Chọn trường cho con

Việc chọn trường cho con là mối bận tâm hàng đầu của phụ huynh. Từ giữa tháng 6, ngay khi mới bắt đầu mùa hè, các phụ huynh đã lo chuyện hồ sơ cho con vào học các lớp đầu cấp.

Việc chọn trường cho con là mối bận tâm hàng đầu của phụ huynh. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đối với các cấp học nhỏ như mầm non, tiểu học, rất nhiều phụ huynh bối rối không biết phải lựa chọn trường nào phù hợp. Công lập, tư thục, quốc tế hay thậm chí học tại gia? Đó là những băn khoăn của phụ huynh từ năm này sang năm khác.

Theo nhận xét của tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập hệ thống giáo dục GiapGroup, thì câu chuyện chọn trường ở VN ngày càng rối bởi phụ huynh còn nặng tâm lý “trăm sự nhờ thầy”.

Trẻ nhỏ, ưu tiên số 1 là gần nhà

Được biết ông đã từng phải chuyển trường cho con nhiều lần. Ông có thể cho biết nguyên do?

Cháu lớn nhà tôi phải chuyển nhiều trường là vì vấn đề của cá nhân chứ không phải trường nọ đỡ tệ hơn trường kia. Trước khi về VN thì cháu đã học ở Anh và Singapore. Lúc mới về, tôi đã chọn cho con vào học trường song ngữ. Nhưng ngay cả như vậy, con cũng không quen với văn hóa giao tiếp ở VN nên con sốc. Việc phải học cả ngày lại càng làm con thêm căng thẳng. Vì thế, tôi chuyển con đến học ở một trường công bình thường, gần nhà. Con có thể đạp xe đến trường thay vì phải có xe đưa đón. Đặc biệt, tôi đã xin cho con chỉ học 1 buổi ở trường. Không tham gia bất cứ chương trình học thêm hay phụ đạo nào. Vì thế, sau một buổi ở trường, con có một buổi tự do ở nhà, được tự do học làm những gì mình thích, giống như khi đang sống ở nước ngoài. Điều này giúp con rất nhiều trong giai đoạn hội nhập ban đầu.

Rồi sau đó, con tôi lại chuyển sang một trường tư mới thành lập. Vì sao? Vì nghe giới thiệu và xem trường, con thích. Lúc này con đã quen với việc học ở VN nên không cần phải học một buổi, chơi một buổi nữa. Vậy là chúng tôi lại chuyển trường cho con. Hết lớp 9, con thi đỗ vào Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam. Đặc biệt, con không học thêm, không gia sư, và vẫn có thời gian được làm những gì con thích.

Vậy tiêu chí chọn trường cho con của ông là gì?

Tiêu chí chọn trường cho con của tôi rất đơn giản. Với những cháu nhỏ, ưu tiên số một của tôi là trường gần nhà, để việc đi lại của con đỡ vất vả. Chẳng hạn, cháu út thì học tại trường ngay dưới tòa nhà tôi ở. Còn cháu giữa, năm ngoái học tiểu học ở một trường tư khá tốt nhưng vì năm nay nhà tôi chuyển chỗ ở nên cháu được chuyển về học ở một trường gần nhà mới, để hằng ngày con có thể tự đi bộ đến trường dù trường mới có thể không được tốt như trường cũ.

Với cháu lớn thì tiêu chí chọn trường có khác một chút khi con bắt đầu lên THPT. Tôi cho rằng khi con đã lên bậc học này, thì con phải tự chọn trường con thích học. Bố mẹ không can thiệp nữa. Vì thế, ngay cả khi con chọn một trường khá xa nhà, nhưng vì đó là trường con thích, nên tôi tôn trọng quyết định của con.

Tất nhiên, bên cạnh tiêu chí gần nhà thì chất lượng trường cũng được xem xét. Nhưng tôi cũng không đặt quá cao yêu cầu chất lượng, vì tôi biết, với nội dung chương trình giống hệt nhau như vậy, thì học ở đâu cũng tương tự nhau thôi. Với tôi, một trường chấp nhận được là một trường không quá tệ.

Chỉ phụ huynh mới biết rõ trường nào phù hợp với con

Là một chuyên gia giáo dục, ông có thường được nhờ tư vấn chọn trường không?

Cũng có một số bạn bè hỏi ý kiến tôi, nhưng có vẻ tôi không giúp họ được nhiều, bởi tiêu chí của tôi quá đơn giản, như tôi đã chia sẻ ở trên. Nhưng tôi nghĩ việc này thì rất khó để khuyên nhau. Cho con học ở đâu là câu chuyện riêng của từng gia đình. Chỉ có chính gia đình đó mới biết trường nào là phù hợp với con mình. Với gia đình tôi thì đó là gần nhà và không quá tệ.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục hiện giờ cũng gần giống như vào nhà hàng mà chỉ có một món để chọn. Trường công thì trường nào cũng dạy và học giống nhau. Cơ sở vật chất cũng vậy. Còn trường tư thì chương trình hầu hết vẫn giống trường công. Cơ sở vật chất có khá hơn và thường có thêm các hoạt động ngoại khóa. Nói chung là trường tư tốt hơn trường công, nhưng học phí cao hơn, nên không phải gia đình nào cũng lựa chọn được. Lựa chọn của phụ huynh vì thế rất ít, và họ biết rất rõ đâu là trường phù hợp với gia đình và với con mình.

Cha mẹ cần “giành lại” quyền dạy con

Vậy cái ý chỉ cho con học một buổi ở trường mà ông đã thực hiện với cháu lớn chính là để bù đắp cho cái phần chất lượng còn khuyết đó ở các trường công?

Tôi muốn con có thời gian để phát triển sở thích cá nhân thay vì chỉ học và làm bài tập ở trường. Khi ở nhà, con được chơi, được học, được làm những gì con thích, như đọc truyện, vẽ tranh, chơi với em… Nhưng tôi biết, không phải ai cũng có thể làm như vậy. Chúng tôi là những “lao động tự do” nên có thể dành thời gian cho con, và dạy con khi con ở nhà cùng bố mẹ. Phần lớn những gia đình khác đều gặp khó khăn trong việc này, nên việc dạy con thì “trăm sự nhờ thầy”. Vì thế, chọn trường trở thành quan trọng. Mỗi khi hè đến, nhiều phụ huynh lại rối lên với chuyện chọn trường.

Tôi cho rằng cha mẹ cần phải “giành lại” quyền dạy con mà mình đã buông lỏng hoặc đánh mất. Thay vì phó thác toàn bộ việc dạy con cho nhà trường, cha mẹ cần dành thời gian để dạy con những gì nhà trường không dạy. Việc học là việc phức tạp. Học để biết thông tin và kiến thức thì nhà trường có thể dạy được. Nhưng học để có kỹ năng sống là bắt đầu khó, bắt đầu quá sức của nhà trường hiện giờ. Còn học để trở thành người mình chọn trở thành, thì nhà trường hoàn toàn bỏ ngỏ. Vì thế, cái học này là cái học của gia đình. Bố mẹ phải trực tiếp dạy. Nếu đã hiểu ra như thế, thì con học trường nào thực ra không quan trọng lắm, miễn là gần nhà và không quá tệ.

Theo: (Giáo dục /TNO)

Bài liên quan

Gia thục: ủng hộ hay không?

Homeschool có thể được dịch là gia thục, như một sự đối ngẫu với trường tư thục, một hình thức giáo dục đã được thừa nhận.  

Trẻ em loay hoay mỗi khi hè đến!

Nhìn ở góc độ xã hội, trẻ em hiện tại loay hoay mỗi khi hè đến là do cấu trúc xã hội truyền thống đang thay đổi quá nhanh, trong khi cấu trúc mới chưa kịp hoàn thiện.

Cùng chuyên mục