Một mánh vặt để làm đẹp cho bảng điểm. Khác với những sinh viên day dứt vì thi rớt, những sinh viên này chọn hình thức “chủ động thi lại”.
“Đá lượt về” dễ hơn?
Cuối tháng 6, trong khi bạn bè “ngụp lặn” trong đống đề cương ôn thi cuối kỳ thì Giang (1990, Đại học T.M) vẫn mải mê rong chơi tối tối. Nàng hết ngóng chương trình ca nhạc cuối năm của các trường hàng xóm, lại tí tởn với những vụ chơi bời khác. Xem ra kỳ thi đầu tiên của bậc đại học chẳng hề làm cô nàng này bận tâm, nàng còn chắc như đinh đóng cột rằng “Đảm bảo bảng điểm tổng kết của tớ vẫn sẽ cao”.
Đó là bởi Giang được một cựu sinh viên của trường rỉ tai là “đá lượt về” dễ hơn “đá lượt đi”. Do thầy cô “thương”, nên trông thi không gắt quá, đề cương ôn cũng “có trọng tâm hơn” nên cao điểm hơn lần đầu là cái chắc.
Không hiếm bạn bỏ thi, thậm chí vào phòng thi, xác định chỉ làm 2/3 là sẵn sàng gạch bỏ bài để thi lại lần 2. T.M, CT2- ĐH LĐXH, khi làm bài thi môn Tâm lý Xã hội, bạn xác định chỉ làm được khoảng 7 điểm do phải bỏ mất một câu 3 điểm, đã gạch hết toàn bộ bài, chấp nhận thi lại. “Điểm quá trình mình được 9, nên thấy phí quá nếu thi chỉ được 7. Nên gạch bài để thi lại lần sau, ôn kỹ hơn cho khỏi tiếc”.
Những người bạn này lựa chọn phương án “được” trượt chứ không phải “bị” trượt.
Rủ nhau được… trượt
Khi cùng một lúc phải ôn tập nhiều môn thi, khá nhiều bạn quyết định tập trung ôn những môn mình khá, còn môn nào chưa chắc thì để… thi lại.
M.Hằng (ĐHBK) tâm sự: “Môn Nguyên lý thống kê, trong năm mình nghỉ học mấy tuần vì bị ốm, nên kiến thức không chắc lắm. Bây giờ tạm gác lại, để dành thời gian ôn tập mấy môn kia. Khoảng thời gian chờ có điểm đến khi thi lại lần 2 khoảng 2- 3 tuần, đủ cho mình ôn tập. Điểm cũng khá hơn vì thời gian ôn tập thoải mái, không phải chịu áp lực gì”.
Còn Tuấn Anh, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lại rút được “kinh nghiệm” từ chính sự sa sẩy phải học lại mấy môn do thi trượt ở học kỳ trước. Theo Tuấn Anh, do trường cậu áp dụng thi trắc nghiệm 100% các môn trên máy tính, nên nếu không chăm chỉ học hành thì vào phòng thi chỉ có nước click bừa.
Thế nên môn nào biết chắc không thể qua, hoặc điểm sẽ không cao, Tuấn Anh đều… “cảm tử”, click lung tung cho trượt để được phép thi lại.
Vậy là trong khi các bạn xung quanh làm bài thì cậu lại lúi húi ngồi… chép lấy đề bài. Vì theo kinh nghiệm cho thấy, khi thi lại kiểu gì cũng “dính” được kha khá các câu ở lần thi đầu tiên.
Tuấn Anh cũng tự nhận mình là biết lo xa, chứ như mấy cậu bạn vẫn nhẵn mặt đi học lại cùng nhau còn chẳng thèm đến ngó xem đề thi thế nào. “Đánh hơi” thấy môn nào khó qua là y như rằng, cả bọn rủ nhau ở nhà cho khỏe để được… trượt. Sau đó tùy vào môn mà bỏ ra 180K/3 trình/môn hoặc 360K/6 trình/môn để đăng ký học lại.
Vì sao? Vì sinh viên học lại chỉ phải học 2/3 thời lượng, còn được giáo viên chữa hết hầu hết đề cương, hoặc giới hạn sát hơn. Thế nên dù tiền học lại không hề rẻ, nhưng để đầu tư cho một bảng điểm đẹp, không ít bạn đã chẳng nề hà, “trượt tạm” vài môn mỗi kỳ.
Chẳng ai học được chữ ngờ
Một tuần trước khi nghỉ Tết, Tuấn Anh nhận được thông báo của trường tăng “tiền học lại” từ 180K/3 trình lên 300K/3 trình và từ 360K/6 trình lên tới tận 600K/6 trình. Để trả hết số học trình còn nợ từ năm ngoái cộng dồn với số môn dự tính sẽ cần trả kỳ này, ít nhất Tuấn Anh cũng phải bỏ ra hơn 4 triệu, đắt hơn cả học phí một kỳ học bình thường.
Trường hợp của T.M thi lại môn Tâm lý vì muốn có điểm tổng kết cao, nào ngờ hôm thi lại lần 2 do sơ suất nên “quên khuấy mất ngày đi thi”, thế nên T.M phải học để thi lại cùng đợt với các em khoá sau. Một năm nghỉ không học môn Tâm lý, nên những kiến thức dù là “ôn lại” đối với bạn ấy cũng thành ra “mới nguyên”.
Thế là chưa nghĩ đến việc “điểm cao”, mục tiêu của T.M giờ đây hạ xuống thành “qua được môn này đã”- điều mà bạn ấy thừa sức làm từ lần thi đầu tiên năm ngoái.
Nhiều bạn chủ động chọn thi lại vì cứ nghĩ “ối dào, thi lại thì chắc là đề dễ hơn, thầy cô trông thi cũng thoáng hơn là cái chắc” để rồi dành thời gian để ôn thi lại để “chơi cái đã”. Chỉ đến khi cầm đề thi lần 2 trong tay mới tá hỏa ra vì “đề khó ngang ngửa đề thi lần 1, thầy cô cũng canh nghiêm chứ chẳng lơi lỏng tẹo nào”.
Một kế hoạch đầu tư sai cách?
Vẫn biết có một bảng điểm đẹp khi ra trường là một lợi thế, nhưng đây không phải tiêu chí quan trọng nhất thuyết phục các nhà tuyển dụng.
Anh Hoàng Phi Long – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khách hàng, công ty Vinaphone, phụ trách công tác tuyển dụng nhân sự cho biết: “Một bảng điểm đẹp không quan trọng bằng năng lực thực sự của nhân viên. Nỗ lực và năng lực mới khiến bạn đánh bật được những ứng cử viên khác. Nhân viên đã được tuyển chọn mà không làm được việc, hoặc sẽ bị thuyên chuyển sang vị trí khác, hoặc sẽ bị buộc thôi việc”.
Và không phải trường nào cũng cấp cho sinh viên ra trường phiếu điểm chỉ ghi điểm thi cuối cùng được công nhận. Cô Đinh Thị Chính, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Trong bảng điểm, ghi rõ các cột điểm thi lần 1, lần 2, lần 3… Nếu bỏ thi, không có lý do chính đáng và xác thực đều nhận điểm 0, ghi rõ ràng trong sổ điểm”. Vì thế, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể nhận ra thái độ học của bạn trong nhà trường.
Những mẹo lặt vặt này chẳng làm bạn giỏi lên được!
Sinh Viên Việt Nam