm của một nhà giáo yêu nghề nằm ở những lo lắng đó.

Đồng nghiệp của cô Nhung bảo rằng cô vất vả lắm, phải một mình lo lắng sau trước, trong ngoài nhưng cô luôn hoàn thành tốt công tác và ít khi nghe thấy cô than vãn. Ngay cả những lúc khó khăn nhất, cô cũng xoay xở một mình… Cách đây hai năm, khi ba cô ngã bệnh, bằng chút tiền lương dành dụm, cô lo thang thuốc cho ba rồi lo ma chay khi ông qua đời, giờ mẹ lại trong cơn nguy kịch. Gần 200 triệu đồng cho hai lần phẫu thuật và ba tháng nằm bệnh ở Sài Gòn là số tiền quá lớn với cô Nhung. Đồng nghiệp, người thân có giúp đỡ thì cũng chỉ phần nào, những khoản tiền còn lại, một mình cô phải lo chạy vạy.

Khi chúng tôi đến với cô Nhung thì mẹ cô đã bắt đầu hồi phục. Bác sĩ Lê Hữu Dụng, trưởng khoa phẫu thuật tim bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bà có thể xuất viện sau khoảng một tuần điều trị nữa. Nghe tin này cô Nhung mừng lắm, nhưng rồi cô chẳng giấu được nỗi lo về những khoản vay mượn mà đến ngày về hưu, cô chưa dám nói rằng mình sẽ trả hết. Nhưng, cô bảo, có tốn kém bao nhiêu cô cũng ráng, có vất vả bao nhiêu cô cũng chịu, miễn sao cô còn mẹ trên đời…

Theo: Chữ hiếu, chữ nghề. (Bích Uyên/SGTT).

Bài liên quan

Học đại học, nuôi mẹ bệnh tật và trả nghĩa cuộc đời.

(Hiếu học). Nam không quên được những lần nhà hết gạo ăn, hai mẹ con ngồi bần lặng nhìn nhau trong ngôi nhà tồi tàn thông thốc gió, đứng cheo leo trên một con đồi. Vượt lên tất cả, Nam bước chân vào đại học mang theo niềm tự hào của người mẹ luôn đau yếu.

Cô giáo trẻ 8X và 9 năm gắn bó với vùng cao.

(Hiếu học). Bố mất khi học cấp 2, mẹ mất khi đang là sinh viên năm 2, Thu Nguyệt vẫn gắng vươn lên để học tập, vượt qua nỗi mất mát lớn lao. Tốt nghiệp, chị viết đơn xin lên vùng cao dạy học, tình nguyện dạy cho học sinh người dân tộc thiểu số...  

Nỗi lo đầu vào Sư phạm?

(Hiếu học). Số lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường sư phạm ngày càng giảm. Những năm gần đây, số thí sinh ĐKDT vào các trường, ngành sư phạm ngày càng thấp. Đầu vào thấp, dự báo ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai!

Điều ước nhỏ của cô nữ sinh

(Hiếu học). Kiều Anh cúi đầu khi nói với tôi mong ước của mình: “Giờ đây em không dám ước mẹ có thể sống lại, em chỉ mong mệ và chị được mạnh khỏe, các em học giỏi, cả nhà luôn sum vầy bên nhau” - cô nữ sinh Trường THPT Gio Linh, Quảng Trị tâm sự.  

Câu chuyện hiếu học kỳ diệu năm 2009.

(Hiêu học). Cậu con trai thứ hai chỉ cao 1,12 m, nặng chưa đầy 40kg, chân tay khuềnh khoàng, ốm đau suốt nhưng học rất tốt, ông Ngô Văn Bằng (Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã “lặn lội” cùng con ra Hà Nội khi con ông nhập học Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam... 

Cùng chuyên mục